Hạnh phúc không đến do làm những gì ta thích nhưng thích những gì ta phải làm.

Wilfred A Perterson
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15377
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TƯ LIỆU » GIÁO HỘI TOÀN CẦU » Giáo Hội Hiệp Thông
S  M  L
(Cập nhật: 09/03/2008)
 
I. CÁC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG

1. Giáo huấn của Công đồng Chung Vatican II

   Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông Phương (Orientalium Ecclesiarum), tuyên bố nhiều điểm liên quan đến di sản, thể chế thượng phụ, các bí tích và việc phụng tự của các Giáo hội Đông Phương.


Những Giáo hội đáng kính

   Giáo hội Công giáo rất mực tôn trọng những quy chế, nghi lễ phụng vụ, truyền thống đạo giáo và quy luật của đời sống Kitô giáo nơi các Giáo hội Công giáo Đông Phương. Thật vậy, truyền thống từ các tông đồ qua các giáo phụ, vẫn sáng tỏ nơi các giáo hội vốn nổi danh nhờ sự cổ kính đáng mộ mến ấy. Chính truyền thống này tạo nên phần di sản mạc khải của Thiên Chúa và phần di sản nguyên tuyền của toàn thể Giáo Hội (Số 1).

   Giáo hội Công giáo và Thánh thiện này là Nhiệm Thể Chúa Kitô bao gồm các tín hữu là những người liên kết chặt chẽ với nhau trong Chúa Thánh Thần nhờ có cùng một đức tin, cùng lãnh nhận các bí tích và cùng tuân phục một quyền cai trị duy nhất. Họ đoàn tụ thành những cộng đoàn có phẩm trật, tạo nên những giáo hội riêng biệt hay những nghi lễ. Giáo hội Công giáo muốn bảo toàn các truyền thống của từng giáo hội riêng biệt hay các nghi lễ. Đồng thời, Giáo Hội cũng muốn thích nghi nếp sống của mình với các nhu cầu khác nhau theo thời gian và nơi chốn (Số 2).


   Các giáo hội riêng biệt này, Đông Phương cũng như Tây Phương, tuy có phần khác nhau về các nghi lễ, như trong phụng vụ, giáo luật và di sản tinh thần, nhưng tất cả đều được đặt dưới quyền cai quản mục vụ của Giáo hoàng Roma, là đấng kế vị Thánh Phêrô theo ý Thiên Chúa trong quyền tối cao trên toàn thể Giáo Hội. Do đó, xét theo phẩm giá, các giáo hội đều ngang hàng với nhau, để trên bình diện nghi lễ không một giáo hội nào trổi vượt trên giáo hội nào (Số 3).


Di sản Đông Phương   

   Tất cả và mỗi người Công giáo, cũng như những người đã chịu phép Rửa trong bất cứ giáo hội hay cộng đoàn không Công giáo nào, khi trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, vẫn được phép duy trì và tôn trọng nghi lễ riêng dù ở bất cứ nơi nào và phải tuỳ sức tuân giữ nghi lễ ấy (Số 4). Các Giáo hội Đông Phương, cũng như Tây Phương đều có quyền lợi và bổn phận tuân theo những quy luật riêng của mình (Số 5). Mọi tín hữu Đông Phương nên ý thức và xác tín rằng mình có thể và phải luôn luôn tuân giữ các nghi thức phụng vụ hợp pháp và quy luật của nghi lễ mình, và không được thay đổi điều chi nếu không vì lý do tiến bộ riêng thuộc phạm vi tổ chức (Số 6).


Các thượng phụ Đông Phương

   Thể chế thượng phụ đã được thịnh hành từ lâu đời trong Giáo Hội và đã được các Công đồng Chung tiên khởi nhìn nhận. Chiếu theo tên gọi, thượng phụ Đông Phương là vị giám mục có thẩm quyền trên các giám mục khác (kể cả các tổng giám mục), trên các giáo sĩ và giáo dân trong địa hạt hay thuộc lễ chế mình chiếu theo luật định, nhưng vẫn tôn trọng quyền tối cao của Giáo hoàng Roma (Số 7). Các thượng phụ trong Giáo hội Đông Phương, dù tiến chức trước hay sau, tất cả đều bình đẳng trên cương vị thượng phụ giáo chủ, và giữa các ngài vẫn có ngôi thứ danh dự, được minh định cách hợp pháp (Số 8). Theo truyền thống rất cổ kính của Giáo Hội, các thượng phụ Đông Phương phải được hưởng một danh dự đặc biệt vì các ngài cai quản địa hạt mình như những người cha và thủ lĩnh.


2. Các Giáo hội Công giáo Đông phương

2.1. Giới thiệu

   Bắt nguồn từ Palestine, Giáo Hội lan rộng đến các vùng khác trên thế giới, trong đó có một số nơi đã trở thành những trung tâm chủ yếu của đời sống Kitô giáo với ảnh hưởng lớn lao trên các giáo hội địa phương thuộc vùng của mình. Những trung tâm này đã phát triển thành các giáo khu thượng phụ cổ xưa như Constantinople, Alexandria, Antioch, Jerusalem ở phía Đông, và Roma ở phía Tây. Những nguồn gốc và việc thực hành thể chế thượng phụ của các Giáo hội Đông Phương vốn có từ trước khi đế quốc Roma phân thành hai vào năm 292: Đông (Byzantine) và Tây (Roma).


   Các giáo hội khác với những truyền thống độc đáo riêng biệt đã phát triển vượt ra khỏi các biên giới của đế quốc Roma ở Ba Tư, Armenia, Syria, Ai Cập, Ethiopia và Ấn Độ. Giáo hội “Nestorian” ở Ba Tư, ngày nay gọi là Giáo hội Assyrian của phía Đông, đã cắt đứt hiệp thông với phần giáo hội còn lại sau Công đồng Ephesus (431) và không chấp nhận giáo huấn của Công đồng này. Các giáo hội “nhất tính thuyết” Armenia, Syria, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea và Ấn Độ (ngày nay gọi là các Giáo hội Chính Thống Đông Phương) đã không chấp nhận các giáo huấn Kitô học của Công đồng Chalcedon (451) và vì thế tách biệt khỏi Giáo Hội trong đế quốc Roma.


   Cuối cùng, tiếp theo sau những cuộc ra vạ tuyệt thông lẫn nhau vào năm 1054 giữa thượng phụ Constantinople và đặc sứ của giáo hoàng, Giáo Hội trong đế quốc đã phân chia thành hai phần, một phần trở thành Giáo hội Công giáo ở phía Tây và phần kia trở thành Giáo hội Chính Thống ở phía Đông. Đây là một cuộc xung đột kéo dài mà đỉnh cao của nó xảy ra vào năm 1204 với cuộc chinh phạt Constantinople của Đạo Binh Thánh Giá La Tinh.


   Trong các thế kỷ tiếp theo sau, đã có những cố gắng để vượt qua những sự chia rẽ này, đáng chú ý nhất là tại Công đồng Lyon II vào năm 1274 và Công đồng Ferrara-Florence năm 1438 - 1439. Nhưng cả hai nỗ lực đó đều thất bại. Sau đó, Giáo hội Công giáo bắt đầu gửi những nhà thừa sai đi làm việc chung với các Kitô hữu Đông Phương ly khai, và một số nhóm trong các giáo hội ấy tự nguyện xin trở lại hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Roma. Do đó, bắt đầu thành hình các Giáo hội Công giáo Đông Phương. Các giáo hội này vẫn giữ lại phần lớn các di sản về phụng vụ, giáo luật, tu đức và thần học của những người anh em không Công giáo của mình.


   Giáo luật của các Giáo hội Đông Phương ngày nay chia các giáo hội này theo bốn phạm trù: thuộc thượng phụ, thuộc tổng giám mục niên trưởng, thuộc tổng giám mục chính toà và thuộc các giáo hội “theo quy chế riêng” (suis generis) khác.


2.2. Thống kê (nguồn chính: Niên Giám Toà Thánh)


   Những thống kê sau đây được tổng hợp từ báo cáo cho các thẩm quyền của các Giáo hội Công giáo Đông Phương mà thôi, không bao gồm những Giáo hội Công giáo Đông Phương thuộc quyền các giám mục La Tinh. Một vài con số chỉ có tính ước lượng. Các giáo hội được xếp nhóm theo các truyền thống phụng vụ của mình.

 

ALEXANDRIA

   Thuộc truyền thống phụng vụ Ai Cập, nhất là truyền thống của giáo khu thượng phụ Hy Lạp Alexandria cổ xưa. Trong các tu viện ở sa mạc Ai Cập, nghi lễ này phát triển một cách đặc biệt và cuối cùng trở thành nghi lễ của Giáo hội Chính Thống Coptic. Giáo khu thượng phụ Hy Lạp ở Alexandria đã áp dụng nghi lễ Byzantine vào khoảng thế kỷ XII. Nghi lễ Coptic, với nguồn gốc Alexandria của nó, đã lan rộng đến Ethiopia trong thế kỷ IV, tại đây lễ nghi này trải qua nhiều sửa đổi quan trọng do ảnh hưởng mạnh mẽ của Syria. Các Giáo hội Công giáo trong nhóm này là:


   Giáo hội Công giáo Coptic (giáo khu thượng phụ): 6 giáo phận ở Ai Cập, 197.878 tín hữu. Các thừa sai Công giáo hiện diện kể từ thế kỷ XVII. Chức thượng phụ được thiết lập đầu tiên vào năm 1824 và được cách tân vào năm 1895. Ngôn ngữ phụng vụ là ngôn ngữ Coptic và Ả Rập.


   Giáo hội Công giáo Ethiopia (giáo khu tổng giám mục chính toà): 2 giáo phận ở Ethiopia và 3 ở Eritrea, 201.549 tín hữu. Hoạt động truyền giáo của Công giáo bắt đầu trong thế kỷ XIX, và cơ cấu giáo hội hiện nay đã thành hình từ năm 1961. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Ge’ez và Amharic.


ANTIOCHIA

   Thuộc truyền thống phụng vụ Antiochia, một trong những trung tâm lớn của thế giới Kitô giáo sơ khai, cũng được gọi là Tây Syria. Ở Syria, truyền thống này phát triển dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Jerusalem, nhất là phụng vụ của Thánh Giacôbê, trở thành hình thức được dùng ngày nay bởi các Giáo hội Chính Thống và Công giáo Syria ở Trung Đông và Ấn Độ. Giáo hội theo Thánh Maron ở Li Băng (Lebanon) đã phát triển các truyền thống phụng vụ riêng của mình dưới ảnh hưởng của cả lễ nghi Antiochia lẫn Chaldea.


   Các giáo hội Công giáo thuộc nhóm này là:


   Giáo hội Công giáo Syro-Malankara (giáo khu tổng giám mục chính toà): 4 giáo phận ở Ấn Độ, 446.220 tín hữu. Giáo hội này bắt đầu từ năm 1930, khi 2 giám mục, 1 linh mục, 1 phó tế và 1 giáo dân của Giáo hội Chính Thống Malankara được nhận vào mối hiệp thông hoàn toàn với Roma. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Malayalam.


   Giáo hội Công giáo Maronite (giáo khu thượng phụ): 10 giáo phận ở Li Băng, 3 ở Syria, 2 ở Hoa Kỳ. Ở đảo Cyprus (Síp), Ai Cập, Argentina, Brazil, Australia, Canada, Mexico mỗi nơi 1 giáo phận, cùng với những giáo khu thượng phụ ở Jordan và Jerusalem, tất cả gồm 3.124.086 tín hữu.


   Được thành lập bởi Thánh Maron vào thế kỷ IV, các tín hữu Maronite luôn tự nhận mình ở trong mối hiệp thông với Giáo hội Roma. Chức thượng phụ đã bắt đầu từ thế kỷ VIII, và được củng cố bởi Giáo hoàng Innocens III vào năm 1216. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Ả Rập.


   Giáo hội Công giáo Syria (giáo khu thượng phụ): 4 giáo phận ở Syria, 2 ở Iraq (Irắc). Ở Li Băng, Ai Cập, Bắc Mỹ mỗi nơi 1 giáo phận, cùng với những giáo khu thượng phụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Kuwait (Côoét); số tín hữu là 137.166 người.


   Hoạt động truyền giáo của Công giáo tại vùng các Giáo hội Chính Thống Syria bắt đầu từ thế kỷ XVII, và đã có một loạt các thượng phụ Công giáo liên tục kể từ 1783. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Syri-Aramic và Ả Rập.

 

ARMENIA 

 

    Thuộc truyền thống phụng vụ của các Giáo hội Công giáo và Tông truyền Armenia. Phụng vụ này có những yếu tố của lễ nghi Syria, Jerusalem và Byzantine. Từ thế kỷ V đến thế kỷ VII, đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ từ Syria và Jerusalem. Về sau, còn có thêm những áp dụng khác nữa của lễ nghi Byzantine, và vào thời Trung Cổ, các yếu tố của truyền thống La Tinh được thêm vào.


   Giáo hội Công giáo Armenia (giáo khu thượng phụ): 2 giáo phận ở Syria. Ở Liban, Iran, Iraq, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Pháp, Argentina mỗi nơi có 1 giáo phận, cùng với giáo phận tông toà cho Hoa Kỳ, và các hạt tòng nhân ở Hy Lạp, Romania và Đông Âu (Armenia). Số tín hữu là 362.047.


   Các thừa sai Công giáo đã làm việc tại các khu vực này kể từ thế kỷ XIV, và một giáo khu thượng phụ Công giáo đã được thiết lập ở Libanon vào năm 1742. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Armenia cổ.


BYZANTINE

   Thuộc truyền thống của các Giáo hội Công giáo Byzantine và Chính Thống Đông Phương, bắt nguồn từ giáo khu thượng phụ Chính Thống Constantinople (Byzantium). Hình thức hiện nay là một tổng hợp của các yếu tố Palestine và Constantinople vốn là những yếu tố đã có mặt trong các tu viện khoảng giữa thế kỷ IX và thế kỷ XIV. Đây là truyền thống phụng vụ Đông Phương phổ biến rộng rãi nhất. Các Giáo hội Công giáo thuộc nhóm này có mặt ở:


   Albania: 1 hạt giám quản tông toà ở phía nam Albania gồm 2.474 tín hữu. Những nhóm rất nhỏ các tín hữu Chính Thống Albania trở thành Công giáo vào năm 1628 và lần nữa vào năm 1900. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Albania.


   Belarus: Không có hàng giáo phẩm. Đa số các tín hữu Chính Thống Belarus trở thành Công giáo với cuộc hợp nhất vào năm 1595-1596, nhưng cuộc hợp nhất này không tồn tại lâu. Những dấu hiệu phục hưng đã xảy ra kể từ năm 1989-1990. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Belarus.


   Giáo hội Công giáo Bulgaria: 1 giám hạt tông toà ở Bulgaria gồm 15.000 tín hữu. Giáo hội này bắt nguồn từ một nhóm tín hữu Chính Thống Bulgaria trở lại Công giáo vào năm 1861. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Slavonic cổ.


   Giám hạt Krizevci: 1 địa phận ở Croatia với số tín hữu là 48.775. Vào năm 1611, lần đầu tiên một giám mục được bổ nhiệm cho các tín hữu Chính Thống Serbia sống trong vùng Croatia Công giáo. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Slavonic cổ và tiếng Croatia.


   Giáo hội Công giáo Hy Lạp: Các giám hạt tông toà ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ với 2.340 tín hữu. Các nhà thừa sai Công giáo ở Constantinople đã hình thành một nhóm nhỏ những người Công giáo Byzantine ở đó vào giữa thế kỷ XIX. Phần đông đã chuyển đến Hy Lạp vào thập niên 1920. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Hy Lạp.


   Giáo hội Công giáo Hungary: 1 giáo phận và 1 giám hạt tông toà ở Hungary, 278.000 tín hữu. Các tín hữu ở đây là hậu duệ của các nhóm Chính Thống ở Hungary trở thành Công giáo vào thế kỷ XVII và sau đó. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Hungary.


   Giáo hội Công giáo Italo - Albania: 2 giáo phận và 1 đan viện tòng thổ ở Italy, 61.563 tín hữu. Chủ yếu là hậu duệ của các tín hữu Chính Thống Albania chuyển đến miền Nam nước Ý và Sicili vào thế kỷ XV và cuối cùng trở thành Công giáo. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Hy Lạp và tiếng Ý.


   Giáo hội Công giáo Hy Lạp Melkite (giáo khu thượng phụ):  giáo phận ở Syria, 7 ở Li Băng. Ở Jordan, Israel, Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Australia mỗi nơi có 1 giáo phận, cùng với địa phận tông toà ở Venezuela và các giáo khu thượng phụ ở Iraq và Kuwait. Tổng số tín hữu là 1.251.300. Các thừa sai Công giáo bắt đầu làm việc trong các giáo khu thượng phụ Chính Thống Hy Lạp ở Antioch vào giữa thế kỷ XVII. Năm 1724, giáo khu này chia thành hai phần là Công giáo và Chính Thống. Những người Công giáo thường được gọi là Melkites. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Hy Lạp và tiếng Ả Rập.


   Giáo hội Công giáo Hy Lạp Romania (thuộc tổng giám mục chính toà): 5 giáo phận ở Romania và 1 ở Hoa Kỳ với số tín hữu là 1.390.610. Các tín hữu Chính Thống Romania ở Transylvania chính thức đi vào trong mối hiệp thông với Roma vào năm 1700. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Romania.


   Nga: Không có hàng giáo phẩm. 1 giám hạt tông toà được thiết lập cho nước Nga vào năm 1917 và cho người Nga ở Trung Hoa vào năm 1928, nhưng hiện nay cả hai đều không hoạt động. Có 5 giáo xứ đang tồn tại ở các khu vực người Nga lưu vong.


   Giáo hội Công giáo Ruthenian: Ở Ukraine có 1 giáo phận, Hoa Kỳ có 4 giáo phận, Cộng Hoà Czech (Séc) có 1 giám hạt tông toà. Giáo hội này bắt đầu với việc đón nhận 63 linh mục Chính Thống vào Giáo hội Công giáo năm 1646. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Slavonic cổ và tiếng Anh. Số tín hữu: 662.820.


   Giáo hội Công giáo Slovakia: ở Slovakia có 1 giáo phận và 1 giám hạt tông toà, ở Canada có 1 giáo phận. Số tín hữu là 221.044. Giáo hội này cũng bắt nguồn từ cuộc hợp nhất năm 1646. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Slavonic cổ và Slovak.


   Giáo hội Công giáo Ukraine - Hy Lạp: Ở Ukraine có 6 giáo phận và 1 giám hạt thuộc tổng giám mục, Ba Lan có 2 giáo phận, Canada có 5 giáo phận, Hoa Kỳ có 4 giáo phận. Ở Australia, Brazil, Achentina, mỗi nơi 1 giáo phận. Ở  Anh, Đức và Pháp có các giám hạt tông toà. Số tín hữu là 5.159.633. Giáo hội này bắt nguồn từ cuộc hợp nhất năm 1595-1596 giữa Tổng giáo phận Chính Thống Kiev và Giáo hội Công giáo. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Slavonic cổ và tiếng Ukraine.

 

CHALDEA

   Cũng gọi là Đông Syria, đây là truyền thống phụng vụ của các Giáo hội Công giáo Chaldea và Syro-Malabar cũng như của Giáo hội Assyria phía Đông. Phát xuất từ nghi lễ cổ của Giáo hội Mesopotamia trong đế quốc Ba Tư, nghi lễ này được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương Syria cổ. Các Giáo hội Công giáo thuộc truyền thống này gồm:


   Giáo hội Công giáo Chaldea (giáo khu thượng phụ): 10 giáo phận ở Iraq, 3 ở Iran. Ở Li Băng, Ai Cập, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ mỗi nơi 1 giáo phận. Số tín hữu là 322.266. Một nhóm thành viên của Giáo hội Assyria (Nestorian) phía Đông đã xin hợp nhất với Giáo hội Roma vào năm 1553. Vào năm ấy, Giáo hoàng Julius III đã tấn phong giám mục cho lãnh đạo của họ và đặt vị ấy làm thượng phụ. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Syria và Ả Rập.


   Giáo hội Công giáo Syro-Malabar (thuộc tổng giám mục niên trưởng): 22 giáo phận ở Ấn Độ. Số tín hữu là 3.408.093. Bắt nguồn từ cộng đoàn Kitô hữu theo Thánh Tôma ở Ấn Độ, những người này đã trở thành Công giáo sau cuộc xâm chiếm của người Bồ Đào Nha. Năm 1993, giáo phận Ernakulam Angamaly được nâng thành giáo khu của tổng giám mục niên trưởng. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Malayalam.


   Chúng ta có thể ghi nhận rằng trong nhiều thế kỷ, các Giáo hội Đông Phương chỉ giới hạn trong những nhóm quốc tịch và ngôn ngữ tại một số quốc gia Trung Đông, Đông Âu, Á Châu và Phi Châu. Kể từ năm 1917, sau khi Liên Bang Xô Viết được thành lập, và sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đã có những cuộc di cư của nhiều Giáo hội Đông Phương ra khỏi quê quán cũ. Những cuộc di cư này, và nhiều cuộc di cư tự nguyện khác, đã khiến cho các Giáo hội Đông Phương lan rộng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

  

MỞ ĐẦU <<
II. CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG TÁCH BIỆT >>
 
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10-2024
Cầu nguyện cho sứ mạng được chia sẻ
Chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo Hội được tiếp tục nâng đỡ bằng tất cả những phương thức có thể, một lối sống công nghị, việc đồng trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia, sự hiệp thông và chia sẻ sứ mạng giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
For a shared mission
When bishops and laypeople meet for the second part of the Synod on Synodality during October, the faithful are asked to pray that “the Church continues to sustain a synodal lifestyle in every way.”
SUY NIỆM TIN MỪNG
Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@