Nếu bạn cảm thấy mình là nạn nhân của những người hay cay nghiệt, dốt nát, nhỏ nhen, nghi kỵ, hãy nhớ rằng việc đời có khi còn tệ hại hơn thế rất nhiều.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TƯ LIỆU » GIÁO HỘI VIỆT NAM » Danh Sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
S  M  L
(Cập nhật: 09/03/2008)
 
DANH SÁCH CÁC THÁNH VIỆT NAM

  Tính đến nay, tất cả các thánh Việt Nam đều là những thánh chứng nhân (martus). Từ Hy Lạp, martus có nghĩa là người làm chứng sự việc do chính đương sự xem thấy như các tông đồ đã làm chứng về đời sống của Đức Kitô (x. Cv 1,8; 1,22; 6,29; 1 Pr 5,1). Vào thế kỷ II và III của kỷ nguyên Kitô giáo, danh từ “chứng nhân” này được dành riêng để chỉ các “vị tử vì đạo” hay “tử đạo”. Đó là những người đã dùng lời nói, đời sống và nhất là cái chết của mình để làm chứng cho Đức Kitô và cho giáo lý Tin Mừng của Người. Như thế, vị tử vì đạo, dù không đích thân nghe hay thấy Đức Kitô, nhưng vẫn dám chết để tuyên xưng niềm tin và tình yêu vào Người, thì họ đã trở thành như những chứng nhân đã được nhắc đến trong sách Khải Huyền (x. Kh 2,13; 6,9). Vì vậy, vị tử vì đạo là chứng nhân của đức tin và cũng là chứng nhân cho tình yêu trọn vẹn đối với Đức Kitô, như Công đồng Vatican II đã ghi nhận: “Khi tử vì đạo, người môn đệ đồng hoá với Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu mình ra. Giáo Hội coi việc tử vì đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái” (Hiến chế Lumen Gentium, số 42).


  Trong dòng lịch sử Giáo hội Việt Nam, người ta ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã làm chứng cho đức tin và tình yêu, trong số đó có 117 vị được Giáo Hội tôn vinh Chân Phước qua bốn đợt:


Ngày 27-5-1900, đời Đức Lêô XIII  : 64 vị
Ngày 20-5-1906, đời Đức Piô X   :  8 vị
Ngày 2-5-1909, đời Đức Piô X   :  20 vị
Ngày 28-4-1951, đời Đức Piô XII   :  25 vị


Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam được chia ra như sau:


- 11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh.

- 10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc hội Thừa Sai Paris (MEP).

- 96 vị người Việt Nam: 37 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân, trong đó có một thánh nữ là bà Anê Lê Thị Thành. (Theo Thỉnh nguyện thư của HĐGM VN do Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ký tên ngày 16-11-1985, xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị tại Việt Nam, có sự khác biệt về một chi tiết: thay vì 14 thầy giảng và 44 giáo dân như tài liệu trên đây, Thỉnh nguyện thư viết là 16 thầy giảng và 42 giáo dân. Nguyên nhân khác biệt này là hai thánh: Giuse Nguyễn Văn Lựu và Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông) có giúp các linh mục trong việc dạy kinh bổn, nên được một vài sử liệu gọi là “Thầy Giảng” (Catéchiste), thay vì gọi là giáo dân hoặc trùm họ. [x. Guy-Marie OURY, Le Vietnam des martyrs et des saints, Fayard, tr. 195]).


  Theo Việt sử, các ngài đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng trong những đời vua chúa sau đây:


- 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767).
- 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782).
- 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802).
- 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841).
- 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847).
- 50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).


  Danh sách dưới đây được xếp theo mẫu tự ABC với các chi tiết như sau:


(1) Quý danh, nghề nghiệp.
(2) Năm sinh và quê quán.
(3) Dưới các đời vua chúa, ngày và nơi làm chứng.

  1. Pedro Almato (Bình), linh mục dòng Đa Minh, sinh 1830 tại San Feliz Saserra, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 1-11-1861 tại Hải Dương.
  2. Matteo Alonso-Liciniana (Đậu), linh mục dòng Đa Minh, sinh 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha; làm chứng đời chúa Trịnh Doanh ngày 22-1-1745 tại Thăng Long.
  3. Valentino Berrio-Ochoa (Vinh), giám mục dòng Đa Minh, sinh 1827 tại Elorrio (Vizacaya), Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 1-11-1861 tại Hải Dương.
  4. Jean-Louis Bonnard (Hương), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh 1824 tại Saint-Christo-en-Jarez, Pháp; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 1-5-1852 tại Nam Định.
  5. Phaolô Tống Viết Bường, quan Thị vệ, sinh tại Phủ Cam, Huế; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 23-10-1833 tại Thợ Đúc.
  6. Đa Minh Cẩm, linh mục dòng Đa Minh, sinh tại Cẩm Chương (Kẻ Rọi), Bắc Ninh; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 11-3-1859 tại Hưng Yên.
  7. Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần, thầy giảng, sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Đông; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 20-11-1837 tại Ô Cầu Giấy.
  8. Giuse Hoàng Lương Cảnh, lương y, trùm họ, dòng Ba Đa Minh, sinh 1763 tại Làng Văn, Bắc Giang; làm chứng  vua Minh Mạng ngày 5-9-1838 tại Bắc Ninh.
  9. Jacinto Castaneda (Gia), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban Nha; làm chứng đời chúa Trịnh Sâm ngày 7-11-1773 tại Đồng Mơ.
  10. Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, thầy giảng, sinh năm 1797 tại Trung Lễ, Liên Thuỷ, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 25-6-1838 tại Nam Định.
  11. Gioan Baotixita Cỏn, lý trưởng, sinh năm 1803 tại Kẻ Báng, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 8-11-1840 tại Bảy Mẫu.
  12. Jean-Charles Cornay (Tân), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh tại Loudun, Poitiers, Pháp, vào năm 1809; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 20-9-1837 tại Sơn Tây.
  13. Etienne-Théodore Cuénot (Thể), giám mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1802 tại Bélieu, Besançon, Pháp; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 14-11-1861 tại Bình Định.
  14. Ignacio Delgado (Y), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1761 tại Villa Felice, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 21-7-1838 tại Nam Định.
  15. Joseph Maria Diaz Sanjuro (An), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 20-7-1857 tại Nam Định.
  16. Tôma Đinh Viết Dụ, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày  26-11-1639 tại Bảy Mẫu.
  17. Bênađô Vũ Văn Duệ, linh mục, sinh tại Quần Anh, Nam Định, năm 1755; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 1-8-1838 tại Tam Toà.
  18. Pierre Dumoulin-Borie (Cao), giám mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1808 tại Beynat, Tulle, Pháp; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 24-11-1838 tại Đồng Hới.
  19. Anrê Trần An Dũng (Lạc), linh mục, sinh năm 1795 tại Bắc Ninh; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 21-12-1839 tại Ô Cầu Giấy.
  20. Phêrô Đinh Văn Dũng, giáo dân, sinh tại Đông Hào, Thái Bình; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 6-6-1862 tại Nam Định.
  21. Vincentê Phạm Văn Dương, giáo dân, sinh tại Doãn Trung, Thái Bình; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 6-6-1862 tại Nam Định.
  22. Phaolô Vũ Văn Dương (Đổng), giáo dân, sinh năm 1792 tại Vực Đường, Hưng Yên; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 3-6-1862 tại Nam Định.
  23. Phêrô Đa, giáo dân, sinh tại Ngọc Cục, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 17-6-1862 tại Nam Định.
  24. Đôminicô Đinh Đạt, binh sĩ, sinh tại Phú Nhai, Nam Định, năm 1803; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 18-7-1839 tại Nam Định.
  25. Gioan Đạt, linh mục, sinh năm 1765 tại Đồng Chuối, Ninh Bình; làm chứng đời vua Cảnh Thịnh ngày 28-10-1798 tại Chợ Rạ.
  26. Matthêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng), trùm họ, sinh tại Kẻ Lại, Quảng Bình; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 26-5-1861.
  27. Tôma Nguyễn Văn Đệ, giáo dân dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1810 tại Bồ Trang, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ.
  28. Antôn Nguyễn Đích, giáo dân, sinh tại Chi Long, Hà Nội; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 12-8-1838 tại Bảy Mẫu.
  29. Vincentê Nguyễn Thế Điểm, linh mục, sinh năm 1761 tại Ân Đô, Quảng Trị; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 24-11-1838 tại Đồng Hới.
  30. Phêrô Trương Văn Đường, thầy giảng, sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, Hà Nam; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây.
  31. Joseph Fernandez (Hiền), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1775 tại Ventosa de la Cueva, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 24-7-1838 tại Nam Định.
  32. François Isidore Gagelin (Kính), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1799 tại Montperreux, Besançon, Pháp; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 17-10-1833 tại Bãi Dâu.
  33. Matthêu Lê Văn Gẫm, thương gia, sinh năm 1813 tại Gò Công, Biên Hoà; làm chứng đời vua Thiệu Trị ngày 11-5-1847 tại Chợ Đũi.
  34. Melchior Garcia San Pedro (Xuyên), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1821 tại Cortes, Asturias, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 28-7-1858 tại Nam Định.
  35. Francisco Gil de Federich (Tế), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1702 tại Tortosa, Cataluna, Tây Ban Nha; làm chứng đời chúa Trịnh Doanh ngày 22-1-1745 tại Thăng Long.
  36. Đôminicô Nguyễn Văn Hạnh, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 1-8-1838 tại Ba Toà.
  37. Phaolô Trần Văn Hạnh, giáo dân, sinh tại Tân Triều, Bình Hoà, năm 1826; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 28-5-1859 tại Sài Gòn.
  38. Domingo Henares (Minh), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1765 tại Baena, Cordova, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 25-6-1838 tại Nam Định.
  39. Jeronimo Hermosilla (Liêm), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1800 tại S. Domingo de la Calzadar, Tây Ban Nha; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 1-11-1861 tại Hải Dương.
  40. Giuse Đỗ Quang Hiển, thầy giảng, sinh năm 1775 tại Quần Anh, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 9-5-1840 tại Nam Định.
  41. Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, thầy giảng, sinh năm 1783 tại Đồng Chuối, Ninh Bình; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 28-4-1840 tại Ninh Bình.
  42. Simon Phan Đắc Hoà, lương y, sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 12-12-1840 tại An Hoà.
  43. Gioan Đoàn Trinh Hoan, linh mục, sinh năm 1798 tại Kim Long, Thừa Thiên; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 26-5-1861 tại Đồng Hới.
  44. Augustinô Phan Viết Huy, binh sĩ, sinh năm 1795 tại Hạ Linh, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 12-6-1839 tại Thừa Thiên.
  45. Đôminicô Nguyễn Văn Huyện (Huyên), giáo dân, sinh năm 1817 tại Đông Thành, Thái Bình; làm chứng  đời vua Tự Đức ngày 5-6-1862 tại Nam Định.
  46. Laurensô Nguyễn Văn Hưởng, linh mục, sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 13-2-1856 tại Ninh Bình.
  47. Micae Hồ Đình Hy, quan Thái bộc, sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 22-5-1857 tại An Hoà.
  48. François Jaccard (Phan), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1799 tại Onnion, Annecy, Pháp; làm chứng  đời vua Minh Mạng ngày 21-9-1838 tại Nhan Biều.
  49. Đa Minh Phạm Trọng Khảm, quan án, dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1779 tại Quần Cống, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 13-1-1859 tại Nam Định.
  50. Giuse Nguyễn Duy Khang, thầy giảng, dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 6-12-1861 tại Hải Dương.
  51. Phêrô Hoàng Khanh, linh mục, sinh năm 1780 tại Hoà Huệ, Nghệ An; làm chứng đời vua Thiệu Trị ngày 12-7-1842 tại Hà Tĩnh.
  52. Phêrô Vũ (Võ) Đăng Khoa, linh mục, sinh năm 1790 tại Thuận Nghĩa, Nghệ An; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 24-11-1838 tại Đồng Hới.
  53. Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục, sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 28-4-1840 tại Ninh Bình.
  54. Tôma Dương Thái Khuông, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên; làm chứng  đời vua Tự Đức ngày 30-1-1860 tại Hưng Yên.
  55. Vincentê Lê Quang Liêm (Phạm Hiếu Liêm), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Nam Định; làm chứng  đời chúa Trịnh Sâm ngày 7-11-1773 tại Đồng Mơ.
  56. Luca Vũ Bá Loan, linh mục, sinh năm 1756 tại Trại Bút, Phú Đa; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 5-6-1840 tại Ô Cầu Giấy.
  57. Phaolô Lê Văn Lộc, linh mục, sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Định; làm chứng  đời vua Tự Đức ngày 13-2-1859 tại Gia Định.
  58. Giuse Nguyễn Văn Lựu, trùm họ, sinh năm 1790 tại Cái Nhum, Vĩnh Long; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 2-5-1854 tại Vĩnh Long.
  59. Phêrô Nguyễn Văn Lựu, linh mục, sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 7-4-1861 tại Mỹ Tho.
  60. Đôminicô Nguyễn Đức Mạo, giáo dân, sinh tại Ngọc Cục, Nam Định, năm 1818; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc.
  61. Joseph Marchand (Du), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1803 tại Passavaut, Besançon, Pháp; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 30-11-1835 tại Thợ Đúc.
  62. Đôminicô Hà Trọng Mậu, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1808 tại Phú Nhai, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 5-11-1858 tại Hưng Yên.
  63. Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, thầy giảng Dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1790 tại Kẻ Riền, Thái Bình; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ.
  64. Philipphê Phan Văn Minh, linh mục, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 3-7-1853 tại Đình Khao.
  65. Augustinô Nguyễn Văn Mới (Mùi), giáo dân, dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1806 tại Phú Trang, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ.
  66. Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng, sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 12-8-1838 tại Bảy Mẫu.
  67. Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng, sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây.
  68. Giacôbê Đỗ Mai Năm (Nam), linh mục, sinh năm 1781 tại Đông Biên, Thanh Hoá; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 12-8-1838 tại Bảy Mẫu.
  69. Pierre François Néron (Bắc), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1818 tại Bornay, Saint Claude, Pháp; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 3-11-1860 tại Sơn Tây.
  70. Phaolô Nguyễn Ngân, linh mục, sinh năm 1771 tại Kẻ Biên, Thanh Hoá; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 8-11-1840 tại Bảy Mẫu.
  71. Giuse Nguyễn Đình Nghi, linh mục, sinh năm 1771 tại Kẻ Vồi, Hà Nội; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 8-11-1840 tại Bảy Mẫu.
  72. Laurensô Ngôn, giáo dân, sinh tại Lục Thuỷ, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 22-5-1862 tại Nam Định.
  73. Đôminicô Nguyên, giáo dân, sinh năm 1802 tại Ngọc Cục, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc.
  74. Đôminicô Nhi, giáo dân, sinh tại Ngọc Cục, Nam Định; làm chứng  đời vua Tự Đức ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc.
  75. Đôminicô Ninh, giáo dân, sinh năm 1835 tại Trung Linh, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 2-6-1862 tại An Triêm.
  76. Emmanuel Lê Văn Phụng, trùm họ, sinh năm 1796 tại Đầu Nước, Cù Lao Giêng; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 31-7-1859 tại Châu Đốc.
  77. Phêrô Đoàn Công Quý, linh mục, sinh năm 1826 tại Búng, Gia Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 31-7-1859 tại Châu Đốc.
  78. Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, lương y, sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 10-7-1840 tại Đồng Hới.
  79. Augustin Schoeffler (Đông), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1822 tại Mittelbonn, Nancy, Pháp; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 1-5-1851 tại Sơn Tây.
  80. Giuse Phạm Trọng Tả, cai tổng, sinh năm 1800 tại Quần Cống, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 13-1-1859 tại Nam Định.
  81. Gioan B. Đinh Văn Thành, thầy giảng, sinh năm 1796 tại Nộn Khê, Ninh Bình; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 28-4-1840 tại Ninh Bình.
  82. Anê Lê Thị Thành (Bà Đê), giáo dân, sinh năm 1781 tại Bái Đền, Thanh Hoá; làm chứng đời vua Thiệu Trị ngày 12-7-1841 tại Nam Định.
  83. Nicôla Bùi Đức Thể, binh sĩ, sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 12-6-1839 tại Thừa Thiên.
  84. Phêrô Trương Văn Thi, linh mục, sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 21-12-1839 tại Ô Cầu Giấy.
  85. Giuse Lê Đăng Thị, cai đội, sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 24-10-1860 tại An Hoà.
  86. Tôma Trần Văn Thiện, chủng sinh, sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 21-9-1838 tại Nhan Biền.
  87. Luca Phạm Trọng Thìn, cai tổng, sinh năm 1819 tại Quần Cống, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 13-1-1859 tại Nam Định.
  88. Martinô Tạ Đức Thịnh, linh mục, sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 8-11-1840 tại Bảy Mẫu.
  89. Martinô Thọ, trùm họ, sinh tại Kẻ Báng, Nam Định, năm 1787; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 8-11-1840 tại Bảy Mẫu.
  90. Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), giáo dân, sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 15-7-1855 tại Mỹ Tho.
  91. Phêrô Đinh Văn Thuần, giáo dân, sinh tại Đông Phú, Thái Bình; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 6-6-1862 tại Nam Định.
  92. Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục, sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hoá; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 6-4-1857 tại Bảy Mẫu.
  93. Đôminicô Nguyễn Văn Toái (Toại), giáo dân, sinh năm 1811 tại Đông Thành, Thái Bình; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 5-6-1862 tại Nam Định.
  94. Tôma Toán, thầy giảng dòng Ba Đa Minh, sinh tại Cần Phan, Nam Định năm 1767; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 27-6-1840 tại Nam Định.
  95. Đôminicô Trạch (Đoài), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1772 tại Ngoại Vối, Nam Định; làm chứng vua Minh Mạng ngày 18-9-1840 tại Bảy Mẫu.
  96. Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục, sinh năm 1756 tại Thợ Đúc, Phú Xuân, Huế; làm chứng đời vua Cảnh Thịnh ngày 17-9-1798 tại Bãi Dâu.
  97. Anrê Trần Văn Trông (Trọng, Thông), binh sĩ, sinh năm 1808 tại Kim Long, Huế; làm chứng  đời vua Minh Mạng ngày 28-11-1835 tại An Hoà.
  98. Phêrô Vũ Văn Truật (Vũ Thuật), thầy giảng, sinh tại Kẻ Thiết, Hà Nam, năm 1816; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây.
  99. Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội, sinh năm 1825 tại Phan Xá, Quảng Trị; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 6-10-1858 tại An Hoà.
  100. Giuse Tuân, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1821 tại Trần Xá, Hưng Yên; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 30-4-1861 tại Hưng Yên.
  101. Giuse Tuân, giáo dân, sinh tại Nam Điền, Nam Định năm 1825; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 7-1-1862 tại Nam Định.
  102. Phêrô Nguyễn Bá Tuần, linh mục, sinh năm 1766 tại Ngọc Đồng, Hưng Yên; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 15-7-1838 tại Nam Định.
  103. Giuse Phạm Quang Túc, thiếu niên, sinh năm 1852 tại Hoàng Xá, Bắc Ninh; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 1-6-1862.
  104. Phêrô Lê Tuỳ, linh mục, sinh năm 1773 tại Bằng Sở, Hà Đông; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 11-10-1833 tại Quan Ban.
  105. Phêrô Nguyễn Văn Tự, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 5-9-1838 tại Bắc Ninh.
  106. Phêrô Nguyễn Khắc Tự, thầy giảng, sinh tại Ninh Bình; làm chứng  đời vua Minh Mạng ngày 10-7-1840 tại Đồng Hới.
  107. Đôminicô Tước (Vũ Đình Tước), linh mục dòng Đa Minh, sinh tại Trung Lao, Nam Định, năm 1775; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 2-4-1839(1838) tại Nam Định.
  108. Anrê Tường, giáo dân, sinh năm 1812 tại Ngọc Cục, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc.
  109. Vincentê Tường, giáo dân, sinh năm 1814 tại Ngọc Cục, Nam Định; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc.
  110. Đôminicô Bùi Văn Uý, thầy giảng dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1801 tại Tiên Môn, Thái Bình; làm chứng  đời vua Minh Mạng ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ.
  111. Giuse Nguyễn Đình Uyển, thầy giảng dòng Ba Đa Minh, sinh tại Ninh Cường, Nam Định năm 1775; làm chứng  đời vua Minh Mạng ngày 4-7-1838 tại Hưng Yên.
  112. Phêrô Đoàn Văn Vân, thầy giảng, sinh năm 1780 tại Kẻ Bói, Hà Nam; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 25-5-1857 tại Sơn Tây.
  113. Jean Etienne Vénard (Ven), linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh năm 1829 tại St. Loup-sur-Thouet, Poitiers, Pháp; làm chứng đời vua Tự Đức ngày 2-2-1861 tại Ô Cầu Giấy.
  114. Giuse Đặng Đình Viên, linh mục, sinh năm 1787 tại Tiên Chu, Hưng Yên; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 21-8-1838 tại Bảy Mẫu.
  115. Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, giáo dân dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1814 tại Phú Trang, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ.
  116. Đôminicô Nguyễn Văn Xuyên, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Định; làm chứng  đời vua Minh Mạng ngày 26-11-1839 tại Bảy Mẫu.
  117. Vincentê Đỗ Yến, linh mục dòng Đa Minh, sinh tại Trà Lũ, Nam Định; làm chứng đời vua Minh Mạng ngày 30-6-1838 tại Hải Dương.
    Ngày 5-3-2000, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong thầy giảng Anrê Phú Yên lên bậc Chân Phước. Thầy Anrê Phú Yên sinh năm 1625 tại tỉnh Phú Yên; làm chứng ngày 26-7-1644, lúc mới được 19 tuổi. Thầy được kể như là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Việt Nam.
    Hiện nay, còn hơn 10.000 hồ sơ của các chứng nhân anh dũng Việt Nam đang được lưu giữ trong Văn phòng của Bộ Tuyên Thánh ở Roma.
 
Ngày 21 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@