Lược sử
Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí (Mouvement Coeurs Vaillants - Âmes Vaillantes) chính thức khai sinh do việc Hội đồng Giám mục Pháp, năm 1936, yêu cầu linh mục Gaston Courtois thành lập Phong trào Hùng Tâm (Mouvement Coeurs Vaillants). Một năm sau, năm 1937, cũng linh mục Courtois lập ngành nữ, Phong trào Dũng Chí (Mouvement Âmes Vaillantes).
Đồng sáng lập viên phong trào phải kể đến thầy Jean Pihan (cũng còn có tên Jean Vaillant, “Tagada”) được coi như là “lý thuyết gia” của phong trào.
Đến năm 1966, kỷ niệm 30 năm thành lập, phong trào đã có mặt trên 50 quốc gia. Một Đại hội Quốc tế Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí họp tại Roma vào dịp kỷ niệm này, đã đổi tên thành Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (Mouvement International d’Apostolat des Enfants, viết tắt là M.I.D.A.D.E.).
Ngay từ những năm 1938-1939, các nhà truyền giáo Pháp đã đưa phong trào Hùng Tâm Dũng Chí sang các nước chịu ảnh hưởng của Pháp:
Tại châu Phi: Sénégal, Dakar, Ziguin, Guinée, Soudan, Côte d’Ivoire, Gabon, Congo, Dahomey, Madagascar…
Tại châu Á: Hàn Quốc, Hong Kong, Cambodia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Sri Lanka, Việt Nam…
Từ đó xuất hiện tờ báo riêng: tờ Báo Hải Ngoại (Feuillets d’Outre-Mer) 1947; sau đổi thành tờ Giao Điểm (Carrefours) 1956; và một Văn phòng Quốc tế của Phong trào (C.I.M.: Commission International du Mouvement) được thiết lập.
Theo thống kê năm 1987, phong trào M.I.D.A.D.E. có mặt trên gần 50 quốc gia: Phi Châu 21, Mỹ Châu 12, Âu Châu 6, Á Châu 9 (không có Lào, Cambodia và Việt Nam vì từ năm 1975, các hiệp hội không còn).
Tại Việt Nam, vùng Chợ Lớn, Sài Gòn, Đà Lạt là những nơi có Hùng Tâm Dũng Chí sớm nhất. Năm 1942, Hà Nội đã có Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí. Trước tháng 4-1975, 9 giáo phận có Hùng Tâm Dũng Chí: Sài Gòn, Xuân Lộc, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn, Kontum, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Huế, và quy tụ trên 30.000 thiếu nhi. Hiện nay có một Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí sinh hoạt rất mạnh và rất “Việt Nam” tại Hoa Kỳ, do các Trưởng Hùng Dũng Đà Nẵng thành lập và hướng dẫn.
Bản chất
Tổ chức Hùng Tâm Dũng Chí (viết tắt Hùng Dũng) là một “phong trào”, chứ không phải là một “đoàn” như các hội đoàn khác. Hay muốn nói hội đoàn, thì đó là một hội đoàn “mở”, có bản chất “mở”: vì đó là một hội đoàn thiếu nhi hướng về quần chúng thiếu nhi, cho quần chúng thiếu nhi! Khẩu hiệu sống của Hùng Dũng là: “Càng đông càng tốt”. Các trưởng, các đoàn viên được huấn luyện để phục vụ các em ở ngoài đoàn.
Châm ngôn
- Đi đến với mọi thiếu nhi đang sống ở bất cứ môi trường nào.
- Quan tâm và tôn trọng tất cả những gì làm nên đời sống của thiếu nhi.
- Tìm phát triển khả năng tổ chức và hoạt động của tuổi thiếu nhi.
- Tin tưởng vào khả năng làm việc tông đồ “của thiếu nhi, cho thiếu nhi”.
Để thực hiện những điều đó, phong trào dành ưu tiên cho sách báo thiếu nhi. Trong thực tế, khởi đầu phong trào là do một tờ báo viết hoàn toàn cho thiếu nhi của cha Gaston Courtois: tờ “Báo Hùng Tâm” (“Journal Coeurs Vaillants”) ra ngày 8-12-1929. Các độc giả tí hon thi nhau đọc, rất khoái… Và tự cho mình là “các Hùng Tâm”. Đúng là hợp với tuổi khoái “người hùng”, các em Hùng Tâm tự kết đoàn lại theo chiều hướng thích “lập nhóm” của các em.
Từ sau khi phong trào được chính thức thiết lập, năm 1936, tờ báo tiên khởi đã được thay thế bằng nhiều báo khác phong phú hơn, hợp từng lứa tuổi hơn, đặc biệt ở Pháp. Tại Việt Nam, có tờ Tre Xanh của Hùng Tâm Dũng Chí Sài Gòn (Ngã Sáu) và tờ Huynh Trưởng Hùng Dũng ở Đà Nẵng.
Lm. Antôn TRẦN VĂN TRƯỜNG
|