1. Nhà thờ Chính Toà:
Linh địa Gò Thị, cái nôi của giáo phận Quy Nhơn. Đức cha Cuénot Thể đã chọn Gò Thị làm giáo phủ vì nằm ven đầm Thị Nại, dễ ẩn trốn khi bị bách hại, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu. Ngài đã nhờ ông trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông (thánh tử đạo) đứng tên mua đất. Ngài đã xây dựng nhà trường đào tạo các chủng sinh, nhà phước cho các nữ tu và cô nhi viện. Công đồng Gò Thị đã được Đức cha tổ chức ở đây với sự tham dự của Đức cha phó D. Lefèbvre Ngãi, cha chính J.C. Miche Mịch và 13 linh mục Việt Nam để đào tạo hàng giáo sĩ Việt cho Đàng Trong, mở rộng vùng truyền giáo cao nguyên và chuẩn bị chia giáo phận.
2. Đền thờ Thánh E.T. Cuénot Thể
Tại Vĩnh Thạnh, Gò Bồi, cách Gò Thị 3km về hướng bắc bên bờ sông Côn thơ mộng. Đền được xây trên nền nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, nơi Thánh Giám mục Stêphanô dâng thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt, và mất tại Bình Định. Bà Huỳnh Thị Lưu cũng bị bắt vào dịp này, và đã tử đạo tại Gò Chàm, Bình Định.
3. Trại phong Quy Hoà:
Nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về hướng Tây Nam, do cha Paul Matheu Mỹ, một linh mục thừa sai MEP người Pháp và bác sĩ Le Moine, trưởng ngành y tế Quy Nhơn, sáng lập năm 1929. Từ khởi đầu cho đến nay, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ vẫn tận tâm phục vụ hàng ngàn bệnh nhân phong tại đây, trong số đó có cả thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Mộ của nhà thơ vẫn là điểm dừng chân của nhiều du khách trước khi thăm viếng trại phong Quy Hoà.
4. Danh lam thắng cảnh:
- Viện bảo tàng Tây Sơn: Đây là quê hương của Tam Kiệt Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Vùng núi không cao (800m) nhưng hiểm trở, nằm ở huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sau khi xưng vương ở đất Tây Sơn (1773), đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã ba lần kéo quân ra Bắc. Chiến công hiển hách nhất của ông là tiêu diệt 50.000 quân Thanh của tướng Tôn Sĩ Nghị tại gò Đống Đa ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789).
- Vương quốc Chiêm Thành: dọc theo bờ biển trong giáo phận, có rất nhiều di tích của vương quốc Chiêm Thành như: kinh đô Vijaya (Đồ Bàn hay Chà Bàn), thành Phúc Lộc, tháp Hưng Thạnh, tháp Tre Xanh,…
|