Đường hướng mục vụ của giáo phận: là một giáo phận Đông giáp biển Đông Hải, Tây giáp dãy Trường Sơn, cộng vào đó nhiều vấn đề khác được đặt ra do thành phố Nha Trang nay được nâng lên thành phố loại 2, thị trấn Cam Ranh được nâng lên thị xã, thị xã Phan Rang cũng đang được mở rộng, giáo phận Nha Trang đang phải vừa nhìn vào thực trạng hôm nay và vừa nhìn về tương lai để tìm một phương hướng đi sâu vào lòng dân tộc.
1. Xã hội:
Giáo dục: Các nhà trẻ góp phần vào công tác giáo dục các thiếu nhi ngay ở tuổi măng non về mặt nhân bản, trí dục, đức dục và thể dục; các lớp tình thương về mặt xoá mù chữ; các lớp bổ túc giúp các học sinh trung tiểu học theo kịp chương trình phổ thông, ngoài ra, còn giúp các trẻ em nghèo có được phương tiện để tiếp tục việc học.
Y tế: Giáo phận Nha Trang cũng góp phần vào việc chăm lo sức khoẻ cho dân chúng, giúp cho bệnh viện có được một số trang thiết bị; phát thuốc cho dân, nước sạch cho dân, qua việc đào giếng hay xây dựng các hệ thống dẫn nước.
Các vấn đề xã hội khác: Giáo phận Nha Trang còn góp phần giúp giải quyết các vấn đề đang làm xã hội bận tâm:
- Người nghèo, nhất là những người nghèo thuộc các dân tộc thiểu số, đang được giúp đỡ để đi đến chỗ tự lực cánh sinh;
- Nhà tình thương cho trẻ em đường phố;
- Các trẻ em khuyết tật tại trung tâm trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hoà;
- Người bệnh phong cùi luôn được ưu ái chăm sóc, người mù cũng được giúp đỡ.
- Những người nghiện xì ke, ma tuý, đặc biệt những người nhiễm bệnh HIV và AIDS từ lâu đã được quan tâm và đang được tìm cách tiếp cận.
- Thăng tiến phụ nữ cũng đã được đặt ra.
2. Đào tạo nhân sự:
Giáo sĩ: Ngoài giai đoạn đào tạo chính thức ở chủng viện, các linh mục được bồi dưỡng về một vấn đề nào đó qua tuần thường huấn hàng năm. Ngoài ra giáo phận cũng gửi các linh mục đi ngoại quốc học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm mục vụ và để nâng cao trình độ giảng dạy và hướng tới việc nâng đại chủng viện lên tương đương tầm đại học quốc tế.
Tu sĩ: Ngoài việc trùng tu hay xây cất các tu viện để đáp ứng nhu cầu đời sống, còn có việc nâng cao học vấn, nghiệp vụ qua các lớp bồi dưỡng thần học hàng năm. Một số tu sĩ được gửi đi nước ngoài học tập.
Giáo dân:
- Mục vụ chung: để đáp ứng các nhu cầu mục vụ, có việc phân chia thêm các giáo hạt và giáo xứ; phần nhiều các nhà thờ giáo xứ đã được trùng tu hay xây mới để đáp ứng nhu cầu phụng tự; nhiều nhà hội, nhà giáo lý cũng đã được xây dựng.
- Mục vụ cho dân di cư ra mặt lộ: với việc nâng cấp đường lộ và độ thị hoá, dân chúng di cư ra hai bên mặt lộ để sinh sống, trong số đó có giáo dân. Vấn đề mục vụ cho những giáo dân di cư này đang được điều nghiên để làm sao đạt được hiệu quả cao.
- Các khoá bồi dưỡng giáo dân: Gần đây các khoá bồi dưỡng giáo dân về thánh nhạc, giáo lý, ban hành giáo hằng năm được tổ chức.
- Giáo dục đức tin: Vấn đề giáo dục đức tin cho giáo dân đang được quan tâm.
- Phụng vụ: cung cấp các bài hát phụng vụ về các mùa trong năm, lễ trọng và các chủ đề.
- Giáo lý: chương trình giáo lý phổ thông theo các lứa tuổi cho các thanh thiếu niên đã được áp dụng tại các giáo xứ. Tuy nhiên có một vướng mắc trong việc giảng dạy giáo lý là nhiều em học sinh phải đi học thêm giờ ngay cả ngày Chủ nhật để theo kịp chương trình phổ thông trung, tiểu học.
- Đối với các giáo dân lớn tuổi và giới trí thức, một chương trình lồng ghép Thánh Kinh và Phụng vụ đang được biên soạn để giúp cho họ sống đức tin vững vàng hơn giữa lòng đời.
Truyền giáo: Vấn đề truyền giáo đang là một trăn trở của giáo phận bởi số người Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ 10,24% dân số. Vì vậy ngoài việc truyền giáo cho những người ở gần, giáo phận đang tìm cách truyền giáo cho những người thuộc các lĩnh vực sau:
- Những người sống ở vùng sâu, vùng xa trên đất liền,
- Những người đang sống tại các hải đảo, đặc biệt các hải đảo xa xôi,
- Những anh em thuộc dân tộc thiểu số Chăm, Thượng. Các giáo xứ miền núi thuộc tỉnh Khánh Hoà đều chú tâm đến các anh em người Thượng (tại Khánh Hoà số anh em Thượng Công giáo là 1.000; tại Ninh Thuận, số anh em Thượng Công giáo là khoảng 1.900 và số anh em Chăm Công giáo là 250).
|