1. Tôn giáo:
- Vương cung Thánh đường Đức Bà: Ngày 7-10-1877, Giám mục I.F.J. Colombert Mỹ đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên cho công trình xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Bà, do kiến trúc sư M. Bournard thiết kế và thi công. Sau gần 3 năm, Vương cung Thánh đường Đức Bà được hoàn thành. Ngôi thánh đường nguy nga, tráng lệ dài 91m, rộng 35,5m, vòm mái cao 21m, hai tháp chuông cao 36,6m. Năm 1895, xây thêm hai tháp nhọn cao 21m, bên trong hai tháp là bộ chuông vĩ đại gồm 6 quả với tổng trọng lượng là 28.850kg. Năm 1959, Toà Thánh quyết định nâng ngôi nhà thờ này lên thành Vương cung Thánh đường. Ngày 9-12-1959, Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền đã cử hành nghi thức xức dầu thánh hiến Vương cung Thánh đường.
Hơn 100 năm qua, Vương cung Thánh đường Đức Bà không chỉ là nhà thờ chính toà của giáo phận mà còn là nơi hành hương nổi tiếng cho các du khách thập phương trong cũng như ngoài nước.
Ngoài ra còn có một số nhà thờ cổ khác như: Phanxicô Xaviê còn gọi là nhà thờ Cha Tam (1900), Gia Định (1887), Chợ Đũi (1900), Chợ Quán (1896), Jeanne d’Arc (1928), Thánh Giuse ở Hạnh Thông Tây (1920), Thánh Tâm ở Tân Định (1900).
- Di tích lịch sử Công giáo: ngoài nhà thờ Chính Toà, giáo phận TP. Hồ Chí Minh còn có toà giám mục hiện nay được Đức cha L.E. Mossard Mão xây dựng và ở đây từ năm 1911. Bên cạnh là căn nhà cổ do chính quyền Pháp cấp cho Đức cha Lefèbvre làm nơi cư trú. Từ năm 1864-1900, một số Đức cha D. Lefèbvre (Ngãi), J.C. Miche (Mịch), I.F.J. Colombert (Mỹ), J.M. Dépierre (Đễ) dùng làm toà giám mục. Căn nhà sau này đã được đưa về sát bên toà giám mục để dùng làm nguyện đường. Nhà này có nhiều điểm kiến trúc cổ đặc sắc của dân Việt. Ngoài ra, còn phải kể đến công trình kiến trúc đồ sộ là tu viện dòng Thánh Phaolô, toạ lạc tại 4 Tôn Đức Thắng, Q.1 do chính Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) vẽ kiểu và xây dựng từ tháng 9-1862 đến 18-7-1864.
2. Di tích lịch sử
Di tích lịch sử nổi tiếng là lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông) với lễ giỗ được tổ chức vào các ngày 29, 30 tháng 7 và mồng 1 tháng 8 hàng năm. Đây là ngày hội lớn của đất Gia Định xưa và dân Nam Bộ ngày nay. Di tích khác khá nổi tiếng là đền thờ Trần Hưng Đạo ở 36 Võ Thị Sáu, Q. I, lễ giỗ hàng năm vào 20-8 âm lịch.
TP. Hồ Chí Minh còn có những ngôi chùa nổi tiếng như: chùa Giác Lâm ở 118 Lạc Long Quân, Q. Tân Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng vào năm 1744 và được trùng tu nhiều lần; chùa Giác Viên ở Q.11, nằm trong khuôn viên khu du lịch Đầm Sen (1798); chùa Vĩnh Nghiêm (1948) ở 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3; chùa Xá Lợi (1956); chùa Linh Sơn.
3. Danh lam thắng cảnh:
Thảo Cầm Viên, Bến Cảng Nhà Rồng và Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) ở TP. Hồ Chí Minh, 18 Thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn, khu rừng sác ngập mặn ở huyện Cần Giờ.
|