Hạnh phúc thật sự không đến từ sự ích kỷ hay những mưu cầu cá nhân để có được sự thoả mãn hoặc vui thích, nhưng đến từ việc tìm thấy Chúa và mang đến cho những người khác tình yêu, hạnh phúc và sự sống của Ngài.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TƯ LIỆU » Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại
S  M  L
(Cập nhật: 09/03/2008)
 
I. NHỮNG CUỘC “XUẤT HÀNH” TRONG KẾ HOẠCH NHIỆM MẦU CỦA THIÊN CHÚA

   Chúng ta có thể nói rằng, người Công giáo Việt Nam hải ngoại vẫn giữ được bản sắc văn hoá Việt Nam và nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam giữa các dân tộc khác. Cuộc ra đi của họ có nhiều nét tương đồng với cuộc “xuất hành” của Dân tộc Israel trong lịch sử cứu độ về những điểm giáo lý cơ bản sau đây:

 

1. Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người

 

   Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài muốn cứu độ tất cả con cái mình, nên đã ban Con Một là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,6). Chính Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự sống (x. Ga 14,6). Vì thế, khi người tín hữu tin vào Đức Giêsu Kitô là đi vào con đường cứu độ của Thiên Chúa. Trên con đường này, họ sẽ gặp đủ mọi hạng người, thuộc nhiều dân tộc, để cùng đi chung với nhau. Cuộc đời tại thế giống như một cuộc lữ hành tìm về quê hương đích thật. Vì thế, những tình cảm dân tộc đối với quê hương trần thế cần phải được thăng hoa, thay vì khép kín, trong tâm hồn người tín hữu như Lời Chúa trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ đến quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn còn có cơ hội trở về. Nhưng thật ra họ mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời” (Dt 11,14-16).

 

   Cuộc xuất hành của dân Israel là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, quy tụ họ thành một dân tộc gồm nhiều chủng tộc khác nhau (x. Xh 12, 37-38), cho cột mây che mát, cột lửa soi đường, manna và nước uống từ tảng đá kỳ diệu như một người cha đầy yêu thương. Dân Israel không được quyền dựa vào cuộc xuất hành để xem người Ai Cập như kẻ thù truyền kiếp, vì Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi người. Người Việt Nam có lẽ cũng được mời gọi để có những tâm tình quảng đại và thông cảm như thế khi được Thiên Chúa dẫn dắt vào những miền đất mới. Những màu cờ, sắc áo ta mang trong cuộc lữ hành về “đất hứa” vĩnh hằng, cũng chỉ là những hình thức tạm thời, thay đổi trong cuộc sống thường ngày. Chúng không bao giờ được quyền che lấp khuôn mặt của Đức Giêsu trong mỗi con người.

 

2. Thiên Chúa là chủ của lịch sử

 

   Hơn nữa, Thiên Chúa đã biểu lộ tình thương của Ngài qua các biến cố lịch sử, vì Ngài tạo thành vạn vật và điều khiển muôn loài. Trong cái nhìn vĩnh cửu và quyền năng vô biên, Thiên Chúa quan phòng để cho mọi sự kiện xảy ra trên thế giới, cũng như trong cuộc đời mỗi người, mang một giá trị tích cực đối với ơn cứu độ, dù con người có thể không nhận được giá trị ấy, do tầm nhìn nhất thời và hạn hẹp của mình.

 

   Dân Israel đã hiểu được điều này vì họ có một khái niệm độc đáo về lịch sử và thời gian. Họ không quan niệm thời gian xoay theo vòng luân hồi và lịch sử là sự lặp đi lặp lại những hành động của thần linh. Theo họ, thời gian đi theo đường thẳng và từng giai đoạn lịch sử đều được Thiên Chúa hướng dẫn, điều khiển để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Chẳng hạn, đối với dân Israel, việc Thiên Chúa tuyển chọn, hứa hẹn, giao ước với dân tộc, chinh phục đất đai, thiết lập vương quốc, đặt ra cơ cấu ngôn sứ và chức vụ tư tế là những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để thực hiện lời hứa tốt đẹp của Ngài. Ngay trong cuộc lưu đày ở Babylon, người Israel sùng đạo đã nhìn thấy đây là một dịp thuận tiện để giới thiệu Thiên Chúa Giavê cho dân ngoại (x. Is 60), thay vì ngồi than thân trách phận bên bờ sông Babylon (x. Tv 137 [136]).

 

   Trong dòng lịch sử Việt Nam, dân tộc chúng ta cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm: những chiến thắng oanh liệt cũng như những năm dài nô thuộc ngoại xâm, những giai đoạn phát triển thịnh vượng cũng như những cuộc nội chiến đau thương. Người tín hữu Việt Nam luôn tin tưởng rằng mọi biến cố đều mang giá trị cứu độ, nhất là những cuộc ra đi đầy gian khó lại càng là một phương cách để đem hạt giống Tin Mừng gieo vãi khắp nơi.

 

   Vào thế kỷ XVII, khi các chúa Trịnh - Nguyễn bắt đạo gắt gao, người Kitô hữu từ miền Bắc đã di chuyển vào các phiên trấn mới mở ở miền Trung và miền Nam. Sang thế kỷ XVIII và XIX, khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp miền Trung và miền Nam, cơn bão bách hại lại đưa hạt giống ấy bay sang tận những vùng Thái Lan (Xiêm La) và Cambodia (Cao Miên). Có thể nói, chính những tín hữu nơi đấy đã lập nên những cộng đoàn CGVN hải ngoại đầu tiên và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

 

   Nếu nhìn lại sự kiện 30-4-1975 với con mắt đức tin, ta sẽ thấy đó là một hồng ân vô cùng đặc biệt của Chúa Quan Phòng. Ngài muốn biến hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam trở thành những sứ giả Tin Mừng cho nhiều dân tộc đang chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn minh vật chất và hưởng thụ ở phương Tây.

 

   Trong gần 30 năm qua, số Việt kiều đã tăng lên tới  3.000.000 người, trong đó có khoảng 550.000 người Công giáo. Các cộng đoàn tín hữu Việt Nam năng động, sống đùm bọc yêu thương nhau đã trở thành chất men làm sống động lại nhiều cộng đoàn tín hữu địa phương. Hơn nữa, gần 300.000 chuyên viên Việt kiều tốt nghiệp đại học và sau đại học về mọi lĩnh vực sẽ là nguồn nhân lực quý giá góp phần vào sự phát triển của quê hương và của Giáo hội Việt Nam. Về vật chất, ta cũng đừng quên sự đóng góp nhiều triệu Mỹ kim mỗi năm của Việt kiều cho nền kinh tế đất nước. Với con mắt đức tin tất cả đều là ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa dành cho quê hương Việt Nam.

 

   Khi hiểu được tính cách duy nhất trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể bình tâm đón nhận những vất vả, mất mát, hy sinh, thậm chí tủi nhục trong cuộc sống. Chúng giống như những giá đắt mà Người Tôi Tớ Giavê phải trả để cứu độ anh em (x. Is 52,13-53,12). Lúc đó ta mới dễ dàng quên đi những kỷ niệm đau thương đã xảy ra cho người thân trên con đường di tản và tha thứ cho chính những kẻ “đóng đinh” mình như Đức Giêsu trong Mầu nhiệm Vượt Qua (x. Lc 23,34). Thiên Chúa là chủ của vũ trụ, Ngài sẽ trả lại gấp bội những gì chúng ta đã đóng góp cho Ngài, và vì là chủ của sự sống nên Ngài cũng sẽ dẫn về cho ta những người thân yêu đã khuất.

 

   Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thương dân tộc Việt Nam và giao phó cho chúng ta một sứ mạng đặc biệt trong chương trình cứu độ.

 

3. Sứ mạng hội nhập và loan báo Tin Mừng của người Công giáo Việt Nam hải ngoại

 

   Giống như dân tộc Israel có khả năng hội nhập lạ lùng vào các dân tộc địa phương khi họ bị phân tán trong cuộc lưu đày ở Babylon, người Việt Nam hải ngoại cũng đang được mời gọi để hoà nhập vào các nền văn hoá ở nhiều nước khác nhau. Thay vì đau buồn vì nỗi nhớ quê hương, hầu hết những người Việt Nam đã tích cực học hỏi, làm việc để xây dựng đất nước mà họ đang sinh sống thành những nơi trù phú thịnh vượng. Tuy nhiên, hội nhập không phải là xoá bỏ chính con người của mình để hoàn toàn trở thành một người khác trong một đất nước mới hay một nền văn hoá mới. Làm sao con người có thể tẩy rửa được dòng máu mẹ cha trong huyết quản và tình tự quê hương trong tâm trí? Làm sao con người có thể đánh mất chính cội nguồn, gốc rễ của mình? Vì thế, con đường hội nhập thực sự là giữ được bản chất tinh tuý của mình và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của người. Do đó, những lễ hội được tổ chức vào các dịp lễ, Tết như: Nguyên Đán, Trung Thu… là thời điểm thuận tiện vừa để giới thiệu bản sắc văn hoá Việt Nam cho những dân tộc khác, vừa để người Việt tìm được lại nguồn cội của tổ tiên.

 

   Chúng ta hãy trở lại kinh nghiệm của các bậc tiền bối anh hùng trong vài thế kỷ trước, khi họ phải di cư từ Bắc vào Nam. Lúc đó, dân tộc ta còn theo chế độ phong kiến, giá trị con người bị coi rẻ, gia đình theo chế độ đa thê, xã hội trọng nam khinh nữ, dân chúng hầu hết bị thất học, ngôn ngữ hành chính là chữ Nho (chữ Hán) và đời sống người dân thấp kém về mọi mặt. Chính người Công giáo đã giúp cho đồng bào cảm nhận về một đời sống mới của Kitô giáo: bình đẳng, tất cả đều được tôn trọng như nhau; về một gia đình kiểu mới, trong đó chỉ có một vợ một chồng; về một thứ chữ mới là chữ Quốc ngữ. Chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả dân tộc Việt đã có thể dễ dàng đón nhận những điều mới mẻ ấy. Kinh nghiệm này có thể giúp cho người tín hữu Việt Nam ở nước ngoài, thay vì sống buông thả trong tự do và sung túc đến nỗi có thể đánh mất chính mình, lại nhận ra sứ mạng loan báo một sự thật toàn diện là chính Đức Kitô qua đời sống đạo đức tốt đẹp của mỗi người. Đó cũng là sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà Giáo Hội mong muốn nơi tất cả các Kitô hữu.

 

   Trong hướng nhìn ấy, chúng ta tìm hiểu một vài nét cơ bản của Cộng đồng Công giáo Việt Nam Hải ngoại từ đầu thế kỷ XX đến nay.

GIỚI THIỆU <<
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI >>
 
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@