Lời Mở Ðầu
1. Ý nghĩa từ ngữ. Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật, mà, nhờ ơn Chúa, tài năng con người đã từng khai thác từ tạo vật, nhất là trong thời đại chúng ta, thì Giáo Hội là Mẹ, đặc biệt ân cần tiếp đón và theo dõi, từ những phát minh liên quan đặc biệt tới tinh thần con người, đến những phát minh mở nhiều con đường mới để truyền thông một cách hết sức dễ dàng đủ các loại tin tức, tư tưởng và mệnh lệnh. Tuy nhiên giữa những phát minh này, trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có liên hệ và ảnh hưởng đến từng người, mà còn đến chính đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại 1* như báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương tự. Do đó những phương tiện này đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã hội.
2. Lý do thúc đẩy Công đồng quan tâm đến vấn đề. Giáo Hội là Mẹ cũng biết rằng những phương tiện đó, nếu được xử dụng đúng đắn sẽ mang lại những lợi ích hữu hiệu cho nhân loại vì chúng đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, huấn luyện tinh thần cũng như việc mở rộng và củng cố Nước Chúa. Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể dùng chúng nghịch lại với ý định của Ðấng Tạo Hóa, và làm cho chúng quay lại phản mình; hơn nữa Giáo Hội là Mẹ hiền hết sức đau lòng vì những thiệt hại 2* quá thường xảy ra cho xã hội con người do việc cố ý dùng sai những phương tiện này.
Vì thế, để nhấn mạnh đến mối quan tâm của các Ðức Giáo Hoàng và các Ðức Giám Mục về vấn đề rất quan trọng này, Thánh Công Ðồng nghĩ rằng có nhiệm vụ đề cập đến những vấn đề chính yếu liên quan tới những phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa Thánh Công Ðồng cũng tin tưởng rằng giáo thuyết và chỉ thị được trình bày sau đây không những sẽ giúp ích cho phần rỗi các Kitô hữu mà còn giúp cho việc tiến bộ của toàn thể cộng đoàn nhân loại.
Chương I
Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
3. Nhiệm vụ của Giáo Hội. Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, và do đó có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn.
Như thế, Giáo Hội đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.
Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân đạo và Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.
4. Luật luân lý. Ðể xử dụng đứng đắn những phương tiện này, mọi người khi xử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và phải áp dụng trung thành trong phạm vi này. Vậy họ phải cân nhắc nội dung những gì được truyền thông, tùy bản tính của mỗi phương tiện; đồng thời họ cũng phải chú ý đến mọi trường hợp hay hoàn cảnh, tức là mục đích, khán thính giả, địa điểm, thời gian liên quan đến việc truyền thông này: chính những trường hợp hay hoàn cảnh đó có thể biến cải hoặc đổi mới hoàn toàn tính cách luân lý của sự truyền thông. Trong số hoàn cảnh đó phải kể đến cách thức tác động riêng, nghĩa là sức mạnh thuyết phục của mỗi một phương tiện, sức mạnh đó có thể hùng hậu đến nỗi con người - nhất là nếu không được chuẩn bị - khó có thể nhận thức, chế ngự và từ khước nếu cần.
5. Quyền thông tin. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả những người liên hệ đến vấn đề này cần phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về việc xử dụng các phương tiện đó, nhất là những gì liên quan tới một số vấn đề ngày nay đang được bàn cãi sôi nổi.
Vấn đề thứ nhất là về thông tin, như người ta thường nói, nghĩa là việc thu thập và phổ biến tin tức. Dĩ nhiên ai cũng thấy nhờ tiến bộ của xã hội nhân loại ngày nay và nhờ các phần tử xã hội liên lạc chặt chẽ với nhau hơn, việc thông tin đã trở nên rất hữu ích và nhiều khi cần thiết; thật vậy việc thông tri đúng lúc các biến cố và các sự kiện giúp cho từng cá nhân biết 3* đầy đủ và liên tục các việc đó, như thế chính họ có thể tham gia vào ích chung một cách hữu hiệu hơn, và nhờ đó mọi người càng dễ dàng đóng góp vào việc thăng tiến toàn thể xã hội hơn nữa. Vì vậy, xã hội nhân loại có quyền thông tin những gì thích hợp với con người - hoặc cá nhân hoặc liên kết với nhau trong đoàn thể - tùy theo hoàn cảnh từng người. Tuy nhiên việc thực thi đúng đắn quyền này đòi nội dung việc truyền thông phải luôn luôn xác thực - và vẫn giữ đức công bình và bác ái - và phải đầy đủ; ngoài ra cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là cả trong việc săn tin lẫn loan tin, tuyệt đối phải tuân giữ luật lệ luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người; thật vậy không phải mọi sự hiểu biết đều hữu ích, "còn bác ái thì xây dựng" (1Cor 8,1).
6. Luân lý và nghệ thuật. Vấn đề thứ hai là xét đến điều mà người ta thường nói là những tương quan giữa quyền lợi của nghệ thuật, với tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những cuộc tranh luận thường xuyên về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm về luân lý và thẩm mỹ, nên Thánh Công Ðồng tuyên bố mọi người phải tuyệt đối tuân giữ quyền ưu tiên của lãnh vực luân lý khách quan, bởi vì lãnh vực này là lãnh vực độc nhất trổi vượt và phối hợp một cách thích đáng với mọi lãnh vực khác - dù rất cao quý - của hoạt động con người, kể cả nghệ thuật nữa. Thật vậy, chỉ có lãnh vực luân lý mới liên hệ đến toàn diện bản tính con người, một tạo vật có lý trí mà Thiên Chúa đã tạo dựng và mời gọi vào đời sống siêu nhiên; vì nếu trung thành tuân giữ trọn vẹn lãnh vực luân lý, con người sẽ đạt tới hoàn thiện 4* và hạnh phúc đầy đủ.
7. Khi phải trưng bày tội ác. Sau cùng, việc tường thuật, mô tả hay trình bầy điều xấu về phương diện luân lý, ngay cả bằng những phương tiện truyền thông xã hội, chắc chắn có thể giúp nhận biết và khám phá con người một cách sâu rộng hơn, giúp bày tỏ và biểu dương vẻ huy hoàng của điều Chân, điều Thiện, nhờ các tác động kịch nghệ thích hợp; tuy nhiên để khỏi làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động trên vẫn phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là nếu đề cập đến những vấn đề đòi phải được kính trọng tương xứng, hay đến những gì dễ khích động dục vọng xấu xa của con người đã mang vết tội tổ tông. 5*
8. Dư luận quần chúng. Vì dư luận quần chúng ngày nay có sức mạnh và uy quyền rất nhiều trên đời sống tư cũng như công của mọi tầng lớp dân chúng, nên mọi phần tử xã hội cần phải chu toàn bổn phận công bình và bác ái của mình, ngay cả trong lãnh vực này; bởi đó, họ cũng phải dùng những phương tiện truyền thông xã hội mà cố gắng tạo dư luận ngay chính và phổ biến những dư luận đó.
9. Bổn phận của khán thính giả. Tất cả mọi người xử dụng các phương tiện truyền thông nghĩa là những độc giả, khán giả và thính giả nhận được sự truyền thông qua các phương tiện đó, tùy theo sự lựa chọn cá nhân và tự do, đều phải có những bổn phận đặc biệt. Thật vậy, việc lựa chọn đúng đắn đòi họ phải ưng thuận những gì là đức hạnh, khoa học và nghệ thuật; họ phải tránh những gì nên cớ hay làm dịp cho họ phải thiệt hại về phần thiêng liêng, hoặc có thể vì gương xấu mà làm cho người khác phải nguy hiểm, hoặc lại ngăn cản những việc truyền thông tốt mà cổ võ những truyền thông xấu: điều này thường xảy ra khi người ta trả tiền cho những người khai thác những phương tiện này chỉ vì lý do kinh tài. 6*
Vì thế để chu toàn luật luân lý, chính những người xử dụng không được quên bổn phận phải tìm hiểu đúng lúc những phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong những vấn đề đó, và phải tuân giữ những phán quyết đó theo tiêu chuẩn lương tâm ngay thẳng; hơn nữa để chống lại những quyến rũ thiếu ngay chính một cách dễ dàng hơn, và để hoàn toàn bênh vực những ảnh hưởng tốt, họ phải chú tâm hướng dẫn và đào luyện lương tâm mình bằng những phương thế thích hợp.
10. Bổn phận của thanh thiếu niên và phụ huynh. Những người xử dụng, nhất là thanh thiếu niên, phải lo tập cho quen điều độ và kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này; ngoài ra họ cũng phải cố gắng thấu hiểu sâu xa hơn những điều họ thấy, nghe và đọc; họ phải thảo luận với những nhà giáo, những người chuyên môn, và phải học phán đoán cho đứng đắn. Còn bậc phụ huynh thì phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo kịch ảnh, sách báo và những thứ cùng loại trái nghịch với Ðức Tin, trái thuần phong mỹ tục, lọt vào ngưỡng cửa gia đình, cũng đừng để con cái gặp những thứ đó ở nơi khác.
11. Bổn phận của tác giả. Bổn phận luân lý chính yếu đối với việc xử dụng đứng đắn những phương tiện truyền thông xã hội là của các nhà báo, nhà văn, các diễn viên, các nhà dàn cảnh, nhà sản xuất, những người xuất vốn, người phân phối, các quản đốc và những người buôn bán, những người phê bình 0* và tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến những phương tiện truyền thông này; trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, mọi người đều thấy rõ rằng những người đó mang những trách nhiệm hết sức quan trọng, vì chính họ, trong khi thông tin và cổ động, có thể dẫn đưa nhân loại một cách ngay chính hay sai lạc.
Bởi thế họ có bổn phận tìm cách phối hợp những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật để chúng không bao giờ nghịch lại ích chung; muốn đạt tới điều đó một cách dễ dàng hơn, chính họ nên ghi tên vào những hiệp hội liên quan đến nghề nghiệp mình: những hiệp hội này bắt buộc các hội viên tôn trọng luật luân lý trong những công việc và bổn phận nghề nghiệp, và nếu cần, đi đến chỗ ký kết một quy ước luân lý 7* phải tuân giữ chu đáo.
Họ cũng phải luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán giả là thanh thiếu niên: những lớp người này cần báo chí và kịch ảnh để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn. Hơn nữa, họ phải lo ủy thác cho những người xứng đáng và chuyên môn việc truyền thông những điều liên quan đến tôn giáo, và lo cho việc truyền thông đó được thực hiện với tất cả niềm tôn trọng xứng hợp.
12. Bổn phận của chính quyền. Trong vấn đề này, chính quyền mang một trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích mà những phương tiện này nhằm tới. Thật vậy, vì nhiệm vụ, chính quyền có bổn phận phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ, nhất là những gì thuộc về báo chí; chính quyền cũng có bổn phận nâng đỡ tôn giáo, văn hóa, những nghệ thuật chân chính, và phải bảo đảm cho những người xử dụng có thể tự do hưởng thụ quyền lợi chính đáng. Ngoài ra chính quyền cũng có bổn phận giúp đỡ những công cuộc không thể thực hiện, nếu không có sự trợ giúp của chính quyền, nhất là những công cuộc đặc biệt hữu ích cho giới trẻ.
Sau cùng, chính công quyền, cơ quan chính thức lo lắng cho sức khỏe của dân chúng, có bổn phận phải xem xét công minh và cẩn thận, bằng cách ban hành luật lệ và thi hành nghiêm chỉnh, đừng để cho những phương tiện này bị lạm dụng mà gây thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và sự tiến bộ xã hội. Xem xét cẩn thận 8* như thế, không phải là đàn áp tự do cá nhân hay đoàn thể, nhất là đối với những người vì nghề nghiệp phải dùng các phương tiện này mà không có sự thận trọng phải lẽ.
Cũng phải có những phương thế đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những báo chí và kịch ảnh làm hại lứa tuổi chúng.
Chú Thích:
1* Giữa những phương tiện truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội lưu ý tới những phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến con người như các vệ tinh nhân tạo dùng để thu phát tín hiệu điện tín, điện thoại, phát thanh và truyền hình khắp thế giới. 2* Chúng ta có thể nghĩ đến Ðức Quốc Xã: trước thế chiến thứ hai họ đã dùng các phương tiện rất nguy hại để gieo thù oán nơi các dân tộc Âu Châu.
3* Các phương tiện xã hội là những dụng cụ đắc lực nhất giúp các dân tộc quen biết nhau, hiểu nhau và đi đến hiệp nhất.
4* Cả luân lý lẫn mỹ thuật đều phát xuất bởi Ðấng Tạo Hóa, nên không thể mâu thuẫn nhau. Nếu có mâu thuẫn thì lỗi ở việc không hiểu những nguyên tắc tới nơi tới chốn.
5* Công Ðồng rất thực tế: vì con người dễ hướng về tội lỗi và ích kỷ, nên nếu tự do không kỷ luật, con người sẽ trở thành phóng đãng và gây nhiều tai họa.
6* Thỏa mãn thị hiếu công chúng để làm tiền là một cách bóc lột vật chất và phá hoại tinh thần.
0* Chú thích của người dịch: riêng về những tiếng chuyên môn này chúng tôi đã tham khảo các bản dịch ngoại ngữ: Anh, Pháp, Ý, Tây ban nha... và nhận thấy các bản dịch đó không đồng nhất khi dịch một vài tiếng mà nguyên bản La tinh không rõ nghĩa. Ở đây chúng tôi dịch theo bản dịch của "tạp chí quốc tế về điện ảnh" (Revue internationale du Cinema) số 77-78 tháng 12-1963 - 1-1964.
7* Là một số những luật lệ do chính những nhà sản xuất vạch ra để tránh cho khán giả, thính giả và độc giả những nội dung xấu xa vô bổ.
8* Vấn đề kiểm duyệt của chính quyền và sự tự do ngôn luận là một vấn đề rất khó giải quyết, nhưng trên nguyên tắc, phải chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, việc kiểm duyệt không thể tránh được, vì một vài cá nhân có thế lực đôi khi để quyền lợi riêng làm hại đến quyền lợi chung.
|