MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ
CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES[1]
Khi
đến Việt Nam vào thế kỷ XVII, các vị thừa sai ngoại quốc tôn trọng nền
văn hoá Việt Nam: họ học tiếng địa phương, chữ viết Việt Nam, lúc đó là
chữ Nôm, thứ chữ của tầng lớp có học sách thánh hiền. Các giáo sĩ đến
đất Việt Nam với mục đích truyền giáo. Vì yêu mến những người mà các
ngài loan báo Tin Mừng, nên các ngài kính trọng nền bản sắc văn hoá bản
địa. Các ngài đem Lời Chúa cho hết mọi người, không phân biệt thành phần
xã hội, nên đã học chữ Nôm để tiếp xúc với thành phần trí thức, quan
lại, sĩ phu và sư sãi đang quen sử dụng loại chữ viết này. Nhưng thành
phần đại đa số dân chúng thuộc tầng lớp thất học, mù chữ không biết đọc
chữ Nôm, lam lũ với miếng cơm manh áo hằng ngày, tiếng nói với “cung
giọng như tiếng chim hát” tuyệt vời nhưng khó học. Các ngài nghiên cứu
tiếng nói Việt Nam trong khung cảnh văn hoá lúc đó, tạo chữ viết mới
bằng phiên âm và viết theo mẫu tự Latinh, để soạn đề cương ngữ pháp và
những nội dung giáo lý.
Giáo sư Trần Văn Toàn đã nhận định về thái độ của các giáo sĩ mới đến hội nhập vào văn hoá nước ta như sau
[2]:
“Trước
hết, ngay từ thế kỷ XVII, các giáo sĩ Tây phương sang Việt Nam truyền
giáo, đã ra công quan-sát phong tục tập quán, đồng thời học tiếng nói và
chữ viết của ta, để dễ bề chia sẻ niềm tin của họ với người mình. Họ
rất có thiện cảm với người Việt, và đã viết ra nhiều lời ca tụng văn hoá
và ngôn ngữ của chúng ta. Ngay trong đầu thế kỷ XVII, giáo sĩ Girolamo
Maiorica là người Ý (Italia) đã soạn ra hàng chục cuốn sách đạo bằng chữ
nôm. Sau đó giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) quê ở Avignon (nay
thuộc về nước Pháp) đã cho in tại Roma năm 1651 sách giáo lý bằng chữ
quốc ngữ Việt Nam và tiếng Latinh, sách về ngữ học Việt Nam bằng tiếng
Latinh và tự vị Việt - Bồ Đào Nha - Latinh. Những người đã xướng xuất ra
các công trình ấy vốn là những người có học thức, có đầu óc cởi mở, và
đã ra công học hỏi được nhiều, nhưng ta không nên quên rằng các vị ấy đã
học với người Việt mình.”
Các giáo sĩ Dòng Tên trong thế kỷ
XVII và các giáo sĩ truyền giáo trong những thế kỷ kế tiếp vẫn tôn trọng
văn hoá dân tộc, nghiên cứu làm các tự điển và trình bày giáo lý bằng
chữ Nôm cho một số quan lại, nho sĩ và sư sãi.
“Khi viết sách vở
cho người Việt về những điều rất tôn nghiêm như tôn giáo, họ đã dùng
ngay chữ nôm (như trong các tác phẩm của Girolamo Maiorica), và người
công giáo tiếp tục viết, in và dùng sách chữ Nôm cho đến giữa thế kỷ XX.
Tuy vậy họ cũng tìm cách viết tiếng Việt theo mẫu tự Latinh để cho
người Âu châu học tiếng Việt cho dễ. Thứ chữ viết ấy được khánh thành
trong sách Phép giảng tám ngày của A. de Rhodes cho in tại Roma năm
1651. Chính vì ý thức được rằng ngôn ngữ là kho tàng quí báu của văn hoá
dân Việt, và cũng chính vì muốn dùng tiếng Việt cho đúng nghĩa, cho
đúng văn pháp, cho nên ngay từ thế kỷ XVII, từ A. de Rhodes trở đi,
nhiều giáo sĩ Âu châu đã ra công làm tự vị và viết về ngữ học Việt Nam.”
[3] Trong
sách Tự điển, Đức cha Taberd cũng quan tâm bảo lưu và đối chiếu chữ
Nôm, soạn thảo nhiều khía cạnh trong tự điển của ngài biên soạn (1838)
để trải rộng kiến thức khoa học, giáo lý cho nhiều thành phần dân chúng
cần tra cứu (sẽ trình bày trong phần nội dung bài nghiên cứu của Giáo sư
Trần Văn Toàn).
Giáo sư Trần Văn Toàn khẳng định như sau:
“Đối
với những ai có lòng tha thiết với văn hoá dân tộc, thì cuốn tự vị Việt
- Latinh do Giám mục Taberd biên soạn và cho in bên Ấn Độ năm 1838,
thực là một tài liệu không thể bỏ qua, vì nó đánh dấu một chặng đường
quan trọng trong lịch sử hình thành của nền quốc học Việt Nam. Quan
trọng là vì đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ được đối chiếu với chữ Nôm
trong một cuốn tự vị được in ra. Các tự vị chữ nôm được biên soạn và ấn
hành sau này đều lấy lại cái sáng kiến đó như là một việc rất tự nhiên.”
[4] Ngay
trong thế kỷ XX, Giáo hội Việt Nam vẫn tôn trọng chữ Nôm và soạn thảo
sách dạy chữ Nôm cho dân chúng học tập, như quyển “Hán Tự Qui Giảng” của
Đ. Hồ Ngọc Cẩn (năm 1927), đã mượn ít nhiều trong sách Thầy Prémare và
Thầy Chouzu soạn thảo.
[5] Có thể nói, từ hậu bán thế
kỷ XVII dần dần phân ra 2 xu hướng thực tiễn trong văn học nước nhà:
Văn học Việt Nam được trình bày theo chữ viết Nôm và Văn học Nhà Đạo
theo Chữ Quốc ngữ, từ từ phát triển trong không gian tôn giáo Công giáo,
được Võ Long Tê gọi là “Văn học Công giáo bằng Chữ Quốc ngữ”
[6].
Thật
vậy, phạm trù theo thuật ngữ “Văn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ” được
hai bài tham luận trong Hội thảo Khoa học “BÌNH ĐỊNH VỚI CHỮ QUỐC NGỮ”,
tổ chức tại TP. Qui Nhơn vào ngày 12-13/01/2016 trích dẫn bài nghiên
cứu của Ông VÕ LONG TÊ, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1,
NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 236, đã đi đến kết luận như sau:
“Với
Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt và Phép Giảng Tám Ngày, chữ
Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác. Một nền văn
học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ
Alexandre de Rhodes” - nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận định.
[7] Chúng
tôi dựa vào những tham luận của các nhà nghiên cứu trong kỳ “Hội thảo
Khoa học, Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 12-13/01/2016 tại TP. Qui
Nhơn. Đặc biệt chúng tôi trích dẫn phần lớn những bài chuyên sâu trước
1975 về Giáo sĩ Đắc Lộ như của các nhà nghiên cứu: ông Nguyễn Khắc
Xuyên, Phạm Đình Khiêm, NXB. Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn năm 1961, ông
Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam", cuốn 1, của, NXB Tư
Duy, Sài Gòn 1965, cũng như Giáo sư Trần Văn Toàn (sđd) để tìm hiểu nội
dung sau đây:
“MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ
CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES”
Chúng tôi xin trình bày đề tài nghiên cứu trên theo các chương như sau:
I. CHƯƠNG I: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES (ĐẮC LỘ): GIA TỘC VÀ SỰ NGHIỆP
[8] II. CHƯƠNG II: PHÂN TÍCH CÁC TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ CỦA ALEXANDRE DE RHODES
[9] A. Tự điển Việt-Bồ-La, ngữ pháp tiếng Việt
B- Phép Giảng Tám Ngày, chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác.
C- Một nền Văn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes
III. CHƯƠNG III: NHẬN ĐỊNH VÀ MỘT SỐ TÁC GIẢ VĂN HỌC KITÔ GIÁO QUA DÒNG THỜI GIAN TRÊN 200 NĂM
***
CHƯƠNG I
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES (ĐẮC LỘ):
GIA TỘC VÀ SỰ NGHIỆP
Công
trình Latinh hoá tiếng Việt Nam vào tiền bán thế kỷ XVII là một việc
làm tập thể của các giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo tại Đàng Trong, có sự
đóng góp tích cực trong những năm tháng dài của một số tín hữu Việt Nam.
Nhưng việc soạn thảo, in ấn Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt và
Phép Giảng Tám Ngày vào năm 1651 được coi là công lao to lớn của Giáo sĩ
ALEXANDRE DE RHODES (thường gọi là ĐẮC LỘ)
[10]. Nhưng con
người vĩ đại như thế đã hấp thụ được dòng máu gia tộc, môi trường tôn
giáo và được đào luyện trong một không gian sống đời thánh hiến cho lý
tưởng cao đẹp: truyền giáo vùng Viễn Đông như thế nào?
Có thể
tóm tắt vài nét sơ lược tiểu sử của Giáo sĩ ALEXANDRE DE RHODES dựa vào
một số tài liệu nghiên cứu trong ngày Hội thảo Khoa học “Bình Định với
chữ Quốc ngữ” (Bình Định, ngày 12-13/01.2016)[11]. Tuy nhiên, có tầm
nhìn tổng quát về “Gia tộc và Sự nghiệp” của Giáo sĩ ALEXANDRE DE
RHODES, chúng tôi xin phép trích đoạn hầu như toàn bộ tài liệu của hai
tác giả Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm, tái bản trọn cuốn “PHÉP
GIẢNG TÁM NGÀY”, của ALEXANDRE DE RHODES, NXB Tinh Việt Văn Đoàn (năm
1961), từ trang XIV–XXVI.
I. CÔNG DÂN ĐỨC GIÁO HOÀNG “Nếu
Giáo sĩ Đắc Lộ có “thẻ căn cước” và thẻ ấy còn giữ được đến ngày nay,
chắc chắn ta sẽ đọc thấy ở đó, sau hàng chữ “họ, tên”, đến mục quốc tịch
ghi mấy chữ: “Công dân Đức Giáo hoàng” (Sujet du Pape). Quả thực đó mới
chính là quốc tịch của Cha Đắc Lộ trên thực tế cũng như pháp lý. Bởi vì
tỉnh Avignon, sinh quán của người, thuộc địa hạt Comtat Venaissin, lúc
ấy tuy không còn là nơi đóng đô tạm của mấy vị Giáo hoàng thời cận kim,
song vẫn là lãnh thổ của Toà Thánh La Mã mà Đức Giáo hoàng là Quốc
trưởng.
Nguyên quán gia đình Đắc Lộ trước ở thị xã Rueda thuộc
tỉnh Calatayud, xứ Aragon, trong nước Tây Ban Nha. Từ địa phương này ông
nội Giáo sĩ là Bernardin da Rueda
[12] và bà nội là Jeanne de Tolède (tên một tỉnh Tây Ban Nha) di cư đến Avignon hồi thượng bán thế kỷ thứ 16
[13] sống
bằng nghề buôn tơ lụa. Thân sinh người là ông Bernardin de Rhodes (tức
Bernardin II) được liệt vào bậc thân hào (noble) tỉnh Avignon.
Theo
các sách đã xuất bản thì Alexandre de Rhodes chào đời ngày 15 tháng 03
năm 1591, nhưng nếu tính tuổi theo những bút tích của chính giáo sĩ, thì
người phải sinh vào năm 1593 mới đúng
[14]. Ngoài người anh cả là Raymond de Rhodes, mang tước “Seigneur d’Auriac”
[15],
giáo sĩ còn có người em là Georges de Rhodes, sinh năm 1597, cũng tại
Avignon. Người em này, năm 1615, cũng vào Dòng Tên theo bước chân anh,
rồi làm Viện trưởng Học viện Dòng Tên tại Lyon, viết nhiều sách về thần
học và triết học và từ trần tại Lyon ngày 17/05/1661. Một người chú ruột
của giáo sĩ cũng sinh sống ở Lyon, làm một y sĩ thời danh làm khoa
trưởng Trường Y khoa Lyon
[16].
Theo nhiều nhà khảo cứu và con cháu ngày nay cũng nhìn nhận
[17] thì
tổ tiên dòng họ Đắc Lộ vốn là người Do Thái cũng trở lại cùng Chúa.
Danh từ Rhodes (mà ta phiên âm là Đắc Lộ) gốc ở tiếng Y-pha-nha Rueda,
vừa là tên thị xã quê hương, lại vừa có nghĩa là “bánh xe”, biểu hiệu
của người Do Thái. Biểu hiệu này có khắc trên mộ chí ông bà nội của giáo
sĩ hiện còn tại Avignon. Nhiều gia đình Do Thái Công giáo ở Avignon
thời ấy cũng có phù hiệu như vậy.
Ra đời dưới bóng những đền đài
cổ kính của mấy triều đại Giáo hoàng, Alexandre de Rhodes lại được nuôi
dưỡng trong một gia đình đạo đức, có liên lạc chặt chẽ với các cha Dòng
Tên sở tại: giấy tờ còn lưu trữ lại viện bảo tàng Calvet (Avignon) cho
biết ông nội Giáo sĩ Đắc Lộ đã dâng cúng cho nhà Dòng Tên một thửa đất ở
khu Cavaillon để lấy hoa lợi chi dùng.
Sau những năm tiểu học
và trung học ở quê nhà, Alexandre de Rhodes nảy ý chí dâng hiến cuộc đời
cho Chúa: năm 1612, khoảng 18-19 tuổi, ông được nhận vào nhà tập Dòng
Tên ở La Mã tập viện Saint-André du Quirinal. Dòng Tên Chúa Giêsu do
Thánh Y-nha-xô sáng lập năm 1534 với mục đích tổng phản công trên mặt
trận truyền bá đức tin, hồi ấy đang phát triển rất mạnh mẽ, do ảnh hưởng
trực tiếp của vị sáng lập, và tấm gương sáng chói của Thánh Phanxicô
Xaviê, quan thầy Đông phương. Các chiến sĩ của Dòng chia nhau đi khắp
thế gian chinh phục các linh hồn, nhiều vị nỗi tiếng như Cha Matteo
Ricci (Lợi Mã Đậu) ở Trung Hoa, Cha Nobili ở Ấn Độ. Alexandre de Rhodes
rồi đây sắp nối tiếp lớp người xuất chúng đó.
Tại học viện La
Mã, chủng sinh Đắc Lộ chuyên chú về thần học và toán học. Môn này vào
thời đó, là một (phụ tá) rất đắc lực cho việc truyền giáo, vì nhờ nó mà
các giáo sĩ tính toán được nhật thực, nguyệt thực, vẽ được địa đồ thiên
đồ, chế tạo được đồng hồ máy móc, do đó mà gây được cảm tình và uy tín
đối với vua quan cũng như dân chúng ở các xứ truyền giáo. Một trong
những bạn đồng môn của Giáo sĩ Đắc Lộ là Giáo sĩ Schall, người Đức, sau
giảng đạo ở Trung Hoa, có soạn bộ sách bách khoa thiên văn học bằng chữ
Hán.
[18] Sau khi được phép Cha Bề trên Vitelleschi,
Giáo sĩ Đắc Lộ đến lãnh phép lành của Đức Giáo hoàng Phaolô V, rồi theo
đường bộ đi Lisbonne, Thủ đô Bồ Đào Nha, để sang Viễn Đông truyền giáo.
Ngày 4 tháng 4 năm 1619, ông đáp tàu “Thánh nữ Têrêxa” cùng với 5 bạn
đồng tu Dòng Tên trong đó có Cha Jérôme Majorica, người Ý, về sau có
giảng đạo ở Xứ Bắc, và trước tác cả một kho sách Nôm hiện nay còn lưu
trữ tại Vatican. Vừa ra khơi được mấy ngày đã gặp phong ba rất giữ, xong
nhờ ơn riêng Đức Mẹ can thiệp mà giáo sĩ kể như một phép lạ nên được
cứu thoát.
Sau những chặng ghé khá lâu tại Goa (Ấn Độ) và
Malacca (Mã Lai) Cha Đắc Lộ đến Áo Môn (Trung Hoa) ngày 29/05/1623, định
vào giảng đạo ở Nhật Bản. Nhưng lúc ấy sau những cuộc tàn sát công giáo
rất giữ dội người Nhật đã đóng chặt mọi cửa ngõ. Cha bề trên tỉnh Việt
Đông của Dòng Tên liền phái Giáo sĩ Đắc Lộ đến xứ Nam tức Đàng Trong
Việt Nam, để tăng cường đoàn tông đồ đã đến hoạt động từ năm 1615.”
[19] II. DƯỚI ÁNH SAO SINH NHẬT Sau
19 ngày vượt biển một thời gian khá lâu vì gặp nhiều sóng gió cuối
tháng chạp năm 1624, nghĩa là dưới ánh sao Giáng Sinh, Giáo sĩ Đắc Lộ
đặt chân đến (xứ Nam) lần đầu tiên. Giáo sĩ lên bộ ở Tỉnh Quảng Nam (Đà
Nẵng hoặc Hội An). Ngoài Giáo sĩ Đắc Lộ chuyến tàu này còn đưa đến xứ
Nam 6 giáo sĩ Dòng Tên khác, trong số đó có Cha Gabriel de Mattos, thanh
tra và một giáo sĩ người nhật thạo chữ Hán.
Xứ Nam, còn gọi là
Đàng Trong, lúc ấy dưới quyền Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi
(1613-1635), con kế nghiệp Chúa Nguyễn Hoàng, người đã đoạn giao với
Chúa Trịnh ở xứ Bắc và tuy vẫn thuần phục vua nhà Lê đóng đô ở Hà Nội,
song trong thực tế đã gây dựng một giang sơn biệt lập từ Sông Gianh vào
đến Phú Yên. Cửa Hàn và Cửa Hội An (thời ấy gọi là Hải Phố, người Âu
viết Faifo) đều thuộc tỉnh Quảng Nam, là hai cửa ngõ thông thương với
ngoại quốc. Ngoài các thuyền bè Nhật Bản, Trung Hoa, Mã Lai, tàu buôn
Tây phương nhất là của Bồ Đào Nha, từ đầu thế kỷ XVII vẫn thường qua lại
cửa bể này, nhân đó, cũng thường có giáo sĩ lui tới song không ở lâu.
Giáo sĩ Dòng Tên Francesco Buzomi, người Ý, đến xứ Nam ngày 18 tháng
giêng năm 1615, chính là vị khai sáng Giáo đoàn xứ Nam. Sau 10 năm đầu,
đạo công giáo đã có một số ít tín hữu do ba giáo sĩ trông coi, dưới
quyền điều khiển của Cha Bề trên Buzomi đóng tại Nước Mặn, lúc ấy thuộc
Phủ Qui Nhơn nay là tỉnh Bình Định. Các giáo sĩ này đều phải dùng thông
ngôn, duy có Cha Francesco di Pina, ở Hội An, rất thông thạo tiếng Việt,
nên các bài giảng của người được ích lợi hơn.
Việc đầu tiên của
Giáo sĩ Đắc Lộ khi đến xứ Nam là học tiếng Việt, mặc dầu nhận thấy rất
khó khăn. Giáo sĩ học bài mỗi ngày, cũng chăm chỉ như xứ học thần học ở
La Mã, lại nhờ có năng khiếu riêng về ngôn ngữ, nên chỉ 4 tháng đã giải
tội được và 6 tháng giảng được bằng tiếng Việt. Giáo sĩ ghi công một
người đã giúp giáo sĩ cách lạ lùng: “Một thiếu niên trong xứ, chỉ trong
ba tuần lễ đã dạy tôi đủ hết các cung giọng của tiếng Việt, và cách đọc
của tất cả các tiếng. Cậu ấy không hiểu tiếng tôi, và tôi cũng chẳng
hiểu tiếng cậu, nhưng cậu thông minh đến nỗi tự nhiên hiểu được hết các
điều tôi muốn nói, và thật sự, cũng trong ba tuần lễ ấy, cậu đã học đọc
được các thư của chúng tôi, lại còn viết được tiếng Pháp, và giúp được
lễ bằng tiếng Latinh. Tôi ngạc nhiên thấy một trí khôn mẫn tiệp như vậy
và cả trí nhớ vững chắc nữa. Từ đó, cậu làm thầy giảng giúp các cha, và
đã trở nên một lợi khí rất đắc lực làm sáng danh Thiên Chúa ở Giáo đoàn
này và trong xứ Lào, vì về sau thầy sang đó hoạt động mấy năm rất có
hiệu quả. Thầy giảng ấy yêu mến tôi đến nỗi lấy tên tôi.” (A. de Rhodes,
Voyages et Missions (1854), tr. 88-89).
Sau 6 tháng học tiếng,
Giáo sĩ Đắc lộ cùng với Giáo sĩ Pina từ Quảng Nam lên Thuận Hoá (Kim
Long). Tại đây, Cha Đắc Lộ được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng khích
lệ, đầy biểu hiện tốt lành cho tương lai: Cuộc tòng giáo của một bậc
mệnh phụ ngang hàng quốc mẫu: bà Minh Đức Vương thái phi, tiết phụ chúa
Nguyễn Hoàng, mẹ Ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê tức Nghĩa hưng Quận
Vương, dì ghẻ của vị chúa đương quyền. Bà này trước kia rất sùng bái
thần tượng, đến khi nghe Cha Pina giảng, được ơn Chúa Thánh Thần soi
sáng, liền bỏ hẳn sự lầm lạc, chịu Phép Rửa Tội, lấy tên Thánh là Maria
Mađalêna, rồi từ đó trở nên cột trụ cho Giáo Hội mới này. Giáo sĩ Đắc Lộ
ghi chép: “Trong suốt thời kỳ tôi ở xứ này, tôi vẫn gặp bà và tôi tưởng
rằng từ 28 năm nay, bà vẫn một lòng bền đỗ trong sự thực hành đầy đủ
các nhân đức Công giáo. Bà lập ra trong dinh bà một nhà nguyện rất đẹp
(…); bà đã dùng những lời lẽ khôn ngoan làm cho nhiều người ngoại giáo
trở lại, trong số đó có những người họ hàng với nhà vương. Hiện nay bà
vẫn là nơi nương tựa của các giáo sĩ và không một giáo hữu nào mà bà
không hết lòng giúp đỡ.” (A. de Rhodes, Voyages et Missions (1854), tr.
91, và xem Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, Tinh Việt, 1957).
Sau
cuộc đại phúc truyền giáo tại Kinh đô, hai giáo sĩ trở về Quảng Nam.
Chẳng may cũng trong năm đó (1625), Giáo sĩ Pina phải chết đuối trong
khi thừa hành nhiệm vụ tông đồ ngoài cửa Hội An; rồi tiếp đến một sắc
lệnh đầu tiên của Chúa Sãi cấm đạo Thiên Chúa. Nhờ được thế tử Nguyễn
Phúc Kỳ, con Chúa Sãi lúc ấy làm trấn thủ Quảng Nam, tỏ ra rộng rãi, nên
các giáo sĩ vẫn có cách ở lại được trong xứ.
Tháng bảy năm
1626, Giáo sĩ Đắc Lộ được Bề trên gọi về Áo Môn để trao phó một nhiệm vụ
khác. Trong 18 tháng lưu trú ở xứ Nam lần đầu tiên, Giáo sĩ Đắc Lộ chưa
thu hoạch được kết quả bao nhiêu, nhưng đó là một thời kỳ chuẩn bị cần
thiết cho những cuộc chinh phục lớn lao sau này.
III. SÁNG LẬP GIÁO HỘI ĐÀNG NGOÀI Cũng
như ở xứ Nam, xứ Bắc trước thời các Cha Dòng Tên, đã có nhiều giáo sĩ
lai vãng, nhưng việc truyền giáo chưa có kết quả. Tháng 3 năm 1626, Cha
Baldinotti là giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Ngoài, vì không biết
tiếng, chỉ rửa tội được 4 trẻ em gần chết. Nhưng phúc trình của người
gởi về Áo Môn đã mở đường cho giáo sĩ Đắc Lộ đến sáng lập Giáo hội Đàng
Ngoài.
Cùng với Cha Pierre Marquez, sau 8 ngày vượt bể, Giáo sĩ
Đắc Lộ lên bộ ở Cửa Bạng, trong tỉnh Thanh Hoá, chính ngày lễ Thánh
Giuse, 19/03/1627. Để ghi nhớ kỷ niệm ấy, người đặt tên cho cửa bể này
là Cửa Thánh Giuse (Port de Saint-Joseph) và nhận Thánh Giuse là quan
thầy của Giáo hội Đàng Ngoài. Việc lựa chọn này về sau được chính thức
xác nhận do Công Đồng đầu tiên của Địa phận Đàng Ngoài họp tại Phố Hiến
ngày 14 tháng 02 năm 1670 dưới quyền chủ toạn của Đức cha Lambert de la
Motte, Giám mục Đàng Trong, Đại diện Đức cha François Pallu, Giám mục
Đàng Ngoài, lúc ấy đã từ Xiêm về Âu châu. (Texte du synode, dẫn trong:
Nguyễn Hữu Trọng, Les Origines du Clerrgé viêtnamien).
Nhờ biết
nói tiếng Việt, việc truyền giáo của Cha Đắc Lộ đã có kết quả ngay từ
lúc đầu. Trước đám đông dân chúng kéo xuống tàu xem các hàng hoá do tàu
Bồ Đào Nha chở đến, Cha Đắc Lộ cũng “mở món hàng” của người ra theo lời
người và rao rằng: “Tôi có một món hàng còn quý hơn nữa và rẻ tiền hơn
hết mọi thứ khác, ai muốn có thì tôi cho không, ấy là đạo thật, là đường
thật đưa đến hạnh phúc.” (A. R. Voyages et Missions (1854) tr. 109).
Sau bài giảng đầu tiên ấy, và trước khi lên bờ, có hai người “rất khôn
ngoan” đã quyết định xin tòng giáo. Mấy ngày sau, Cha Đắc Lộ rửa tội cho
họ cùng cả gia quyến. Trong 2 tháng hoạt động trong tỉnh Thanh Hoá,
giáo sĩ rửa tội được tới 200 người, một phần ở vùng cửa Bạng, và phần
lớn ở khu An Vực, nơi lập ngôi nhà thờ đầu tiên xứ Bắc, gần Thần Phù
giáp giới Ninh Bình (C.A Poncet: Les voyage du Père A. de Rhodes de Cửa
Bạng à Hanoi, trong B. A. V. H 1942, tr. 261-282). Do đó có câu ca dao:
“Thứ nhất Đền Thánh Phapha (Toà Đức Giáo hoàng ở Roma)
Thứ nhì Cửa Bạng, thứ ba Thần Phù.” Trong
thời gian này giáo sĩ được gặp chúa Trịnh Tráng chỉ huy 400 chiến
thuyền, 300 thớt voi và 120.000 quân thuỷ bộ đi đánh chúa Nguyễn trong
Nam (A. de Rhodes, Voyages et Missions (1854) tr. 110; Histoire du
Tunquin, tr. 94-95). Chúa Trịnh tiếp hai giáo sĩ và các thương gia Bồ
Đào Nha rất tử tế. Cha Đắc Lộ tặng chúa một cái đồng hồ quả lắc và một
quyển sách toán pháp in bằng chữ Hán có mạ vàng rất đẹp. Đó chính là
quyển “Kỷ hà nguyên bản viên dung hiệu nghĩa”, do Giáo sĩ Matteo Ricci
(Lợi Mã Đậu) dịch nguyên văn bộ sách của nhà toán học trứ danh cổ thời
Hy Lạp: Euclide, và ấn hành tại Bắc Kinh từ năm 1607. Trịnh Tráng hẹn
các giáo sĩ ở lại chờ ông trong tỉnh Thanh Hoá. Đến khi thất trận trở
về, chúa Trịnh mời các giáo sĩ xuống thuyền để cùng về Hà Nội, dọc đường
chỉ nói truyện thiên văn, toán pháp và xem đồng hồ.
Về tới Kinh
đô (Kẻ chợ) ngày 2/7/1627, Trịnh Tráng cấp cho các giáo sĩ một căn nhà
rất đẹp, vừa dùng làm nhà thờ, vừa dùng để ở. Tiếng đồn lan đi khắp xứ,
người ta kéo đến rất đông, khiến giáo sĩ phải giảng mỗi ngày bốn lần, có
khi sáu lần; mà ngày thì quá ngắn, giáo sĩ nhiều khi phải thức cả đêm
để tiếp truyện những người xin tòng giáo hoặc giải tội cho bổn đạo. Kết
quả rất mãn nguyện ngay từ lúc đầu và càng ngày càng tăng. Một người em
gái của Chúa Trịnh Tráng cùng 17 người trong thân thích tòng giáo một
lượt. “Bà này tên thánh là Catarina, nguyên là một nữa sĩ đã thành thơ
tất cả cuốn giáo lý, từ việc khai thiên lập địa đến Chúa Giêsu ra đời,
chịu nạn, chịu chết, sống lại và lên trời” (A. R. Histoire du Tunquin,
tr. 115) Ngoài ra, lại còn nhiều võ quan, binh lính, sư sãi cũng xin rửa
tội: Năm đầu 1.200, năm sau 2.000, và năm thứ ba: 3.500 người. (…).
Không
thụ động, đức tin của các giáo hữu đầu tiên là một đức tin, có khả năng
chinh phục người khác. Mỗi người được rửa tội rồi, lại đi khuyên dụ bao
nhiều người khác trở lại cùng Chúa. Như ông sư kia, sau khi tòng giáo,
đã dẫn đến cho cha Đắc Lộ năm trăm người tân tòng.
Trước tinh
thần tông đồ mạnh mẽ của giáo dân Việt Nam, Giáo sĩ Đắc Lộ liền nảy ra ý
kiến lựa chọn một số phần tử ưu tú, chưa có gia đình, lập thành đoàn
thầy giảng, chuyền giúp việc truyền giáo: đó là chủng viện đầu tiên ở
Việt Nam để tiến đến hàng giáo sĩ bản quốc. Bốn thầy giảng đầu tiên được
làm lễ khấn hứa là Phanxicô, Anrê, Ynhaxô và Antôn, đều là những tông
đồ xuất sắc.
Chính trong thời kỳ này Giáo sĩ Đắc Lộ bắt đầu soạn
cuốn giáo lý bằng tiếng Việt phiên âm theo mẫu tự La Mã gọi là Quốc
ngữ: cuốn “Phép Giảng Tám Ngày”. Người cũng soạn nhiều kinh và sách ngắm
mười lăm sự thương khó Chúa Giêsu.
Sau một năm rưỡi bình an,
giông tố bắt đầu nổi dậy trong Giáo hội mới. Do sự xúc xiểm của quan
lại, đầu năm 1630, chúa Trịnh ra lệnh cấm Cha Đắc Lộ giảng đạo và phải
rút ngay về Ái Môn hoặc Đàng Trong. Vì lúc ấy không có tàu đi Áo Môn,
giáo sĩ bị giải xuống thuyền để “tống khứ” vào xứ Nam. Không ngờ cuộc
lưu đày ấy trở nên một cuộc hành trình thoả mãn: Trong ba tuần lênh đênh
mặt biển, giáo sĩ đã rửa tội được 24 trong số 36 người lính có phận sự
thi hành án trục xuất giáo sĩ. Sau cùng, viên đội trưởng cũng xin rửa
tội, lấy tên thánh là Augutinô. Từ đó người mang án phát lưu trở nên chủ
nhân ông chiếc thuyền Nhà nước. Thay vì chở giáo sĩ đến hải phận Đàng
Trong, họ để giáo sĩ lên bộ ở Bắc Bố Chính, để gặp các giáo hữu miền
này.
Cha Đắc Lộ hoạt động kín đáo ở vùng Bố Chính, Nghệ An trong
4 tháng, rồi lại gặp hai cha Dòng Tên khác đưa tàu Bồ Đào Nha đến đón ở
Cửa Chúa (Nghệ An) và đen về Hà Nội. Chúa Trịnh Tráng biết vậy nhưng
không nói gì, đến khi tàu bán hết hàng và nhổ neo, chúa sai người đến
truyền cho cả bốn giáo sĩ phải rời xứ (tháng 5/1630).
Gạt nước
mắt từ giã giáo hữu Đàng Ngoài, Giáo sĩ Đắc Lộ đem theo một bức thư của
họ viết bằng chữ Hán gởi lên Đức Giáo hoàng Urbanô VIII bày tỏ lòng kính
mến trung thành của các giáo hữu Đàng Ngoài lúc ấy[20]. Họ cũng gởi
Giáo sĩ Đắc Lộ một thư khác cho Cha Bề trên cả Dòng Tên, thỉnh cầu gởi
giáo sĩ đến truyền giáo (Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam,
tr. 140. Nội dung thư này không khác nhau mấy).
IV. CỦNG CỐ GIÁO HỘI ĐÀNG TRONG Sau 3 năm 2 tháng ở xứ Bắc, Cha Đắc Lộ rút lui về Áo Môn, “lòng sầu vô hạn” vì nhớ giáo hữu Việt Nam (…).
Sau
10 năm ở Áo Môn, Giáo sĩ Đắc Lộ lại được cử sang xứ Nam lần thứ hai vào
tháng 2 năm 1640. Lúc ấy trong xứ có chừng 50.000 giáo hữu
(Statistiques A. Brou) mà không có một linh mục nào, vì năm trước, chúa
Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) đã trục xuất tất cả các giáo sĩ, và
Cha Bề trên Buzomi đã từ trần sau 24 năm tận tụy với Giáo hội này.
Sau
khi chinh phục được cảm tình của viên bang trưởng Nhật Kiều ở Hội An,
giáo sĩ Đắc Lộ được ông ta dẫn lên yết kiến chúa Thượng ở Kim Long. Bao
nhiêu tiền mang theo để chi dụng trong một năm, giáo sĩ dùng hết để mua
lễ vật dâng tặng cho nhà vương, được vương đối đãi rất có cảm tình. Bà
Minh Đức Vương Thái Phi, sau mười bốn năm xa cách, rất sung sướng được
gặp lại giáo sĩ; bà mời giáo sĩ về dinh và kêu gọi các giáo hữu đến để
chịu các phép bí tích. Ngày nào Cha Đắc Lộ cũng làm lễ trong nhà thờ bà
lập ở trong dinh bà. Trong 35 ngày, giáo sĩ rửa tội được 94 người, trong
đó có 3 bà có họ gần với nhà vương và một thầy sãi.
Đến khi trở
về Hội An, tàu Bồ Đào Nha đã trẩy rồi, quan Cai bộ Quảng Nam mà giáo sĩ
gọi là “Onghebo” tức Ông Nghè Bộ, ra lệnh cho giáo sĩ phải rời xứ bất
cứ bằng cách nào, “dầu phải đi trên mặt nước”. Giáo sĩ buộc lòng phải
mua một chiếc thuyền, rồi cùng với một giáo sĩ khác, và ba thanh niên Công giáo tự lái lấy thuyền vượt sóng Thái Bình Dương đi Áo Môn. Thật là
một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, nhưng “nhờ ơn Chúa dẫn dắt” thuyền đã tới
bến bình an ngày 20/09/1640.
Ba tháng sau, Cha Đắc Lộ trở lại
Đàng Trong lần thứ ba vào ngày áp lễ Sinh nhật 1640 cùng với Giáo sĩ
Benoit de Mattos, để rồi lại bị trục xuất vào ngày 2 tháng 7 năm 1641.
Trong thời gian này, sau khi hoạt động ít lâu ở Quảng Nam, hai giáo sĩ
chia tay, de Mattos lên phía Bắc: Thuận Hoá, Quảng Bình, giáp giới Đàng
Ngoài; Đắc Lộ xuống miền Nam: Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên, giáp giới
Chiêm Thành. Riêng ở họ Phú Yên, trong hai tháng, giáo sĩ đã rửa tội
được 90 người trong số đó cớ một thanh niên 16 tuổi sau này sẽ là vị Tử
đạo tiên khởi: thầy giảng Anrê Phú Yên. Cuộc rửa tội này cử hành trong 4
ngày liền ngay trong dinh quan Trấn Thủ Trấn Biên dinh, lúc ấy là ông
Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh; và người đứng tổ chức cuộc lễ lại chính là
bà vợ quan Trấn thủ, tức công chúa Ngọc Liên, trưởng nữ chúa Sãi, chị
ruột chúa Thượng. Bà này tòng giáo từ năm 1636, được rửa tội ngay tại
Phú Yên, lấy tên thánh là Maria Mađalêna cũng như bà Minh Đức Vương Thái
Phi, hẳn là do gương sáng hoặc ảnh hưởng của bà Minh Đức vậy. (Phạm
Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, tr. 58-68).
Lần thứ tư Giáo sĩ
Đắc Lộ lưu trú ở xứ Nam tương đối lâu hơn cả: từ cuối tháng giêng 1642
đến tháng 9 năm 1643. Chính trong thời kỳ này, giáo sĩ thành lập đoàn
thầy giảng Đàng Trong theo kinh nghiệm ở Đàng Ngoài. Trong mười thầy
giảng đầu tiên làm lễ khấn ngày 31 tháng 7 năm 1643, sau này sẽ có ba vị
tử đạo: Anrê Phú Yên đã nói trên, Ynhaxô Quảng Trị, cựu quan ở Chính
Dinh, thủ lãnh các thầy giảng, và Vinh Sơn, Quảng Ngãi cũng 19 tuổi như
An Rê. Sau khi Cha Đắc Lộ tạm rời xứ, 10 thầy chia nhau đi khắp nơi thăm
viếng bổn đạo và rửa tội được 596 người.
Với một lòng trung
kiên hiếm có, Giáo sĩ Đắc Lộ còn vượt trùng dương đến xứ Nam lần thứ
năm, và là lần chót, vào đầu tháng 3-1644. Đây là giai đoạn “leo núi Sọ”
của nhà truyền giáo. Trong khi đoàn tông đồ được cảm tình của chúa
Thượng hơn mọi khi và năng lui tới nhà các quan đại thần để thảo luận về
tôn giáo, thì bỗng nhiên do mật lệnh của Tống Thị, một dâm hậu phản
phúc và ghét đạo, “Ông Nghè Bộ” Quảng Nam cho đến vây nhà Cha Đắc Lộ ở
Hội An, bắt thầy giảng An Rê Phú Yên điệu đến Dinh trấn Thanh Chiêm
(Dinh Chiêm). Nội ngày hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, An rê Phú Yên anh
dũng đổ máu xưng tỏ Đức tin: đó là “Người chứng thứ nhất” của Chúa Giêsu
ở xứ Nam, và cũng đáng kể là tiên khởi tử đạo của toàn quốc. Đời sống
nhân đức, cái chết anh hùng và các phép lạ lẫy lừng của người từ Việt
Nam qua Âu Châu đã chấn động dư luận thời ấy và còn gây ảnh hưởng cho
bao thế hệ về sau (Xin xem cuốn Người Chứng Thứ nhất (Tinh Việt 1959).
Hai
tháng sau, đến lượt chính Giáo sĩ Đắc Lộ bị chúa Thượng ghép án tử
hình, sau đổi ra án trục xuất, làm cho giáo sĩ vừa tiếc phúc tử đạo, vừa
buồn vì sự biệt ly.
Người rời xứ Nam ngày 3 tháng 7 năm 1645,
nhưng “lòng và trí lúc nào cũng để cả ở xứ Nam cũng như xứ Bắc”. Tính cả
năm thời kỳ, người chỉ ở Đàng Trong không quá năm năm bảy tháng, nhưng
đã đem đến cho Giáo Hội này, những tiến triển quan trọng đã củng cố nền
tảng của Giáo Hội bằng tổ chức thầy giảng, và nhất là bằng máu các vị tử
đạo đầu tiên.
V. SỨ GIẢ CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM TẠI ÂU CHÂU Rời
Việt Nam ngày 3 tháng 7 năm 1645, hai mươi ngày sau, Giáo sĩ Đắc Lộ tới
Áo Môn. Bề trên Dòng Tên tại đây thấy không thể để người trở lại Đàng
Trong được vì làm như thế là khiêu khích nhà cầm quyền ở đó, liền quyết
định cử người đi Âu châu để tìm sự giúp đỡ về đường thiêng liêng và thực
tế. Trong khi sửa soạn và chờ ngày lên đường, Cha Đắc Lộ dạy tiếng Việt
cho hai cha khác có nhiệm vụ đến thế người ở Đàng trong: Cha Metello
Saccano và Cha Carlos della Rocca, đều là người Ý.
Ngày 20 tháng 12 năm 1645, hai cha này đáp tàu đi xứ Nam thì Giáo sĩ Đắc Lộ đáp tàu đi Âu châu với sứ mạng rõ rệt:
- Tâu trình Đức Thánh Cha nhu cầu cần thiết của giáo hữu Việt Nam cần có Giám mục.
- Bày tỏ cho các vua chúa Công giáo biết sự thiếu thốn cực độ của các cha ở các xứ truyền giáo tốt đẹp ấy.
-
Trình bày cùng Cha Bề trên Cả những hy vọng lớn lao về việc làm cho các
dân tộc đó trở lại cùng Chúa, nếu có đủ số người truyền giáo rao giảng
Phúc Âm.
Cha Đắc Lộ định đem một người Trung Hoa, một người ở xứ
Bắc và một người xứ Nam đi Âu Châu với người để giới thiệu ba Giáo Hội
mới đó, song vì có ý kiến Bề trên, người chỉ đem theo một người Trung
Hoa. Nhưng một sứ giả vô hình của Giáo hội Việt Nam, vị tử đạo An Rê Phú
Yên, đã đi theo Cha Đắc Lộ, và đã đóng giữ vai trò then chốt trong công
cuộc lớn này, như sau đây chúng tôi sẽ nói rõ.
Sau 25 ngày vượt
biển trong một đoàn gồm tám chiếc tàu lớn của người Bồ Đào Nha, cha Đắc
Lộ đến Malacca (Nam Dương quần đảo) ngày 14 tháng Giêng năm 1646, chính
là ngày người Hoà Lan kỷ niệm cuộc chiếm đoạt đảo này được 6 năm. Cha
Đắc Lộ nhớ lại 23 năm trước, khi đi qua đây, đã chứng kiến bao nhiêu
công cuộc công giáo do người Bồ Đào Nha gây dựng mà nay chỉ còn đống tro
tàn dưới ảnh hưởng bài Công giáo của người Hoà Lan, giáo sĩ đã phải đau
lòng lắm.
Tuân theo lời dặn của Bề trên, người rời đoàn tàu Bồ
Đào Nha, nhờ đáp tàu Hoà Lan để về Âu châu cho mau chóng hơn, vì lẽ tầu
Bồ Đào Nha thường ghé ở lại Goa (Ấn Độ) rất lâu. Sau 40 ngày chờ đợi vô
hiệu, người liền đi Djakarta (thủ đô Nam Dương) hy vọng ở đấy có nhiều
chuyến tàu đi Âu châu hơn.
Không ngờ vì lòng sốt sắng, vị Tông
đồ lại bị nhà cầm quyền ở đây bắt giam cực khổ luôn trong 3 tháng, chỉ
vì khi đến nơi, và trong thời gian chờ đợi (năm tháng) người đã truyền
bá đức tin Công giáo giữa những người Hoà Lan thệ phản. Được giải phóng,
giáo sĩ đi Bantan (đảo Java) định nhờ tàu Anh Cát Lợi về Âu châu song
người bị từ chối từ cũng vì vấn đề chia rẽ tôn giáo. Ngày 25 tháng 10
năm 1646, Cha Đắc Lộ rời Java trên một chiếc tàu Bồ Đào Nha đi Macassar,
trong quần đảo Célèbes. Sau 5 tháng đợi ở đây, lần này người được một
tàu Anh Cát Lợi nhận chở về Âu châu. (…)
Ra đi đầu tháng 3 năm
1648, Giáo sĩ Đắc Lộ nhập bọn với đoàn lữ hành qua Chiras và Ispahan,
đều là cố đô Ba Tư; Tauris, cố đô xứ Médie, nay là Azerbaidjan bị Nga Xô
chiếm cứ; Irvan, thủ phủ Xứ Arménie Thượng, dưới chân một ngọn núi cao
chót vót và người ta nói xưa kia tàu ông Noe đậu trên đó sau kỳ Đại hồng
thuỷ, nay cũng bị Nga Xô thôn tính. Sau đó, giáo sĩ qua xứ Arménie Hạ
và xứ Anatolie là đất của người Thổ Nhĩ Kỳ. Đến Hải Cảng Smyrne ngày 17
tháng ba năm 1649, giáo sĩ đáp tàu buôn của người Ý, vượt Địa Trung Hải,
qua đảo Sicile, sau cùng về đến La Mã hai ngày trước lễ thánh Phêrô và
Phaolô tông đồ, 27 tháng 6 năm 1549. Cuộc hành trình mà ngày nay ta có
thể thực hiện trong 20 tiếng đồng hồ bằng phi cơ phản lực đầy đủ tiện
nghi, Giáo sĩ Đắc Lộ phải kéo dài trong 3 năm 6 tháng, trong đó 12 tháng
đi bộ, vượt bao hiểm nguy và cực nhọc vì tương lai Công giáo Việt Nam.
Về
tới Thủ đô Giáo Hội, Cha Đắc Lộ lo thi hành ngay sứ mạng của người.
Người đã yết kiến Giáo hoàng Innocentê X nhiều lần và “hằng ngày đã đến
gõ cửa các đức hồng y” – như lời người nói – “để tường tình về các Giáo
hội mới kia đang giơ tay ra và hỏi đường lên thiên đàng.” (A. R., Voy.
Et Miss., tr. 435)
Người đã đệ hai bản điều trần, một lên các
Đức Hồng y ở Bộ Truyền giáo, ngày 2 tháng 8 năm 1650, và một lên chính
Đức Giáo hoàng ngày 6 tháng 3 năm 1651. Trong cả hai tài liệu đó, người
trình bày đại khái: Hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài nước Việt Nam là
một Giáo hội đã có đến 300.000 giáo hữu và mỗi năm tăng thêm ít nhất
15.000 linh hồn, rải rác trên một diện tích bằng cả nước Ý, vậy mà chưa
một giáo hữu nào được chịu phép Thêm sức và rất nhiều người chết không
được chịu phép Bí tích sau hết, đã vậy lại còn bị bách hại, và đã có bảy
người tử vì đạo. Để giúp đỡ một Giáo Hội như vậy, đáng lẽ phải cần gởi
đi từ 300 đến 400 linh mục mới đủ, nhưng trong thực tế không thể nào
thực hiện được một chương trình như vậy, ấy là chưa nói đến sự khó khăn
về phương diện chính trị ở các xứ truyền giáo. Kết luận, giáo sĩ đề nghị
thiết lập ngay hàng giáo sĩ bản quốc, và muốn vậy, cần phải cử các vị
Giám mục sang để phong chức cho các linh mục bản quốc chọn trong số các
thầy giảng.
Lúc ấy việc truyền giáo ở các xứ Viễn Đông còn tuỳ
thuộc sự “bảo trợ” (Patronat) của vua nước Bồ Đào Nha, mà chế độ bảo trợ
này đã đến lúc tỏ ra có nhiều trở ngại cho sự tiến triển của việc
truyền giáo. Vì vậy giáo sĩ Đắc Lộ đề nghị một giải pháp đặc biệt: Các
vị giám mục sẽ do Tòa Thánh cử thẳng sang Viễn Đông không phải qua Kinh
đô Bồ Đào Nha như trước và sẽ mang tước hiệu đặc biệt là “Đại diện Tông
toà” (Vicaire Apostolique) tại các dân ngoại (in partibus infidelium),
chứ không phải là “giám mục chính toà” (Evêques résidentiels).
Sau
khi thảo luận nhiều lần, ngày 1 tháng 8 năm 1651, các Hồng y đề nghị
lên Đức Giáo hoàng cử sang Đông Dương một vị Thượng phụ Giáo chủ
(Patriarche) hai hoặc ba vị Tổng Giám Mục và 12 giám mục đều có tước
hiệu “in partibus infidelium”. Đề nghị ấy bị trả về để nghiên cứu lại.
Ba
năm đã qua, mà kết quả chưa đạt, Giáo sĩ Đắc Lộ rời La Mã đi Ba Lê
(11/09/1952) để vận động cho công cuộc truyền giáo và lựa chọn người có
thể sung chức Giám mục ở Việt Nam. Tại đây, giáo sĩ làm quen với nhóm
“Les Bons Amis” đầy tinh thần truyền giáo, nhiệt liệt hưởng ứng chương
trình của người, nhất là cha François Pallu, sau này sẽ là một trong hai
vị Giám mục đầu tiên ở Việt Nam và cũng là người sáng lập Hội Truyền
giáo Ngoại quốc tại Paris. Nhiều bậc thế giá cũng hưởng ứng bằng cách
quyên cúng tiền bạc. Sau cùng, chính Đại hội Hàng Giáo phẩm Pháp hai lần
gởi tỉnh nguyện lên Đức Giáo hoàng, xin cử các Giám mục sang coi sóc
Giáo hội Việt Nam. Bản thỉnh nguyện thứ hai đề ngày 29 tháng 9 năm 1653
có cả chữ ký của bộ Thánh đại - danh Vinh Sơn Phaolô, mà năm 1690 cũng
là năm kỷ niệm tam bách chu niên huý nhật.
Đến đây cuộc vận động
của Cha Đắc Lộ sắp đạt tới thành công, thì cũng là lúc mà người học sử
phải đếm xỉa đến vai trò vô hình nhưng có tính cách quyết định của vị sứ
giả Việt Nam: Thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo.
Lúc rời Đàng
Trong lần chót, Giáo sĩ Đắc Lộ mang theo bên mình một nguồn an ủi duy
nhất: thủ cấp của vị Tử đạo tiên khởi Việt Nam, người con thiêng liêng
từ nay đã trở nên “vị thủ bảo hộ” của người – theo chính lời người nói.
Tàu đi đến ngang đảo Hải Nam thì gặp phong ba dữ dội, tưởng chết không
đất cứu. Giáo sĩ cầm đầu của vị tử đạo lên, bảo mọi người quỳ xuống cầu
nguyện. Chưa đọc hết kinh cầu Đức Mẹ, thì tức khắc bão tố dừng lại, mọi
người la lên “Phép lạ! Phép lạ!”. Và giáo sĩ đã tới Áo Môn bình an. Đến
khi được cử đi La Mã, người quyết định đem thủ cấp vị Tử đạo Việt Nam về
tận Giáo Đô để chứng đức tin của dân Việt. Khi đến biển Nam Dương (25
tháng 2 năm 1646), tàu của giáo sĩ đụng đá ngầm, vỡ một miếng lớn. Chính
lúc ấy, thủ cấp của vị Tử đạo lại được đưa lên cho mọi người cầu
nguyện. Và Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ lẫy lừng khác đến hiển danh
Tôi tớ Chúa và cứu Giáo sĩ Đắc Lộ: Đá đã tự động vá vỏ tàu, và tất cả
hành khách đã được bình an vô sự!
Chẳng những bao nhiêu công
cuộc vận động của Cha Đắc Lộ về sau đều tuỳ thuộc ở ơn cứu tử ấy, mà
chính vị Tử đạo An Rê còn làm nhiều phép lạ khác ở giữa “Kinh đô Ánh
sáng”, (1653) gây nên một trào lưu thiện cảm nồng nhiệt ở Ba Lê đối với
công cuộc truyền giáo ở Việt Nam, và như vậy là trực tiếp giúp vào sự
thành công của sứ mạng cha Đắc Lộ. Tất cả các sự việc này đều được giáo
sĩ Đắc Lộ ghi chép cặn kẽ nhiều lần trong các tác phẩm của người.
VI. THUỶ TỔ CÁC TÁC PHẨM SÁCH QUỐC NGỮ Ngoài
sự nghiệp truyền giáo, Cha Đắc Lộ còn thực hiện một sự nghiệp văn hoá
cực kỳ quan trọng trong sự tiến hoá của xã hội Việt Nam.
Nguyên
trước kia, người Việt Nam chỉ dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm làm phương tiện
diễn đạt và truyền bá tư tưởng. Hai lối chữ này đều rất khó học, khó
nhớ, nên sự phổ biến có phần hạn chế. Khi các giáo sĩ Âu châu tới giảng
đạo, các ngài sáng chế ra một lối viết tiếng Việt theo mẫu tự La Mã,
thoạt đầu chỉ có ý cho dễ nhớ bài học Việt Ngữ. Đến lượt cha Đắc Lộ,
ngài đã làm cho lối phiên âm đó hoàn hảo hơn, đã bắt đầu dùng lối chữ đó
để soạn sách, và đến khi về La Mã, đã nhờ ấn quán của Toà Thánh đúc
riêng lối chữ mới để ấn hành các sách đó. Như vậy, người là vị có công
nhất trong việc thành lập “chữ Quốc ngữ” và chính là thuỷ tổ các sách
Quốc ngữ vậy.
Những tác phẩm căn bản đó là:
1) Cuốn giáo
lý Latinh và Quốc ngữ đối chiếu, nhan đề
Cathechismus pro iis qui
volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus – Phép giảng tám ngày
cho kẻ muẩn (muốn) chịu phép rửa tội mà beào (vào) đạo thánh đức Chúa
blời (Trời, lời). Cuốn này, giáo sĩ bắt đầu soạn từ lúc giảng đạo ở Đàng
Ngoài, và khi còn là bản thảo, đã được dùng vào việc truyền giáo ở Đàng
Ngoài cũng như Đàng Trong, nhất là để huấn luyện các thầy giảng, sau
được ấn hành tại La Mã năm 1651. Sách này đã được dịch ra tiếng Xiêm và
mới đây Đức Cha Chappoulie đã dịch ra tiếng Pháp in trọn vẹn trong bộ
“Rome et les Missions d’Indochine au XVII è siècle” Paris, 1943.
2)
Cuốn tự điển Việt Bồ La, nhan đề
Dictionarium Annamiticum Lusitanum et
Latinum, in tại La Mã cũng năm 1651, dầy gần 500 trang. Để soạn sách
này, tác giả đã nhờ sự cộng tác của người Việt Nam, nhất là các thầy
giảng, giúp người học tiếng trong gần 12 năm hoạt động ở Đàng Ngoài, và
cả các nhà truyền giáo khác, nhất là giáo sĩ Francesco de Pina, Dòng
Tên. Tác giả cũng lợi dụng bản thảo cuốn tự vị Việt Bồ (Annamiticum -
Lusitanum) của Gaspard de Amaral, và cuốn Bồ Việt (Lusitanum –
Annamiticum) của Antonio Barbosa, cả hai đều là giáo sĩ Dòng Tên, đã đến
giảng đạo một tời kỳ ở Đàng Ngoài sau Cha Đắc Lộ và đã từ trần năm
1646–1647.
3) Cuốn văn phạm Việt Nam nhan đề
Linguae Annamiticae
seu Tunchinensis brevis declaratio. Cuốn này đóng chung một tập với
cuốn tự điển trên, song thực là một văn phẩm riêng biệt, chia làm tám
chương đánh số trang riêng không tuỳ thuộc vào cuốn Tự điển. Chính giáo
sĩ Đắc Lộ cũng kể đó là một cuốn sách riêng (A. R. Voyages et Missions,
tr. 89).
Cả ba cuốn sách kể trên thật là những tài liệu vô giá
chẳng những vì đã cống hiến cho chữ Quốc ngữ một hình thức xác định và
một địa vị vững chắc, nó còn là viên đá đầu tiên của ngữ học, văn học và
truyền giáo học ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong thời kỳ ở Âu châu,
Giáo sĩ Đắc Lộ còn cho ấn hành nhiều tác phẩm ngày nay đã trở nên những
sử liệu quý giá cho Việt Nam về cả các phương diện lịch sử, địa dư, tôn
giáo, phong tục… Quan trọng nhất là cuốn “lịch sử xứ Bắc Kỳ” bằng tiếng Ý
(1650), tiếng Pháp (1651) và tiếng Latinh (1652); và cuốn “Hành trình
và Truyền giáo” bằng tiếng Pháp (1653) sau được dịch ra tiếng Đức
(1858)… Ngoài ra giáo sĩ còn tường thuật đầy đủ về cuộc tử đạo của Thầy
giảng An Rê trong một cuốn sách tiếng Ý (1652) sau lại viết ra tiếng
Pháp (1653).
VII. NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI Tuổi lục tuần,
thường tình là tuổi nghỉ ngơi, hưu dưỡng, người ta tìm về quê hương vui
thú điền viên. Giáo sĩ Đắc Lộ, trái lại, giữa 61 tuổi, lại rời quê hương
ra đi một lần nữa, với sứ mạng lãnh đạo một cơ sở truyền giáo của Dòng
Tên ở một xứ hoàn toàn xa lạ: nước Ba Tư.
(…)
Lúc cuộc
đời xế bóng, người được vui mừng thấy những cuộc vận động nhiệt thành
của mình mấy năm trước đã được hoàn toàn thực hiện. Ngày 29 tháng 7
năm1658, Đức Giáo hoàng Alexandre VII ký sắc bổ nhiệm hai vị Giám mục
để gởi sang Việt Nam. Năm sau lại có đạo sắc ngày 9 tháng 9 thành lập và
qui định ranh giới hai địa phận công giáo đầu tiên ở Việt Nam: Đàng
Trong và Đàng Ngoài. Trong một bức thư đề ngày 3 tháng 6 năm 1659, Giáo
sĩ Đắc Lộ đã biểu lộ sự hoan hỉ về kết quả tốt đẹp ấy.
(…) Theo
chứng cớ của người đồng thời, Giáo sĩ Đắc Lộ từ trần, những người Hồi
giáo tuy không cùng tín ngưỡng, nhưng họ coi người như một đấng thánh,
một người thượng trí, và họ đổ xô nhau đi theo quan tài của người, làm
thành một đám tang hiếm có ở kinh đô xứ “Ngàn lẻ một đêm” này. Anh em
trong Dòng cũng tôn kính người như bậc đáng kính vì người đã thực hành
mọi nhân đức và lập công nghiệp vô vàn (Ménologe: Alexandre de Rhodes).
PHẠM ĐÌNH KHIÊM [21]
CHƯƠNG II
PHÂN TÍCH CÁC TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ CỦA ALEXANDRE DE RHODES[22]
A - Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt
B- Phép Giảng Tám Ngày, chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác.
C-
Một nền văn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo
sĩ Alexandre de Rhodes”: Một số tự điển và bài viết trong Văn học Nhà
Đạo.
Phân tích các tác phẩm chữ Quốc ngữ của Alexandre de Rhodes Trước
khi nhận định phần đóng góp của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong công
cuộc sáng chế chữ Quốc ngữ và hình thành ngôn ngữ Công giáo, chúng ta
hãy lần lượt giới thiệu 3 tác phẩm chữ quốc ngữ của giáo sĩ là
Tự điển
Việt-Bồ-La, Văn phạm Việt ngữ và Phép Giảng Tám Ngày. A. Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt
1. Tự điển Việt-Bồ-La Cuốn
này in tại Rôma ngày 5 tháng 2 năm 1651 do Thánh bộ Truyền giáo xuất
bản với tên sách: Dictionarum Annamiticum Lusitanum et Latinum.
Trong bài tựa bằng tiếng Latinh, tác giả cho chúng ta biết về quá trình soạn thảo và xuất bản cuốn tự điển này.
Theo
tác giả, mục đích xuất bản cuốn tự điển là để giúp ích cho công cuộc
truyền giáo. Về sự quan trọng của tiếng Việt, tác giả viết: “Tiếng Việt
Nam là thứ tiếng không những cho hai xứ khác rộng lớn là xứ Đàng Ngoài
và xứ Đàng Trong, thêm vào đó ta còn phải kể đến xứ Cau Bằng là một xứ
cũng đang thuần tiếng Annam, mà còn chung cho nhiều xứ lân cận, Ciampa,
Laorum và Siam”
[23]. Tác giả còn cho biết đã học tiếng Việt
với những người bản xứ trong thời gian 12 năm ở Đàng Trong và Đàng Ngoài
nhất là với các giáo sĩ khác như Giáo sĩ Francesco de Pina. Tác giả lợi
dụng cuốn tự điển Việt Bồ của Gaspar d’Amaral và cuốn tự điển Bồ Việt
của Antonio de Barbosa và chua thêm tiếng Latinh
[24].
Cuốn tự điển này dày gần 500 trang, mỗi trang chia làm hai cột, đánh số theo cột chứ không theo trang.
Tác giả sưu tập những tiếng đơn và thành ngữ thông dụng.
Chẳng
hạn như tiếng ác, tác giả lần lượt đưa ra tiếng đồng nghĩa dữ và các
thành ngữ: ác tâm (làõ dữ = lòng dữ) đại ác (dữ lắm), chơi ác, hay ác,
ác nghiệp.
Về tiếng ăn, tác giả lần lượt đưa ra các thành ngữ:
ăn cơm, ăn mầng, ăn tết, ăn mày, ăn mót, ăn via, ăn táp, ăn chay, ăn
chay cả, ăn kiêng, ăn lại, ăn tiền, ăn géy, ăn chỉ, ăn lở, ăn lãi, của
tàu ăn, géy ăn mực, buầm ăn rỡu, buầm ăn gió, ăn năn tội, ăn trộm, ăn
cướp, cưa ăn gỗ.
Tác giả còn định nghĩa theo nhận định của người
đương thời. Chẳng hạn như tiếng Bà lão là một bà đáng kính, bà già là
người đàn bà đã có tuổi, bà sang là một vị cung phi của nhà vua đã quá
cố. (Theo Thanh Lãng, sđd, trang 22).
Cuốn tự điển Việt-Bồ-La
của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes không những là hoá thân của các tự điển
của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, mà còn là tài liệu chắc chắn về
hình thức chữ Quốc ngữ. Nhờ công trình san định và dịch nghĩa của
Alaxandre de Rhodes mà chúng ta có tài liệu để tìm hiểu sự tiến hóa của
ngôn ngữ văn tự Việt Nam.
2) Văn phạm Việt ngữ Như
trên đã nói, đây là một tác phẩm riêng biệt bằng tiếng Latinh đóng
chung vào với cuốn tự điển Việt-Bồ-La và mang tựa đề: Linguae annamticae
seu Tunkinensis Brevis Declaratio (Tiểu lược về tiếng Việt hay tiếng
Đông Kinh).
Mở đầu tác giả nói chung về những đặc tính căn bản
của tiếng Việt. Theo tác giả, tiếng Việt cũng như tiếng Hoa, tiếng Nhật
không có giống loại, từ ngữ không biến thể như các thứ tiếng Tây phương.
Để chỉ định thời gian cho động từ, có những tiếng thêm vào động từ. Các
dấu giọng lên xuống là linh hồn của tiếng Việt.
Tiếp theo là 8 chương bàn về văn phạm Việt ngữ.
Chương I: De littéris et syllabis quibus haec linguae constat (Bàn về chữ và vần cấu tạo nói tiếng Việt)
Sau
khi luận rằng chữ nôm khó học, có thể có hơn 80.000 tiếng khác
nhau nên khó mà thông thạo hết được, tác giả bàn về các mẫu tự chữ Quốc
ngữ: “Tiếng Bắc kỳ có hết các chữ như tiếng chúng ta, chỉ tiếu có chữ
z.
Thực ra học không có chữ F của chúng ta mà chỉ có chữ ph hay đúng hơn
chữ phỉ Hy Lạp. Tuy vậy chúng tôi có dùng chữ ph cho dễ dàng hơn và tiện
lợi hơn, cần sao tránh được sự hiểu lẫn lộn. Ngoài ra, còn phải trên 4
chữ mới để phát âm mấy tiếng riêng biệt mà trong tiếng Âu Châu không
có. Bốn chữ đó là 2 chữ nguyên âm
ơ và
ư và hay chữ phụ âm
b và
đ”
[25].
Tác
giả lần lượt giải thích các nguyên âm và phụ âm
a, b, c, d, đ, e, f
đúng hơn là ph)
g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, x.
Chương II: De accentubus et aliis signis in vocalibus (Bàn về âm thanh và các dấu của nguyên âm) Tác
giả cho rằng linh hồn của tiếng Việt ta ở các dấu lên xuống và sáu dấu
lên xuống trong tiếng ta như 6 dấu trong nhạc lý Âu châu.
Tác
giả có tiểu xảo đưa ra tiếng Việt tương đương với nốt nhạc để chứng minh
lập luận: dò (pedica) rệ (radix), mi (nomen cojusdam familiae) pha
(miscere) sổ (cathalogus) lá (folium). (…)
Chương III: De Mominibus (bàn về danh từ) Tác
giả chia làm hai hoạt danh từ: một loại thuần tuý là danh từ, không thể
trở nên lại tiếng khác được như: Trời, Đất, Người, một loại vừa có thể
là danh từ, vừa có thể là động từ, tùy phận sự của nó trong câu, như
chèo vừa là cái chèo, vừa là công việc chèo.
Bàn về số ít nhiều của danh từ, tác giả nêu ra ba cách chỉ số nhiều:
Cách thứ nhất là thêm trước danh từ những tiếng như: những, mớ, chúng.
Cách thứ hai là thêm những tiếng tổng hợp như coên (quân), các, mọi, nheo (nhiều), muấm (muốn) hết.
Cách thứ ba là dùng những tiếng chỉ giống chỉ loại như: muâng (muông) chim, cây cối, hoa quả.
Chương IV: De Pronominibus (Bàn về đại từ) Tác giả xác nhận tính cách phong phú và phiền phức của các đại từ Việt Nam và giải thích từng đại từ.
Chương V: De adjectibus (Bàn về trạng từ)
Chương VI: De verbis (Bàn về động từ).
Chương VII: De reliquis orationis partibus indeclinabilibus (Bàn về những loại tiếng không có dạng)
Chương VIII: De praecepta quaedam ad syntaxim pertinentia (Bàn về nguyên tắc liên quan đến cú pháp).
Tác giả nêu tám nguyên tắc:
Nguyên tắc 1: Chủ từ phải đi trước phải đi trước động từ, nếu không, chủ từ không còn là chủ từ nữa. Thí dụ:
Mầy cười
Cười mầy
Nguyên tắc 2: Danh từ nào đi theo động từ thì là túc từ của động từ ấy. Thí dụ:
Tôi mến Chúa.
Chúa mến tôi.
Nguyên tắc 3: Tiếng chủ động phải đặt trước tiếng trạng từ giúp nghĩa cho nó. Thí dụ:
Chúa cả, thằng nhỏ.
Nguyên tắc này cũng có trường hợp ngoại lệ. Thí dụ:
Cả lào (cả lòng), cả gan.
Nguyên tắc 4: Hai danh từ đặt liền nhau thì danh từ thứ hai là túc từ cho danh từ thứ nhất: Thí dụ:
Chúa nhà.
Nhà Chúa.
Nguyên
tắc 5: Trạng từ thường có ý nghĩa một động từ vì thế thường không cần
phải dùng đến động từ, nhất là khi trước trạng từ còn có một tiếng chỉ
định rõ ràng. Thí dụ:
Núi nầy cao
Thằng ấy lành.
Áo này cũ.
Mlời Chúa thật.
Nguyên
tắc 6: Tiếng Việt ít dùng liên từ, bỏ đi thì lời nói trở nên văn hoa
hơn. Thí dụ như câu: kẻ có đạo thì thức sớm đaọc (đọc) kinh, lần hột, đi
xem lễ, thí của cho kẻ khó, làm phúc…
Nguyên tắc 7: Phải lập lại động từ trước từng động từ một. Thí dụ:
Tôi lạy thầy, tôi bởi làng mà đến, tôi đã nhaọc (nhọc), tôi xin xưng tội, tôi xin chịu mình Chúa.
Nguyên
tắc 8: Có những tiếng Việt có vẻ sang trọng đài các khó có thể dịch ra
bằng một tiếng ngoại ngữ, chẳng hạn tiếng thì vừa đề chỉ nguyên nhân (có
muấn (muốn) thì làm), vừa để chỉ tính cách đối lập (có kẻ thì lành, có
kẻ thì dữ) (Theo Thanh Lãng, sđd, trang 55-56 ).
Cuốn Văn phạm
Việt ngữ là một tài liệu về hệ thống phiên âm Việt ngữ phôi thai và
chứng tỏ tác giả hiểu rõ đặt điểm âm thanh và cú pháp của tiếng Việt.
B- Phép Giảng Tám Ngày, chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác
Phép Giảng Tám Ngày Tác
phẩm này do Thánh bộ Truyền giáo ấn hành tại nhà in của Thánh bộ tại
Rôma năm 1651 nhan đề là: Cathechismus pro illo qui volunt sulcipere
baptisnum in octo dies divisus. Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muốn chịu
phép rửa tội mà bèao (vào) đạo thánh đức Chúa Blời.
Sách dày
324 trang khổ 17 x 23 in bằng hai thứ tiếng song song, bên trái là La
ngữ, bên phải là Việt ngữ. Để tiện việc so sánh, tác giả ghi mẫu tự theo
thứ tự từ a đến z trước mỗi câu La ngữ và Việt ngữ tương đương.
Theo
hiện tình nghiên cứu, chúng ta không biết ấn bản đầu tiên gồm bao nhiêu
cuốn cũng như không rõ sách có được tái bản hay không. Có điều chắc
chắn là cuốn phép giảng tám ngày được sao chép rất nhiều hoặc bằng chữ
quốc ngữ hoặc bằng chữ nôm, và được phiên dịch ra tiếng Thái Lan và
tiếng Pháp.
Chúng ta không rõ sách được soạn thảo năm nào, chỉ
biết rằng năm 1649 khi về đến Rôma, tác giả đã dự liệu xuất bản cuốn
Phép giảng tám ngày, cuốn Tự điển Việt-Bồ-La và Văn phạm Việt ngữ.
Nguyễn Khắc Xuyên ức đoán rằng cuốn Phép giảng tám ngày “đã được biên
soạn hay khởi thảo từ những năm 1627 - 1629” (Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ
A-lịch-sơn Đắc-lộ với chữ quốc-ngữ bđd, trang 97). Điều có thể tin
được là sách này được soạn thảo trong kinh nghiệm truyền giáo, sao chép
tay bằng chữ quốc ngữ hay chữ nôm để thông dụng trong các giáo đoàn, sau
này được tác giả tăng bổ trước khi ấn hành năm 1651.
Theo sự
nghiên cứu của André Marillier, “bản văn La ngữ của cuốn Phép giảng tám
ngày không phải là quá đơn giản sơ lược, cũng không phải là theo cú pháp
cổ điển: nhiều lúc chỉ là phiên dịch thẳng từ câu văn Việt ngữ” (Xem
tái bản của Tinh Việt xuất bản, Sài Gòn, 1961. Chúng ta hãy lưu ý đến
lối chính tả đương thời, đặc biệt về lối viết hoa các vế các nhận định).
Cũng như tác giả đã thêm phần chú giải La ngữ trong cuốn Tự điển theo
lệnh của các đức hồng y, tác giả đã phụ thêm thoại La ngữ để cuốn Phép
giảng tám ngày giúp ích cho các thừa sai.
Sách chia làm tám ngày
như nhan đề đã nói rõ, mỗi ngày là một chương, không ghi đại mục và
tiểu mục. Trong khi sao lục để tái bản, Andre Marillier có dựa vào
nguyên tác để đặt đại mục và tiểu mục (Xem tái bản của Tinh Việt xuất
bản, Sài Gòn, 1961. Chúng ta hãy lưu ý đến lối chính tả đương thời, đặc
biệt về lối viết hoa các vế của nhân danh) giúp ta thấy rõ bố cục toàn
sách và toàn chương như sau:
Ngày thứ nhất: “Đạo thánh đức Chúa Trời”
- Đời này, đời sau
- Trời và đức Chúa Trời
- Ba đấng bề trên
- Ba đấng thưởng phạt
- Đạo Chúa không phải đạo Pha lang
Ngày thứ hai: Đức Chúa trời
- Đức Chúa trời là cội rễ đầu
- … chứ không phải loài người
- cũng không phải một thể chất nào
- Cội rễ đầu là đấng thế nào?
- Ba loài như bậc thang
- Phép tắc vô cùng
- Tính vô cùng
- Hằng sống vô cùng
- Lòng lành vô cùng
- Công bằng vô cùng
- Ta phải đối lại thế nào với những sự trọn lành của Chúa.
Ngày thứ ba: Đức thợ cả
- Ngày thứ nhất: chín đấng Thiên thần
- Lucifer và đức thánh Michael
- Năm ngày sau
- Loài người: ông Adam
- Bà Eva
- Ngày thứ bảy
- Trong vườn vui vẻ
- Tổ tông phạm tội.
Ngày thứ tư: Những đạo vạy
- Con cháu ông Adam
- Ông Noe và lụt cả
- Tháp Babel
- Nước Đại minh phân ra nhiều đạo vậy
- Đạo bụt: giáo ngoài và giáo trong
- Đạo Lão
- Đạo Nho: Việc thờ ông Khổng
- Những sự dối trá của Thích ca về linh hồn ta
- Những điều lầm lỗi trong việc thờ cúng cha mẹ
- Linh hồn ta chẳng hay chết
Ngày thứ năm: Một đức Chúa Trời Ba Ngôi–Đức Chúa trời ra đời cứu thế.
- Sáng siêu nhiệm [26]
- Một Đức Chúa Trời ba ngôi
- Đức Chúa Trời ra đời cứu thế
- Đức bà Maria đồng thân
- Thiên thần truyền tin
- Đức Mẹ Chúa Trời
- Đức Mẹ viếng bà thánh Elisabeth
- Ông thánh Joseph định để bạn mình
- Đức Chúa Jesus sinh đẻ ở Bethléem
- Đức Mẹ vẫn còn đồng thân
- Kẻ chăn chiên đến thờ lạy.
- Ba vua dâng cúng của lễ.
- Lạy ảnh tượng Đức Mẹ và đức Chúa Con.
Ngày thứ sáu: Thầy thuốc cả
- Chúa Jesu tại Nazareth
- Chúa Jesu giảng đạo “gratia”.
- Chúa Jesu làm nhiều phép lạ
- Phép lạ đầu hết ở Cana
- Phép lạ bắt cá
- Chúa Jesu làm cho bánh ra nhiều
- Người đàn bà tật huyết
- Con gái ông câu đàng nhà thánh.
- Con trai bà góa
- Chúa Jesu bỏ mình là Đức Chúa Trời
- Người Seribae và Pharisaei ghen ghét chúa Jesu
- Người đau nặng đến ngày thứ bảy
- Người liệt chân tay
- Người tối mắt từ thủa mới sinh
- Chúa Jesu biến hình
- Ông Lazaro sống lại
- Người Iudaeo lo toan giết Chúa Jesu
Ngày thứ bảy: con chiên lành và chó sói dữ
- Thằng Juda nộp Chúa Jesu cho oan gia
- Quân dữ đến bắt Chúa Jesu
- Đến thày cả Caipha
- Trước quan tòa Pontio Pilato
- Lên núi Calvaria
- Chúa Jesu bị đóng đanh
- Chúa Jesu linh hồn ra khỏi xác
- Trước ảnh Chúa Jesu bị đóng đanh
- Viếng địa ngục “limbo”
- Chúa Jesu trong mả
- Chúa Jesu sống lại
- Hiện ra cùng đầy tớ
- Chúa Jesu lên trời
- Chúa Spirito Sancto hiện xuống
- Dân Jerusalem tan hoang
Ngày thứ tám: Mười bậc thang lên thiên đàng
- Phán xét chung
- Những dấu hiện báo trước
- Mọi người đều sống lại
- Chúa Jesu lại xuống thế phán xét
- Lên thiên đàng hay xuống địa ngục
- Mười điều răn
- Lời răn thứ nhất
- Lời răn thứ hai
- Lời răn thứ ba
- Lời răn thứ tư
- Lời răn thứ năm
- Lời răn thứ sáu
- Lời răn thứ bảy
- Lời răn thứ tám
- Lời răn thứ chín và thứ mười
- Dọn mình chịu phép rửa tội
- Những điều trở ngại.”
Qua
sự phân tích trên đây, chúng ta thấy bố cục của cuốn Phép giảng tám
ngày rất chặt chẽ, nội dung cốt trình bày giáo lý trong màu sắc minh
giáo, thích hợp với văn hóa và xã hội Việt Nam trong tiền bán thế kỷ
XVII.
***
Với
ba tác phẩm này, chữ quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi
sáng tác. Một nền văn học công giáo bằng chữ quốc ngữ chính thức bắt
đầu với giáo sĩ Alexandre de Rhodes[27]. C- Một nền Vvăn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes”: Địa vị của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong văn học. Chúng tôi xin chia ra 2 tiểu mục chính:
I. GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES VÀ CÔNG TRÌNH HOÀN THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ[28] Khi Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đến Việt Nam năm 1625 công việc La Mã hoá chữ Quốc ngữ đã bắt đầu
[29] nhờ ảnh hưởng của các công trình La Mã hoá Nhật ngữ và phiên âm Hoa ngữ
[30].
Hoàn
cảnh khách quan thúc đẩy Giáo sĩ Alexandre de Rhodes theo dõi phong
trào, và nhờ khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, giáo sĩ đã hoàn thành việc
sáng chế chữ quốc ngữ một cách tốt đẹp.
1- Khả năng đa ngữ Như đã trình bày trong phần tiểu sử
[31],
lúc đặt chân lên đất Ấn Độ, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã thông thạo 3
ngôn ngữ cổ và 3 sinh ngữ thông dụng, 3 ngôn ngữ cổ là tiếng Dothái,
tiếng Hylạp, tiếng Latinh. Ba sinh ngữ thông dụng là tiếng Pháp, tiếng Ý
là tiếng nói trong thủ đô Giáo hội Rôma, tiếng Bồ là tiếng phổ thông
trong đế quốc Đồ Đào Nha.
Vừa đến Goa, giáo sĩ bắt đầu học tiếng
bổn xứ, và chỉ trong 3 tháng giáo sĩ đã có thể giao thiệp và giảng dạy
bằng tiếng canarin (Xem Alexandre de Rhodes, Divers voyages et Missions…
Lille 1854).
Đến Áo Môn, giáo sĩ bắt đầu tiếp xúc với chữ Hán
và bắt đầu học chữ Nhật vì giáo sĩ được chỉ định đến truyền giáo ở Nhật
Bản. Theo Nguyễn Khắc Xuyên (Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ A-lịch-sơn Đắc
Lộ với chữ Quốc ngữ, bđd, trang 94) “mặc dù giáo sĩ có lẽ không viết
được Hán tự, song ngài có thể tạm nói được tiếng Trung Hoa (và có lẽ cả
tiếng Nhật). Tắt một lời, trong cuốn Văn phạm…, ngài đã có lần so sánh
các âm vận Nhật ngữ.”
Nhưng ý Chúa Quan Phòng lại đưa Giáo sĩ
Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong và giáo sĩ có dịp học hỏi Việt ngữ.
Giáo sĩ thú nhận: “Vừa tới miền Nam và nghe người bản xứ nói với nhau,
nhất là phụ nữ, thì tôi tưởng như được nghe chim líu lo hót, đồng thời
tôi tưởng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó.”
[32] Nhưng
đó chỉ là cảm tưởng đầu tiên. Sau 6 tháng học hỏi nhờ một thanh niên
Việt Nam và nhất là nhờ Giáo sĩ Francesco de Pina, giáo sĩ đã có thể
giao thiệp, giảng dạy bằng tiếng Việt.
Sai hai năm ở Đàng Trong,
giáo sĩ lại được phải ra Đàng Ngoài nên Giáo sĩ có cơ hội so sánh cách
phát âm ở hai miền. Từ năm 1630 đến 1640, giáo sĩ làm giáo sư thần học ở
Áo Môn. Đây là thời gian thuận tiện cho giáo sĩ nghiên cứu thêm về chữ
quốc ngữ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng khi trở lại Đàng Trong năm
1649 để thay thế giáo sĩ Buzomi, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã khởi
thảo các tác phẩm chữ Quốc ngữ. Tiếc rằng chúng ta chưa tìm ra tài liệu
để hiểu biết về bảo thảo hay tiền thân của các tác phẩm in năm 1651.
2) Hệ thống mẫu tự phiên âm Qua
ba tác phẩm chữ quốc ngữ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, chúng ta một
hệ thống mẫu tự, phiên âm gần như là hoàn toàn, không khác hệ thống
thông dụng hiện nay bao nhiêu.
a) Về nguyên âm, Alexandre de Rhodes dùng nguyên âm đơn, nguyên âm kép và nguyên âm ba.
Nguyên âm đơn:
a ă â e ê i o ô ơ u ơ.
Nguyên âm kép: ai ay ao au âu
eo êu
ia iê io iơ iu iư
oa oe oi ôi ơ
ua uâ ui uy uô uơ ưa ưi ươ ưu
Nguyên âm ba: iai iay iây
iao iau iây
ieo iêu
ioi iôi iơi
iơũ
(iua) iưa iơu iuô
Oai uay uây
uie uây
ươi ưởru.
Chúng
ta nhận thấy trước Alexandre de Rhodes chưa có nguyên âm ba, và với
Alexandre de Rhodes chỉ còn thiếu nguyên âm ba iua, nhưng lại thừa
nguyên âm ba iơũ còn uyê thì viết uiê (nguiên = nguyên)
b) Về
phụ âm: giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng những phụ âm đơn như:
b, c, d,
đ, g, h, k, l, m, n, q, r, s, t, x, và những phụ âm kép như:
bl, ch, gh,
kh, ml, ng, ngh, nh, ph, th, tl.
Chúng ta nhận thấy thiếu phụ âm v và các phụ âm kép bl, ml, tl ngày nay không còn thông dụng nữa.
c) Về dấu chữ: Giáo
sĩ Alexandre de Rhodes dùng đủ các dấu trên chữ I dấu mũ (^), dấu râu
như các chữ ơ, ư dấu (‿) trên các chữ ă và chủ trương bỏ hẵn dấu hai
chấm trên chữ i.
d) Về dấu giọng: giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng đủ các dấu sắc hỏi nặng ngã huyền.
3. Đối chiếu chữ quốc ngữ theo Giáo sĩ Alexandre de Rhodes với chữ quốc ngữ ngày nay.
Đối chiếu với chữ quốc ngữ ngày nay, chữ quốc ngữ theo Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có một số điểm dị biệt
a) Theo Phép Giảng Tám Ngày -
ă không dùng đúng chỗ, khi không cần lại xuất hiện (như hăọc thay vì
học, nhăọc thay vì nhọc) khi đáng dùng ă lại viết là a (như bàng thay vì
băng, mạt hay vì mặt).
- ǒ (có dấu ngửa như ă) thường dùng trước nguyên âm như a hoặc u (như đoạn thì viết là đǒạn, địa ngục thì viết là địa ngǒục).
- ê thường dùng thay cho â (như lấy thì viết là lếy, đất thì bệt là đết).
- â thường thay cho ô (như muốn thì viết là muấn, nhường thì viết là nhưăng)
-
dấu ͂ (tilde) dùng để thay cho ng cuối một chữ (như cũng thì viết là
cũ, ông thì viết là ôũ: tuy nhiên có nhiều chữ vẫn viết với ng như
chẳng, chưng).
- ao thường thay cho o (trong aõ thay cho ong, lòng thì viết là laõ, đóng thì viết là đảõ, song thì viết là saõ).
- ou thường thay cho ô trong oũ thay cho ông (như sống thì viết là sóũ, đồng thì viết lã đòũ, không thì viết là khoũ).
-
Chữ “Bêta” Hy Lạp (tạm ghi là bv theo Hoàng Xuân Hãn) dùng thay cho v
(như vua thì viết là bvua, vào thì viết bvèao, vui vẻ thì viết là bvui
bvẻ).
- C nhiều khi thay cho q (như quên thì viết là cuên, quyền
thì viết là cuyền; tuy nhiên chữ q có lúc vẫn đúng như ngày nay: quan,
quỉ).
- Bl dùng thay cho tr, gl hay l (như blời thay vì trời, giời, lời; blái thay vì trái, lái).
- ml thay vì nh hoặc l (như mle thay vì nhẽ hay lẽ; mlớ thay vì nhớn hay lớn).
- tl dùng thay vì tr (như tlước thay vì trước, tlâu thay vì trâu).
- i dùng thay vì y (như nguyên thì viết nguiên).
-
Nhiều tiếng được phiên âm theo thổ âm như nhất, nhứt thì viết là nhít;
nhân, nhơn thì viết là nhin; rất thì viết là rứt: gửi, gởi thì viết là
gưởi; nhiêu thì viết là nhêu; vâng thì viết là bvưng.
b) Theo Tự điển Việt-Bồ-La -
ă vẫn thông dụng trong cuốn Tự diện như đọc thì viết là đăọc, móc thì
viết là măóc, sách thì viết là sắch. Nhưng một vài nơi, cuốn tự điển đã
phiên âm như ngày nay (như chữ ngọc, tự điển ghi: hãy coi chữ ngăọc, về
chữ răọc – răọc, hãy coi chữ rọc - rọc).
- e không còn dùng nữa (chữ e có chữ ngửa như chữ ă) (như da ghi hãy coi dea, dài ghi hãy coi dàei).
-
o vẫn còn được duy trì như (chữ o có chữ ngửa như chữ ă) hoa, khoa… Tuy
nhiên có một vài sự thay đổi (như về chữ tục thì ghi hãy coi toục, ngục
thì ghi hãy coi ngoục).
- ê thường được thay thế bằng chữ â trong rất nhiều chữ đầy thay đềy, đấy thay đếy, đây thay đêy…
-
â đã được thay thế bằng ô như ruồi = ruầi, nuôi = nuâi và trâ cũng đã
được thay thế bằng ươ (như phương = phưâng cường = cưầng, cưới = cuấi).
-
Dấu ͂ (tilde) vẫn còn thông dụng. Tuy nhiên ng đã thay thế dấu tilde
trong nhiều chữ như về chữ rụng thì ghi hãy coi chữ rũ, xũ thì ghi hãy
coi chữ xung.
- ao thì vẫn dùng tay cho o.
- ou vẫn dùng thay cho ô.
-
Chữ Bêta Hy Lạp (tạm ghi là bv theo Hoàng Xuân Hãn) đã có sự thay đổi
(như bvấn = vấn, = bvạt = vạt, bvơ = vơ…) Đó là những chữ có ghi ở mục
bêta. Đến mục v hoặc u (trong cuốn tự điển thực ra không chữ v song chữ u
vừa là chữ u thay cho v, chúng ta thấy nhiều chữ bắt đầu bằng phụ âm
v).
- Nhiều chữ c đã thay đế bằng q như quên = cuên, quen = cuen, quiên = cuiên, quơn = cuơn, quăn = cưăn…).
- Bl vẫn còn dùng như blá (trá), blả (trả), blúc blắc (lúc lắc), blai (trai, glai, lai), blái (trải, giải).
-
Ml đã được thay thế trong nhiều trường hợp theo cách phát âm ngày nay,
như mlạt = nhạt (lạt), mlỡ = lỡ (nhỡ) mlầm = lầm, mlớn = lớn (nhớn).
Tl
vẫn được dùng nhưng tr đã xuất hiện. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã
chú: “Tla có người đọc là tra, nghĩa là đổi l thành r và trong những chữ
tiếp sau đây cũng đều như vậy cả.”
[33] c) Theo Văn phạm Việt ngữ -
Chữ v như ngày nay chưa có. Tác giả nói người Việt Nam có hai chữ b và
giải thích như sau: “Một chữ giống như chữ b của chúng ta (tức người Tây
Phương) chẳng hạn như ba, tức con số 3, tuy vậy nó cũng không giống hẳn
chữ b của chúng ta. Khi đọc chữ đó không được thở ra phải hít khí vào
cũng giống như người muốn đọc chữ m, rồi sau mới phát hơn ra. Chữ b thứ
hai đọc hầu giống như đọc chữ bêta Hy Lạp chẳng hạn như khi đọc tiếng
bèao (vào). Thực ra nó cũng không giống hẳn chữ v của chúng ta vì khi
đọc nó không nên hít mạnh lắm, mà chỉ cần mở môi ra như kiểu đọc của
người Do Thái chứ không đọc bằng răng.”
[34] - Ngoài
chữ l đọc như ngày nay, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ghi nhận ở Đàng
Ngoài “còn có chữ l đọc mềm, chen giữa các phục âm khác như blả (lả =
trả); có một miền đọc b ra t, thí dụ như tlả (trả); người ta cũng còn
dùng l sau m, thì dụ mlẽ (lẽ), đôi khi dùng l sau p, thí dụ plăn (lăn)
nhưng cũng có nơi dùng làn thay vì plàn. Còn việc dùng l sau t thì rất
thông dụng, thí dụ tla (tra), tle (tre)”
[35].
4. Nhận định về lối phiên âm và chữ viết Quốc ngữ của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes Khảo sát chung về công trình ngữ học của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, chúng ta có thể đưa ra những nhận định sau đây:
Nhận định thứ nhất là Giáo sĩ Alexandre de Rhodes hòa hai khuynh hướng bảo tồn và canh tân trong tinh thần tôn trọng đặc tính Việt Ngữ.
Là
người tiếp tục công trình phiên âm, giáo sĩ tôn trọng và bảo tồn những
thói quen hợp lý về cách phiên âm. Trong khi bàn về lý do chọn phụ âm ph
thay vì f, giáo sĩ tuyên bố theo thói quen và giải thích ph đúng hơn f:
“F hay đúng hơn ph, vì khi đọc nó không cần phải tách biệt hai môi như
đọc chữ f của chúng ta. Thực ra khi đọc chữ đó, môi chỉ giề ra rất ít và
thở rất nhẹ: ở trong tự điển, chúng tôi không dùng chữ f mà sẽ chỉ dùng
chữ ph vì các sách đã chép đều quen dùng như vậy”
[36]. Một
nơi khác, khi bàn về những vần ghép gia, giu, giơ, giư đọc như tiếng Ý
(theo giáo sĩ, chứ thật ra không thể đọc như tiếng Ý được), giáo sĩ
viết: “Như thể vừa tiện lợi, vừa hợp với thói quen đã dùng trong các
sách”
[37].
Đành rằng cần phải tôn trọng những thói
quen nhưng sự canh tân cũng có những lý do chánh đáng, cho nên giáo sĩ
đã bỏ thói quen dùng hai chấm trên chữ y, trên chữ a hay chữ o, trong
các vần au, ao để tránh những phiền phức vô lý. Nếu chúng ta so sánh
cách phiên âm của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes với cách phiên âm đã có từ
đời trước, chúng ta sẽ nhận thấy những cải cách hợp lý như thêm nguyên
âm, thêm phụ âm, thêm dấu chữ và dấu giọng.
Nhận định thứ hai là
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tôn trọng cách phát âm của thời đại và của
địa phương trong khi vẫn ý thức về sự thống nhất của Việt ngữ trong toàn
quốc.
- Lếy (lấy) đết (đất) là ghi theo giọng đọc đặc biệt của
vùng Nam Ngãi thuộc Đàng Trong còn tlâu (trâu) tlộm (trộm) là viết theo
lối phiên âm của một đôi miền ở Đàng Ngoài.
- Bvua (vua), bvui vẻ (vui vẻ) ghi với bêta Hy Lạp, mlạt (nhạt) mlỡ (lỡ) là viết theo cách đọc thông dụng của thời đại.
Về mặt lịch sử địa lý ngôn ngữ học, các sách của giáo sĩ Alexandre de Rhodes là chứng tích giúp ích cho rất nhiều nhà khảo cổ.
Nhận định thứ ba
là giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã làm việc với tinh thần khách quan cần
thiết của một nhà ngôn ngữ học. Nếu trong Phép giảng tám ngày, giáo sĩ
phải viết theo một lối phiên âm nhứt định, trong Văn phạm Việt ngữ và Tự
điển Việt Bồ La giáo sĩ cẩn thận giải thích các lối phát âm và đối
chiếu những lỗi viết khác nhau.
Nhận định thứ tư là giáo sĩ
Alexandre de Rhodes, với khả năng đa ngữ, đã biết vận dụng ký hiệu của
nhiều ngôn ngữ để phiên âm Việt ngữ một cách tinh tưởng xác đáng.
Về dấu giọng. các dấu sắc huyền ngã lấy trong tiếng Hy Lạp dấu nặng lấy ở chữ iota dưới, dấu hỏi lấy trong chấm hỏi La ngữ.
Các âm vận cũng được ghi theo ký hiệu thích ứng nhất thí dụ như:
Q đọc như tiếng Latinh trong qua, quỉ.
A thì đọc như tiếng Bồ hoặc Sc của tiếng Ý.
R không đọc như tiếng Bồ song đơc như tiếng Ý.
Ph đọc như chữ phi trong tiếng Hylạp.
Ng đọc như ngăin của tiếng Do Thái.
Nguyễn
Khắc Xuyên đã nhận xét rất tinh tường về sự phiên âm Việt ngữ của
Alexandre de Rhodes: “Tác giả không trói buộc mình vào một hệ thống nào
riêng biệt, một ngôn ngữ nào đọc tôn, trái lại căn cứ vào cách phát âm
đặc biệt của Việt ngữ, ngài đã tìm trong hết các ngôn ngữ cùa ngài đã
biết ngõ hầu ghi cho xác đàng. Nếu tiếng này, không phù hợp, thì ngài
dùng đến tiếng kia, nếu âm vận ngôn ngữ này xem ra phiền toái thì ngài
không ngần ngại cầu cứu đến ngôn ngữ khác, mặc dầu ngôn ngữ ấy không
phải ngôn ngữ riêng của ngài, tiếng mẹ đẻ của ngài. Quả thật, con người
quốc tế, tinh thần quốc tế của ngài đã giúp ngài rất nhiều và vì thế
công cuộc đã thành tựu và (…) sẽ thành tựu lâu bền”
[38] II. GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES VÀ SỰ HÌNH THÀNH NGÔN NGỮ CÔNG GIÁO VIỆT NAM[39] Qua
cuốn Văn phạm Việt ngữ, chúng ta thấy Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã
thấu triệt những nguyên tắc căn bản của cú pháp Việt Nam. Trong cuốn
Phép Giảng Tám Ngày, giáo sĩ đã ứng dụng những nguyên tắc ấy vào việc
sáng tác và nhờ đó, ngôn ngữ công giáo Việt Nam được xây dụng trên căn
bản ngữ học và thần học vững chắc.
Chúng ta sẽ lần lượt nhận định về giá trị ngữ học, văn học, và thần học của cuốn Phép Giảng Tám Ngày.
1) Giá trị ngữ học Ngôn
ngữ Công giáo trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày chứng tỏ tác giả vừa tôn
trọng vừa cải tiếng những phương thức sáng chế của người đương thời.
Đặc điểm thứ nhất
là tác giả chú trọng đến sự diễn đạt trọn vẹn và đầy đủ những yếu tính
của đạo Công giáo đến độ nhiều khi phải hy sinh tính chất nhã thuần hay
để làm nổi bật nội dung sâu sắc. Tác giả đã dùng lối phiên âm và lối
trực dụng từ ngữ La tinh vì chưa tìm ra từ ngữ Việt ngữ tương đương.
Thập giá còn ghi là cây Crux, bí tích là sacramento, Chúa Thánh Thần là
Spirito santo, kính mừng là ave, ơn nghĩa Chúa là gratia… Về những danh
từ riêng, phương pháp này có thể chấp nhận, nhưng về những danh từ
chung, phương thức nào tạo nên những từ ngữ lai căn khó nghe.
Đặc điểm thứ hai
là tác giả sáng tạo được một số danh từ mới, vừa có tính cách Việt Nam,
vừa diễn tả chính xác nội dung của danh từ La tinh tương đương. Đạo
công giáo được mệnh danh là đạo thánh đức Chúa Trời. Về sứ mạng của đức
Chúa Con, tác giả dùng các động từ giản dị mà thâm thúy như chuộc tội,
ra đời, cứu thế. Về Đức Mẹ, tác giả ca tụng là Đức Chúa Bà, Đức Mẹ đồng
thân. Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Đặc điểm thứ ba
là tác giả đã rửa tội một số danh từ tôn giáo sẵn có của dân tộc và
giải thích theo tin lý Công giáo Thiên đàng là thế nào? Tác giả trả lời:
Ai thờ Đức Chúa Trời cho nên, thì được lên Thiên đàng cùng Đức Chúa
Trời “(Ngày thứ nhất) Về địa ngục, tác giả cho rằng thế gian gọi là âm
phủ thì phải, vì chưng là nơi tối tăm mù mịt. (Ngày thứ nhất) tác giả
phân biệt giác hồn, sinh hồn, linh hồn, và dùng linh hồn theo nghĩa Công
giáo. Ăn chay, thờ phương, lỗi nghĩa, phạm đạo là những động từ thông
dụng nhưng hàm súc ý nghĩa Công giáo nhờ văn mạch.
2) Giá trị văn học Xét về phương diện thuần túy văn học, chúng ta nhận thấy nghệ thuật đặc biệt của giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Đầu tiên tác giả dụng ý tạo nên một lối văn phổ thông nhưng không kém phần sâu sắc.
Để
mọi giới có thể lĩnh hội được chân lý mặc khải, tác giả không dùng
những lập luận khó hiểu, những kiểu nói cầu kỳ của những thiên đại
luận. Tự nhiên như lúc đàm đạo, thân mật như nói chuyện tâm tình, tác
giả đã nhắm mục địch đánh động người nghe hơn là phô trương sở học. Lần
đầu tiên, văn học Việt Nam vang lên những giáo luận thâm trầm nhưng giản
dị dễ hiểu và khuyên mời đi sâu vào sự tìm hiểu chân lý.
Về kỹ thuật hành văn, tác giả vận dụng những phương tiện bút pháp làm cho tác phẩm mang một sắc thái riêng biệt.
Lối
giải thích của tác giả hấp dẫn, đi từ những hiểu biết sẵn có của người
đọc để dẫn đưa đến những giáo điều. Để các nhà nho hiểu chữ Thiên theo
nghĩa giáo lý công giáo, tác giả dùng tối chiết tự: “Chữ thiên là trời,
giải ra thì có hai chữ, một là chữ nhất, hai là chữ đại, nghĩa là một
cả. Song le ai là một cả, ắt là Đức Chúa trời sinh ra trời đất muôn vật,
thật là một cả: cả và loài người ta thì phải thờ kính đấy, ấy là lẽ
phải.” (Ngày thứ nhất). Danh ngôn Á Đông thích đáng cũng được viện dẫn
đề biện minh cho lập luận, như sinh ký. Tử quy (Ngày thứ nhất).
Lối
cụ thể hóa làm cho vần nghị luận đỡ phần khô khan “làm cho người đọc
không hề cảm thấy mình đang đọc một quyển sách đạo” như lời nhận xét của
Trương Bửu Lâm
[40]. Những hình ảnh và ví dụ làm cho những ý
niệm trừu tượng, khó hiểu được lãnh hội dễ dàng hơn. Mười điều răn, theo
tác giả là mười bậc thang lên thiên đàng (ngày thứ tám). Về mối tương
quan giữa hồn và xác, tác giả đưa ra tương quan chủ tớ: “Linh hồn như
chủ nhà, xác như tôi tớ hay đầy tớ, nó thì phải phục linh hồn như chủ,
vì chưng đầy tớ cùng tôi tớ làm chủ nhà, hay chủ nhà làm tôi tớ thì lộn
lạo cũng chẳng phải lẽ.” (Ngày thứ nhất).
Sử gia viết về văn hóa
Việt Nam còn có thể tìm thấy trong cuốn Phép giảng tám ngày những tài
liệu lịch sử về ngôn ngữ, văn học, phong tục, tổ chức xã hội Việt Nam.
Tác phẩm này, là một di tích lịch sử về trình độ tiến hóa của văn xuôi
quốc âm. Đành rằng câu văn đã mang cá tính tác giả và ảnh hưởng tinh
thần phân tích Tây phương với một lối phân cú rõ ràng, nhưng tác giả đã
tôn trọng những đặc điểm cố hữu của cú pháp Việt Nam. Ngoài ra, tuy
không chủ tâm viết sử, nhưng tác giả vẫn có dịp phác họa một đôi nét về
xã hội Việt Nam thế kỷ XVII. Về tổ chức chính trị, và tế tự trong nước,
tác giả viết: “Đầu năm vua chúa Annam làm phép cả, có đại thần cả và
nước và quân quốc đến cùng thiên hạ đi cùng, ra giao mà tế thượng đế.
Đến khi vua chúa đã tế thượng đế đoạn, thì đại thần cùng kẻ cả trong
nước, cùng cả và thiên hạ thì mới lạy vua chúa trước mặt dân. Thôi đoạn
ai nấy về nhà mà lạy vua chúa trước mặt dân. Thôi đoạn ai nấy về nhà mà
lạy cha mẹ cùng kẻ bề trên mình ông bà ông vãi” (Ngày thứ nhất, trang
21, 22). Về tục đốt vàng mã, tác giả nói đến những người “dùng giấy làm
nhà, cùng áo, tiền vàng bạc và các kỳ sự vẽ, mà cúng cha mẹ” (Ngày thứ
bốn, trang 121). Chúng ta còn có thể sưu tầm trong cuốn Phép giảng tám
ngày nhiều nét chấm phá độc đáo về trình độ sinh hoạt ở nước ta.
3) Giá trị thần học Nhiều học giả đã phát huy giá trị thần học của cuốn Phép Giảng Tám Ngày
[41].
Chúng ta có thể đồng ý với Nguyễn Khắc Xuyên nhận định rằng tác phẩm
của giáo sĩ Alexandre de Rhodes “không phải là một cuốn giáo lý đại
cương, nhưng là sách giáo lý trình bày trong màu sắc minh giáo, thích
hợp cho màu dân tộc, một văn hóa riêng biệt là xã hội Việt Nam vào thế
kỷ XVII” (Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám
Ngày, bđd, LVII
[42]. Và như André Mariller đã xác nhận,
“người ta có thể nhận thấy trong cuốn Phép giảng tám ngày của giáo sĩ
Alexandre de Rhodes một chứng tích của phương pháp giảng dạy giáo lý của
các Cha Dòng Tên ở Á Đông vào thế kỷ XVI-XVII” (André Mariller, Le
Catéchisme du Père, Alexanhdre de Rhodes, bđd, trang XLII).
Thật
ra, nếu chúng ta so sánh với những tác phẩm đông thời ở Trung Hoa và
Nhật Bản, tác phẩm của Alexandre de Rhodes có những đặc điểm rõ rệt.
Chính tác giả đã trình bày phương pháp giảng dạy giáo lý của tác giả trong nhiều tác phẩm khác.
Từ khía cạnh hữu lý của tôn giáo, tác giả đưa các tân tòng vào các mầu nhiệm của Đạo Công giáo.
“Chư
tăng rất hài lòng vì thấy tôi làm cho họ nhận biết sự hòa hợp giữa tôn
giáo và lý trí, và nhất là họ khen ngợi thập điều của Chúa. Họ nhận rằng
không còn có thể nói gì hợp lý hơn nữa, không còn gì đáng cho một Chúa
tể ban bố ra hơn nữa.”
“Phương pháp tôi đem trình bày với họ là
trước hết tôi bàn về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, từ đó tôi làm
chứng có Thượng Đế, rồi sự quan phòng của ngài, và dần dà tôi đưa họ tới
những mầu nhiệm khó hơn.”
“Kinh nghiệm cho hay rằng lối trình
bày giáo lý cho người ngoài Kitô giáo như thể rất bổ ích. Phương pháp đó
tôi đã giải thích suốt trong sách giáo lý mà tôi chia làm tám ngày
trong đó tôi cố gắng bản giải các chân lý chính phải dạy cho người ngoại
quốc.” (Alexandre de Rhodes, Voyages et Mission trang 96, Nguyễn Khắc
Xuyên trích dịch, Đại học số 19, trang 45-46 ).
Nguyễn Khắc
Xuyên có công giới thiệu một đoạn văn khác của chính Alexandre de Rhodes
mà chúng ta có thể xem là bài tựa của cuốn Phép Giảng Tám Ngày.
“Mặc
dầu vẫn còn có những thầy giảng Phúc Âm cho người ngoài ngoài Kitô giáo
chủ trương rằng trước hết hãy hủy diệt những sai lầm của ngoại giáo và
làm cho những kẻ tin theo là thuyết phải chối bỏ, trước khi xây dựng và
giảng dạy những điểm và chân lý của đạo Kitô, chiếu theo thứ tự mà Thiên
Chúa đã giao cho vị tiên tri rằng: “Ta đã đặt ngươi để phá hủy và chối
bỏ, để kiến thiết và vun trồng”. Còn về mầu nhiệm vô cùng cao cả Ba Ngôi
Thiên Chúa, thì chỉ bàn giải cho chầu nhưng một khi học đã sẵn sàng
chịu phép rửa tội, để họ không bị rối trí bởi hồ nghi về mầu nhiệm rất
cao cả và khôn tả đó.”
- “Nhưng với kinh nghiệm tôi đã thu lượm
được thì phải có một lập trường trung dung, tìm một phương pháp giáo
huấn thích hợp cho xứ này.”
“Đó là đừng phản đối những sai lạc
của các giáo phái miền Bắc, trước khi chưa đặt một vài nguyên tắc mà ánh
sáng tự nhiên của lý trí có thể nhận biết được, như việc tạo thành
thiên địa, cứu cánh mà đấng Tối cao, nguyên lý của thụ tạo, đã đặt định
và quy hướng loài thụ sinh có lý trí, có nghĩa vụ thụ sinh phải công
nhận ngài, phụng sự ngài: như vậy là đặt để trong tâm hồn họ một nền
tảng vững chải, trên đó các tin tưởng khác sẽ được dựa vào. Như vậy cũng
là tránh được sự họ phật ý ngay buổi đầu, khi thoạt kỳ thủy, họ nghe
chỉ trích và chế nhạo những sùng kính của họ mặc dầu là sai lạc, cả đến
những ý kiến hợp và nông cạn của họ: đó là điều vẫn xảy ra. Cứ theo điều
tôi đã có thể quan sát, thì tôi càng thành công nếu tôi ấn vào lòng họ
một ít những tâm tình đạo hạnh và tình yêu tự nhiên đối với Đấng Hoá Công và nguyên lý đầu tiên của hiện hữu họ.
“Rồi khi nói đến Lụt Hồng Thuỷ và lộn
xộn ngôn ngữ thì bấy giờ mới cho họ hiểu vì Chúa mà họ phải kính sợ và
tôn thờ, sau đó mới bài bác ngẫu tượng giáo, sai lạc mà chính quỉ ma
cũng chưa có thể đem vào thế gian trước nạn Hồng Thuỷ.”
“Rồi tôi
rất đồng ý với những vị khác rằng không nên trình bày cho lương dân mà
ta muốn chinh phục những mầu nhiệm về Ba Ngôi Cực Thánh, về nhập thể và
về cuộc Thương Khó Con Thiên Chúa, và gieo hạt giống các chân lý trọng
đại trong tâm hồn họ trước khi đã nhổ các sai lầm và dị đoan ngẫu tượng
khác.”
[43] Theo phương pháp trên đây, tác giả đã lợi
dụng những giá trị văn hóa tôn giáo tích cự của dân tộc Việt Nam để
trình bày một giáo lý mới. Một mặt khác, tác giả tuân theo lề lối giảng
đạo cổ truyền của giáo hội là kêu gọi vận dụng lý trí để suy luận nhưng
vẫn đề cao sự phó thác trong nguyện cầu khiêm nhường, trình bày giáo lý
nhưng vẫn thúc đẩy giáo hữu tìm hiểu.
Sau cùng chúng ta cũng nên
xét thái độ của tác giả đối với các tín ngưỡng tôn giáo khác ở Việt
Nam. Tác giả phân tích tinh vi việc thờ kính thần linh, công nhận những
giá trị tích cực của đạo Khổng, thẳng thắn chỉ trích những phong tục dị
đoan. Về Phật giáo và Lão giáo, tác giả tỏ thái độ nghiêm khắc, một đôi
khi có nhiều phán đoán cực đoan.
Về điểm sau này, Nguyễn Khắc
Xuyên nhận xét: “Những phán đoán của Đắc Lộ về các tôn giáo, một phần đã
chịu ảnh hưởng của một khoa thần học bưng bít thế kỷ XVI - XVII. Theo
giáo lý thiếu sót này, (trái với học thuyết cổ truyền, tỉ như của các
giáo phụ Hy Lạp thể kỷ III - IV) thì ngoài Kitô giáo, chỉ có sai lầm về
việc của tà ma quỷ quái trong hết các tôn giáo khác. Chúng tôi không bảo
phán đoán này sai lầm song không hoàn toàn đúng. Đây là một phán đoán
một chiều, đi xa cổ truyền Phúc Âm, các tông đồ và các giáo phụ. Bởi
vậy, có thể nói được rằng các nhà truyền giáo thời xưa chưa được sửa
soạn đầy đủ để tìm hiểu, cảm thông với các tôn giáo khác.”
“Ngày
nay, người Kitô giáo có một thái độ khác với thái độ có thể nói được là
thiếu sót của các nhà truyền giáo thế kỷ XVI – XVII. Các luận điệu quá
gay gắt và “độc đoán” không còn thích hợp và không được công nhận. Đó là
điều phải lẽ.”
[44] Những người ngoài công giáo có
thể chỉ trích một vài phán đoán của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes nhưng
thiết tưởng cần phải đặt cuốn “Phép giảng tám ngày” trong hoàn cảnh lịch
sử, trong khuôn khổ của các khoa thần học và truyền giáo thời đại của
tác giả để tránh mọi sự hiểu lầm có thể có trong hiện tại.
Trong
văn học chữ quốc ngữ nói chung và văn học công giáo Việt Nam nói riêng,
giáo sĩ Alexandre de Rhodes giữ địa vị của một nhà khai sáng tiền
phong. Trong một viễn tượng lịch sử, chúng ta đã nhận thấy giáo sĩ
Alexandre de Rhodes là người đã hoàn tất một sự nghiệp chung của nhiều
thế hệ thừa sai. Nhưng trong công việc hoàn tất ấy, giáo sĩ Alexandre de
Rhodes đã dự phần đóng góp quan trọng. Lịch sử văn học Việt Nam trân
trọng nhắc nhở đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes không chỉ vì các tác phẩm
của giáo sĩ được may mắn ấn loát và lưu truyền, mà chính còn là vì đã
thể hiện những giá trị hiển nhiên, gây nên một phong trào văn học mới ở
nước ta.
CHƯƠNG III
NHẬN ĐỊNH VÀ MỘT SỐ TÁC GIẢ VĂN HỌC KITÔ GIÁO
QUA DÒNG THỜI GIAN TRÊN 200 NĂM
Chúng
tôi rất tâm đắc các nội dung và nhận định vừa trình bày trên, đặc biệt
qua tài liệu “Giáo Sĩ Đắc Lộ và Tác Phẩm Quốc Ngữ Đầu Tiên”, Nguyễn Khắc
Xuyên - Phạm Đình Khiêm. Tái bản trọn cuốn Phép Giảng Tám Ngày của
Alexandre de Rhodes, do André Marillier sao lục, chú thích và lập bảng
tham chiếu. Tinh –Việt Văn Đoàn, Ban Sử học: 232/19 Hiền Vương, Saigon
`961 (Kỷ Niệm Tam Bách Chu Niên) và của tác giả VÕ LONG TÊ, “Lịch sử Văn
học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 222-
258.
A. Nhận định Vì
thời kỳ nghiên cứu của các tác giả trên còn bị hạn chế về tư liệu
nghiên cứu, do đó chúng tôi nghĩ cần bổ sung vào phần trình bày của
chúng tôi một vài nhận định cá nhân, nhất là ghi thêm một số bài nghiên
cứu của các tham luận vừa qua được tổ chức “Hội Thảo Bình Định Bình
Định Với Chữ Quốc Ngữ” tại Tp. Qui-nhơn vào ngày 12-13/01/2016.
Một vài nhận định 1.
Tự điển Việt-Bồ-La được hình thành suốt một quá trình dài lâu. Các vị
giáo sĩ Dòng Tên vì hoàn cảnh đặc biệt không thể truyền giáo tại nước
Nhật, nên chuyển địa bàn truyền giáo đến xứ Đàng Trong đất Đại Việt
(Việt Nam ngày nay) vào năm 1615 và những năm kế tiếp. Các ngài mang sứ
mệnh truyền giáo, bằng hội nhập văn hoá bản địa, học tiếng và phiên âm
tiếng nói địa phương bằng mẫu tự Latinh. Do đó, bất cứ đi đến đâu, các
ngài canh cánh bên lòng về sứ mạng cao cả đó và thực hiện phương thức
truyền giáo. Dù cư trú tạm thời hay dài lâu như ở Hội An, Thanh Chiêm,
Nước Mặn hoặc các nơi khác thuộc Đàng Trong hay Đàng Ngoài, các ngài vẫn
thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng tiếng Việt Nam qua lối viết
chữ quốc ngữ sao cho mỗi ngày hiệu năng hơn.
2. Đối tượng được
các thừa sai loan báo Tin Mừng là con người, bất kể họ là ai, thuộc
thành phần nào trong xã hội Việt Nam. Cụ thể người Việt Nam, lớp sĩ phu,
sư sãi, đặc biệt là thường dân, những con người nghèo : nghèo về tiền
của, nghèo về địa vị xã hội, nghèo về đời sống tâm linh… Do đó, Tự điển
Việt-Bồ-La qui nạp rất nhiều từ mà hằng ngày được người dân sử dụng. Ngữ
pháp được các thừa sai biên soạn lấy mô thức ngữ pháp của Âu châu thịnh
hành lúc bấy giờ bằng phân tích tiếng nói, cách nói của người dân, giữ
lại những đặc thù thuộc nền văn hóa bản địa và thêm vào đó những khía
cạnh mới cho rõ ràng theo một điển ngữ để việc dạy giáo lý của các thừa
sai, các linh mục bản xứ và của các thầy giảng cho chuẩn xác.
Nhờ
Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp và Phép Giảng Tám Ngày một nền Văn học Tôn
giáo Công giáo bắt đầu, được tiếp nối và kiện toàn cho phong phú trong
đời sống giảng dạy như trong các Bí tích, Thánh lễ, kinh sách (kinh mục
lục), Giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, giới trẻ. Quyển “Kinh sách”
(sách mục lục) là quyển văn học nhà đạo lâu đời (sau Phép Giảng Tám
Ngày) và tồn tại đến ngày nay đã dùng khá nhiều từ ngữ trong Tự điển
Viêt-Bồ-La
[45]… Có thể nói trong suốt hơn 200 năm bắt đầu các ấn phẩn đó ra đời (1651), MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẮT ĐẦU VÀ LỚN MẠNH.
3.
Theo sự nghiên cứu của André Marillier, “bản văn La ngữ của cuốn Phép
giảng tám ngày không phải là quá đơn giản sơ lược, cũng không phải là
theo cú pháp cổ điển: nhiều lúc chỉ là phiên dịch thẳng từ câu văn Việt
ngữ”
[46].
Nhưng qua việc phân tích ngữ pháp, cụ thể
là cấu trúc “câu” (mệnh đề) của quyển sách Phép Giảng Tám Ngày, theo
thiển ý chúng tôi thấy rất nhiều đoạn tương xứng song hành giữa câu
Latinh và tiếng Việt nam như:
(câu a)
[47]: Ta cầu
cùng đức Chúa trời giúp sức cho ta biết tỏ tường đạo Chúa là dường nào.
(câu a): Suppliciter petamus ab optimo Coeli Domino ut diuvet nos, ad
hoc ut intelligamus probe legem Domini.
Nếu so sánh nhiều đoạn
trong Phép Giảng Tám Ngày, có những cấu trúc song song giữa 2 bản văn
Latinh và Việt Nam, nên chúng tôi nghĩ bản văn tiếng Latinh là chuẩn mục
có trước để bản văn tiếng Việt hiện hành được dịch hoặc sao chép lại
hay ít nhất có sự đồng thuận tạo ra hai bản văn La và Việt sau khi trao
đổi giữa các thừa sai với nhóm nho sĩ, sư sãi đã tòng giáo, giáo lý viên
về nội dung và câu văn cho tương hợp. Điều này cũng đúng cho các bản
dịch ra các văn bản tiếng khác nhau, như nhận định sau đây: “Theo hiện
tình nghiên cứu, chúng ta không biết ấn bản đầu tiên gồm bao nhiêu cuốn
cũng như không rõ sách có được tái bản hay không. Có điều chắc chắn là
cuốn phép giảng tám ngày được sao chép rất nhiều hoặc bằng chữ quốc ngữ
hoặc bằng chữ nôm, và được phiên dịch ra tiếng Thái Lan và tiếng Pháp.”
[48] Nhận xét về mặt thần học trong “Phép Giảng Tám Ngày” đã được ông Võ Long Tê nhận xét trong tài liệu nghiên cứu của ông
[49]
như chúng tôi vừa trình bày trên. Ở đây chúng tôi thêm một ý dựa trên
chứng lý song song giữa 2 văn bản La - Việt và có một cuộc trao đổi về
nội dung thì một phần về văn học địa phương cũng như tôn giáo có tham
gia tích cực của giới nho sĩ, các tân tòng, cộng đoàn tín hữu nói chung
trong ý hướng thích nghi văn hóa thời đại trọng nho, coi nhẹ Phật giáo.
Nội dung của “Phép Giảng Tám Ngày” đề cao vai trò của vua là thiên tử,
phép nước. Nhưng để giải thích trong nhãn quan nho giáo, “Phép Giảng Tám
Ngày” đã đề cập quan niệm TAM PHỤ và nhiều quan điểm khác nữa. Thật
thế, lối sống thế tục trong một xã hội thời đại đều ảnh hưởng đến đời
sống tâm linh tôn giáo. Nên, vào những thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật có
tinh thần DUNG HỢP các thực hành biểu lộ lòng tin của người dân, đôi khi
pha tạp những nghi thức che mù đạo pháp tinh ròng truyền thống Nhà
Phật. Điều này cũng cần nghiên cứu cho mọi tôn giáo kể cả Ki-tô giáo khi
tiếp nhận yếu tố thế tục trong một thời đại nào đó.
B.
Những người Việt Nam đã giúp sức cho các giáo sĩ Dòng Tên biên soạn chữ
Quốc ngữ và tiếp tục sự nghiệp hình thành nền văn học Công giáo 1.
“Trong một số tác phẩm được xuất bản từ những năm 1960-1970 của mình,
các tác giả Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều đã đề cập đến sự đóng góp của
người Việt cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Đó là những nho sĩ, những sư
sãi, những tân tòng - người mới tòng đạo (Công giáo), mà đặc biệt là
những tân tòng trở thành thầy giảng (đạo). Nhưng tiếc rằng đó đều là
những đóng góp lặng thầm, chìm khuất, ít được các giáo sĩ thời đó nêu
danh tính hay ghi lại cụ thể, ngoại trừ những ghi chép của các giáo sĩ
F.de Pina, Đắc Lộ, C. Borri về công lao của người Việt trong việc bày vẽ
cho họ học tiếng bản xứ. “Các thầy giảng Igesico Văn Tín, Bentô Thiện
với những tác phẩm Quốc ngữ xuất sắc được lưu lại từ năm 1659, đương
nhiên họ đã cùng với các vị giáo sĩ ở cư sở của mình cùng nhau miệt mài
luyện tập chữ Quốc ngữ cũng như học hỏi ngôn ngữ của nhau.”
[50] 2.
Ngoài ra, có nhiều tác phẩm công giáo được phổ biến còn lưu lại đến
ngày hôm nay, trong suốt mấy trăm năm đó được các nhà nghiên cứu đã
trình bày trong cuộc Hội thảo Khoa học tại Qui Nhơn vừa qua, như bài
tham luận “Lịch sử Nghiên cứu về Sự ra đời của chữ Quốc ngữ” của Đặng
Thị Phượng, Viện tự điển học và Bách khoa thư Việt Nam, trong phần đề
cập “Giai đoạn phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ”, có đoạn
viết:
“Sự phát triển của chữ quốc ngữ có thể được gắn với các sự kiện sau:
Thứ
nhất, giai đoạn này có thể tính từ thời điểm thực hiện việc
biên soạn và xuất bản hai cuốn sách: Từ điển Việt Bồ La và
Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes (năm 1636). Sự kiện
xuất bản hai cuốn sách này, là tiếng nói khẳng định bằng văn
bản sự có mặt của tiếng Việt ra thế giới.
Thứ hai,
tám năm sau đã xuất hiện những bản viết tay bằng chữ Quốc ngữ
hai người Việt là Igiesico Văn Tín và Bento Thiện. Đáng chú ý
hơn cả là Tập Lịch sử nước Annam của Bento Thiện.
Thứ
ba, sự phát triển của chữ quốc ngữ gắn liền với những tác
phẩm viết bằng chữ quốc ngữ như: Truyện Tiên du la, Sấm truyền
ca, Phi năng thi tập của Phillippe Phan Văn Minh, tập thơ bằng chữ
quốc ngữ, có một số bài thơ tố cáo người Pháp lợi dụng đạo
công giáo vào mục tiêu chính trị xâm chiếm Việt Nam; tác phẩm
Đại Nam Việt Quốc triều sử ký của tác giả Tân Định 1879, đây
là cuốn sử viết theo lối Tây phương; Văn và Tuồng gồm nhiều bài tuồng.
Truyện
Tiên du la - gồm 12 cuốn với gần 500 tích truyện kể về 500 danh
nhân Công giáo trên thế giới qua mấy ngàn năm lịch sử, cùng
với quá trình hoàn thiện biên soạn cuốn sách thì tiếng Việt
cũng đã có một bước phát triển mới.
Sấm truyền ca là
tác phẩm phỏng dịch 5 tập đầu tiên của bộ Thánh Kinh Cựu ước
của Thầy Cả Lữ Y Đoan thế kỷ XVII (viết năm 1670). Sấm truyền
ca lưu truyền đến ngày nay đã qua nhiều dị bản, nhưng có thể
khẳng định: Tác phẩm Sấm truyền ca đã lĩnh hội nội dung và
tinh thần bản Thánh Kinh Cựu Ước và truyền đạt lại bằng ngôn
ngữ Việt thế kỷ XVII (chữ Quốc ngữ) cô đọng, sáng tạo. Sấm
truyền ca không những giữ được nội dung và tinh thần của tác
giả mà còn thể hiện được văn hoá Việt, hồn Việt vào bản
dịch.
Thứ tư, khi chúng tôi tiến hành tìm hiểu cuốn
sách Về sách báo của người công giáo (thế kỷ XVII-XIX) của
Nguyễn Văn Trung thấy những vấn đề nổi bật.
3/ Bài
nghiên cứu của Thanh Lãng về lịch sử tiếng Việt cho rằng Tiếng
Việt đã được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày của người dân
thường từ cách đây 350 năm (khoảng đầu thế kỷ XVII), tiếng Việt
được dùng để ghi trong các sách kinh đọc tại nhà thờ và
tiếng Việt là thứ tiếng mà người Việt lưu vong tại các nước
Miên, Lào, Thái sử dụng để nói hàng ngày (những người Việt
lưu vong sang Thái Lan vẫn dùng các quyển kinh in bằng tiếng
Việt để đọc hàng ngày, do linh mục người Việt dạy). Lúc đầu
tiếng Việt có số lượng từ rất ít, chỉ là những từ rất đơn
giản, nhưng từ những vốn từ có hạn đó người dân đã vận dụng
“quy luật phú bẩm tự nhiên để sáng tạo thêm những số lượng từ
ngữ mới cần thiết cho sinh hoạt trao đổi, nhất là khi con người
phải tiếp cận với các khoa học mới.”
[51] Nhiều ý kiến đều cho rằng tờ báo Gia Định sử dụng chữ quốc ngữ đầu tiên.
[52] 4/ Philíphê Bỉnh tiếp nối nền văn học nhà đạo trong nhiều lĩnh vực.
[53] Philíphê
Bỉnh sinh năm 1759, quê Hải Dương, thụ phong linh mục năm 1793. Ông
viết và sao chép nhiều sách vở được 20 bộ khác nhau, trong đó có những
cuốn rất có giá trị về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, nhân chủng,
văn học, ngôn ngữ, tiêu biểu như:
1. Quyển nhật trình kim thư khất kinh Chúa giáo (1817)
2. Truyện nhật trình ou Fenad Mendes Pinto (1817)
3. Truyện Annam Đàng Ngoài (1822)
4. Truyện Annam Đàng Trong (1822)
5. Sách sổ sang ghi chép các việc (1822)
Ngoài ra trong bộ sách của Philiphê Bỉnh còn có 4 bộ tự vị:
- Một bộ có vẻ là biên soạn lại bộ tự đển của giáo sĩ Đờ - Rốt, có bổ sung và sửa chữa.
-
Một bộ là mô phỏng cuốn từ điển của Đờ - Rốt, nhưng được sắp xếp theo ý
riêng của Philíphê Bỉnh, không giống với từ đển của Đờ - Rốt và không
có phần Latinh.
- Bộ thứ ba và bốn, một cuốn Bồ - Việt, một cuốn
Việt - Bồ. Cả hai bộ này cách xếp đặt khác cách xếp đặt của hai cuốn
trên. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là hai cuốn từ điển có sớm hơn cả
tự điển của Alexandre - Rhodes biên soạn vào năm 1651, của Pigneau de Béhaine và của Taberd”.
Vài nét về cuốn “Sách sổ sang ghi chép các việc” “Là
một tập Hồi ký, đúng hơn là một tập nhật ký - Sách sổ sang ghi chép các
việc đã được viết vào thế kỷ XVIII và năm 1822 là năm hoàn thành chứ
không phải là bắt đầu thực hiện. Sách dày 628 trang, viết tay bằng một
thứ chữ rất đẹp, sáng sủa, dễ đọc. Tác giả viết liên hồi, không chia
thành chương mục. Tuy là dưới cách viết nhật ký, nhưng cách diễn tả là
để cho người khác đọc chứ không phải cho riêng mình, cho nên ta thấy có
thêm phần mục lục ghi chú từng trang ghi gì. Theo cách diễn đạt thì cuốn
sách này chia làm 3 đề tài: đề tài thứ nhất nói về Dòng Tên; đề tài
thứ hai nói về mình và bạn bè; đề tài thứ ba là những vấn đề linh tinh.
Trong phần mục lục, ông đã viết:
“Tôi là thầy cả Bỉnh làm ở Kẻ
chợ nước Portugal năm 1822 mà chép nhiều sự, cho nên gọi là Sách sổ
sang, sao chẳng có từng đoạn như sách khác, bởi đấy thì tôi chia làm ba
đoạn mục lục, cho dễ tìm, mà ai muốn xem mục nào, thì tìm mục lục thuộc
về đoạn ấy. Mục lục đoạn thứ nhất nói những việc thuộc về Dòng Tên. Mục
lục đoạn thứ hai nói những sự thuộc về tôi cùng các bạn. Mục lục thứ ba
chép các việc khác.
Cuốn sách này của Philíphê Bỉnh cho ta thấy
ông gần như là một nhà văn hoá, một nhà văn, một nhà ngôn ngữ, bằng bút
pháp của lối viết mới cho ta được chứng kiến một xã hội Việt Nam vào
những năm của thế kỷ XVIII.
Khác với những nhà truyền giáo đương
thời chỉ muốn dùng chữ để truyền đạo thuần tuý, trong khi đó Philíphê
Bỉnh vừa làm thơ, làm Tự điển, ông viết Hồi ký kể những chuyên không
liên quan đến tôn giáo, đến đời sống, cho nên có thể nói Sách sổ sang...
của ông là loại sách độc đáo thời kỳ đó chưa ai làm. Hồi ký của ông
không phải là thứ ghi chép linh tinh mà theo một phong cách viết của
phương tây một cách chép léo và khá thành công, ông quan sát tỉ mỹ những
việc xẩy ra quanh mình.
Với lối viết văn xuôi, khác hẳn với lối
viết văn xuôi kiểu Việt - Hán như Lê Quý Đôn mà giống như lối viết của
Trương Vĩnh Ký, ông là nhà văn tả chân đầu tiên.Thực vậy, khi viết văn
ông không có ý chép sử một cách khô khan mà nhằm gây cảm xúc cho người
đọc. Một con người uyên bác biết chữ Nôm, thông thạo chữ Hán, giỏi tiếng
Trung Hoa, Latinh, biết tiếng Bồ Đào Nha để biên soạn tự điển Việt - Bồ trong thời kỳ đó hiếm người đạt được như ông.”
“Ông
không chỉ là nhà truyền giáo nhà ngôn ngữ, nhà văn hoá, mà còn là một
nhà sử học. Trong hai bộ sử “Truyện Annam Đàng Ngoài” và “Truyện An Nam
Đàng Trong” cách viết của ông theo phương pháp chép sử của phương Tây,
ông không chỉ chép chuyện vua chúa. Mà ngay chép sử tôn giáo, ông cũng
không chỉ nói chuyên tôn giáo, ông lồng đời sống tôn giáo vào trong đời
sống trần thế và khi chép truyện đời,ông cũng đều gắn bó với đạo. Ông
chú trọng nhất đến đời sống nhân dân,của quảng đại quần chúng. Ngay khi
chép sử Việt Nam,ông cũng không tách ra khỏi lịch sử chung của nhân
loại; lịch sử Philíphê Bỉnh bao giờ cũng là lịch sử Đông Tây đối
chiếu.Thực vậy, mỗi khi ông viết về một biến cố nào ở Việt Nam, thì ông
so sánh nó với biến cố trong lịch sử Tây phương. Điều quý nhất ở các bộ
sử của Philíphê Bỉnh là hầu hết những điều ông đề cập đến đều không có
trong chính sử Việt Nam, điều này giúp cho các nhà sử học Việt Nam bổ
túc nhiều cho chính sử chưa đề cập đến. Nhiều sự kiện kể trong chính sử,
cũng được ông ghi nhận, điều này giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư
liệu tham khảo, bổ sung cho các công trình của mình.
Tóm lại, các tác phẩm của Philíphê Bỉnh sẽ là kho tư liệu quý giúp cho giới sử học khám phá, so sánh đối chiếu rất có giá trị.”
C. ĐỨC CHA TABERD VÀ TỰ ĐIỂN “Dictionarium Anamitico-Latinum” Vì
tầm quan trọng quyển Tự điển của Đức Cha Taberd (năm 1838) trong văn
học nói chung, của nền văn học công giáo nói riêng, nên chúng tôi xin
ghi lại sau đây nhận định của một số tác giả đã đã nghiên cứu về tiểu sử
tác giả cũng như nội dung của quyển Tự điển.
I. Sơ lược tiểu sử Đức Cha Taberd và Tự vị[54]
Hoàn cảnh xã hội Mấy
năm đầu, vì nể nhiều quan triều, nhứt là ông Tả quan Lê Văn Duyệt, đang
làm Thượng công trấn giữ đất Đồng Nai, và vì vua Gia Long xưa đã đặt
ông này là đỡ đầu Minh Mạng, nên vua chưa dám cấm đạo. Đến khi ông
Thượng công qua đời, không còn ai can gián, vua mới tra tay làm dữ cho
thỏa lòng ghen ghét.
“Vào những năm 1825, 1827, theo lệnh vua
Minh Mạng, các giáo sĩ người Pháp bị đưa về Dinh Cung Quán ở Huế quản
thúc, trong số này có linh mục Taberd; nhưng nhờ tổng trấn Lê Văn Duyệt
can thiệp, nên linh mục được tự do lui về Sài Gòn. Ngày 30-5-1830, tại
Bangkok, Linh mục Taberd được tấn phong làm giám mục, với hiệu toà
Isauropolis, và được lãnh trách nhiệm coi sóc địa phận Đàng Trong, nhưng
vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ ở miền nam chứ không ra ngoài Huế được.
Giám
mục Taberd đang ở Thị Nghè, thì lại bị vua Minh Mạng ra dụ ngày
6-1-1833, triệu về Huế trình diện, nên cùng với ba giáo-sĩ Pháp và mười
lăm chủng sinh ở Lái Thiêu trốn ra khỏi Thị Nghè, qua ngả Châu Đốc, Hà
Tiên, Campuchia, tới Chanthaburi ngày 21-3, rồi tới Bangkok sau hơn một
tháng trời. Hành trình hết sức mệt nhọc.
Tại Bangkok nhà vua
nước Xiêm (Thái Lan) muốn lợi dụng và lôi cuốn giám mục về phía nước
Xiêm để chống lại Việt Nam, nhưng bị từ chối. Để khỏi vướng mắc về chính
trị, mùa hè năm 1834, giám mục trốn xuống Penang, Singapore, rồi sang
xứ Bengale bên Ấn Độ. Nhận thấy không thể trở lại Việt-Nam được, nên
giám mục Taberd đã xin Toà Thánh bổ nhiệm phó giám mục ở Đàng Trong, để
làm việc thay cho mình. Vì thế năm 1835, linh mục Étienne Théodore
Cuénot (tên Việt là Thể) được cử vào chức vụ này. Năm 1838, giám mục
Taberd xin từ chức giám mục Đàng Trong, và được cử làm giám mục ở xứ
Bengale. Cũng năm ấy ngài cho xuất bản tại nhà in J. C. Marshman ở
Serampore cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium
Anamitico-Latinum. Ngài mất tại Calcutta ngày 31-7-1840.
2/ Cuốn
tự vị này được hoàn thành, ít nhất đã có sự cộng tác của chủng sinh
Philiphê Phan Văn Minh, vì khi ông này còn đang học tại đại chủng viện
Penang, đã được giám mục Taberd mời sang Calcutta để cộng tác vào việc
biên soạn. Sau này Phan Văn Minh đã được thụ phong linh mục. Thực ra các
soạn giả đã dùng làm căn bản bổ sung khá rộng cuốn tự vị chép tay
Dictionarium anamitico-Latinum của giám mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa
Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa soạn xong hẳn.
Ngoài cuốn tự vị nổi tiếng đó, giám mục Taberd còn cho xuất bản:
- Tabula geographica imperii annamitici, Bengale, 1838.
-
Documenta rectae rationis, Pondichéry, 1838 (Sách này dùng vào việc
huấn luyện các chủng sinh Việt Nam và Trung Hoa. Sách được tái bản lần
thứ ba tại Hương Cảng năm 1914).
- Giáo lý Đàng Trong, 1838.
(Theo soạn giả Trương Bá Cần dẫn chiếu cuốn Bibliotheca Missionum. Xin
coi: Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau, Tủ sách Đại Kết, 1992, trang 40).
II. Nội dung cuốn Tự vị 1. Phần dẫn nhập và chỉ dẫn Đáng chú ý là phần dẫn nhập và chỉ
dẫn, vì nó cho ta biết thêm về nguồn gốc cuốn tự vị, lại cho ta thấy
soạn giả đã có hiểu biết nhiều về văn học Việt Nam, đồng thời cũng muốn
thông những cái biết ấy cho người khác. Trong phần này số trang được ghi
theo kiểu viết số Rôma. Trong số 46 trang thì trừ 8 trang viết bằng chữ
Quốc ngữ ra, các trang khác đều viết bằng tiếng Latinh cả.
Ngay trong phần dẫn nhập (tr. I-II), soạn giả cho biết cuốn tự vị đã được khởi công do Giám
mục Bá Đa Lộc, tức Pierre Pigneaux de Béhaine, là người thạo tiếng Đàng
Trong. Ta biết vị này còn thạo cả chữ Hán nữa, và còn soạn một cuốn
tự vị Hán-Việt-Latinh, hơn 900 trang, được tàng trữ trong văn khố Hội
Truyền giáo Nước Ngoài tại Paris, và cũng mới do Hội này rọi ảnh cho in
ra vào cuối năm 2001, và cuốn Thánh giáo Yếu lý Quốc ngữ (bản chữ nôm có
bài tựa bằng chữ Hán, đã được in tại Quảng Đông năm 1774, bản chữ quốc
ngữ mẫu tự Latinh thì còn trong văn khố nói trên). Qua bao nhiêu cuộc
binh-đao, sau vụ nhà trường đào tạo chủng sinh Việt Nam ở Cà Mau bị đốt
cháy năm 1778, bản chép tay đã được cứu thoát và đem sang Bengale rồi
được tu bổ và ấn hành.
Mục đích của người làm tự vị này là để
giúp cho những người muốn học tiếng Việt, như các nhà truyền giáo ở
Việt Nam, các thương gia, các khách du lịch, các học sinh Việt Nam và
các học giả muốn tìm hiểu về văn chương Việt Nam.
Nhận xét thứ
nhất của soạn giả là ngôn ngữ nước ta do ngôn ngữ Trung-hoa mà ra. Lý do
là vì cách viết rất giống chữ Hán: một phần thì lấy lại đúng chữ Hán,
một phần thì lấy từ chữ Hán mà chế biến ra. Vì có những cái thay đổi như
thế, cho nên người Tàu đọc chữ Việt (chữ Nôm) không ra, mà người Việt
nói thì họ không hiểu được. Tuy nhiên, soạn giả viết tiếp, chữ Hán được
dùng bên Việt Nam trong các bộ luật và trong các đơn từ, ai muốn được bổ
làm quan thì phải học chữ Hán. Vì thế họ có thể bút đàm được với người
Tàu. Nói tóm lại là người Việt dùng hai thứ ngôn tự: tiếng nói hằng
ngày của người dân và chữ Hán dùng trong giới nhà nho. Soạn giả đưa ra
nhiều ví dụ để giải thích người Việt dùng chữ Hán, có lúc đổi hẳn nghĩa,
có lúc thì đọc trại đi thành ra dăm ba từ ngữ khác. Như thế quả là
soạn giả đã khá hiểu tình trạng tiếng Việt.
Sau những nhận xét
chung, thì trình bày tiếng Việt. Bắt đầu là giảng về âm học, thanh học
và văn phạm Việt Nam. Soạn giả viết thật tỉ mỉ về các chính âm, các
phụ âm đầu và phụ âm cuối, và về cả sáu thanh như tiếng Đàng Ngoài
(tr. III-IX). Có điều đáng chú ý là soạn giả có kể ra hai phụ âm đầu là
bl và ml, trước đây vẫn dùng cho đến đầu thế kỷ XIX, nhưng trong chính
tự vị thì không dùng đến nữa, mà thay bằng hai phụ âm tr và l. Còn về
văn phạm thì viết vắn tắt (trang IX-XII) và viết các phần đoạn theo như
văn phạm Âu châu. Nhưng bù vào đó thì lại có hơn hai chục trang
(XIII-XXXIX) về các phụ từ đặc biệt Việt Nam, dùng để viết cho câu văn
thêm đẹp, hay nói cho đúng ra là để viết cho ra tiếng Việt.
Sau
cùng thì có 8 trang (XXXIX-XLVI) dạy rất tỉ mỉ về cách làm thơ: thơ lục
bát, thơ Đường thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn, và về cách làm phú và
làm văn tế, với các câu đối, biền ngẫu đúng phép. Những trang này thì
viết bằng tiếng Việt, vì thực ra nếu không thông thạo tiếng Việt thì khó
mà lãnh hội được. Tất cả đều có những bài mẫu được dịch ra tiếng
Latinh. Độc giả có thể căn cứ vào đó mà hiểu được những cái đặc sắc
tế nhị của tiếng Việt.”
2. Phần chính 2.1.
Phần chính của cuốn tự vị gồm 620 trang, mỗi trang chia ra làm 2 cột.
Các chữ trong tự vị được xếp theo thứ tự A, B, C của mẫu tự Latinh,
nhưng mỗi từ ngữ đều được viết bằng chữ Nôm trước, viết theo mẫu tự
Latinh sau, rồi dịch nghĩa ra tiếng Latinh. Tiếp sau đó thì chua thêm
những kiểu nói bắt đầu bằng chữ đó. Cũng nên chú ý rằng các sách nôm của
người Công giáo Việt Nam trong gần 4 thế kỷ, đều gọi chữ nôm là
quốc ngữ, để phân biệt nó với chữ Hán là chữ viết của người Tàu. Gần đây
chúng ta mới gọi chữ viết theo mẫu tự Latinh là chữ Quốc ngữ.
Cứ
theo lý mà xét, thì tự vị này phải nặng về tiếng Đàng Trong, vì cả hai
giám mục Pigneau (Bá Đa Lộc) và Taberd đều đã hoạt động ở Đàng Trong, và
hơn nữa, cuốn Thánh giáo Yếu lý Quốc ngữ (1774) viết theo mẫu tự
Latinh của giám mục Bá Đa Lộc cũng viết theo tiếng Đàng Trong, ví dụ:
nhơn, chứ không viết nhân. Tuy vậy, tiếng Đàng Ngoài cũng xuất hiện khá
nhiều trong tự vị đó, ví dụ: được thay vì đặng, vào thay vì vô. Cho nên
có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.
Ai muốn
tra tự vị theo kiểu Tàu, nghĩa là theo thứ tự các bộ chữ và theo số nét
viết, thì có thể tìm trong những trang 661-712. Đặc biệt nhất là trong
những trang 713-719 có một bảng để chỉ cho biết những chữ Hán gồm nhiều
bộ phức tạp thì phải tìm theo bộ nào.
Ngoài những từ ngữ thông
thường trong những trang trên đây, lại có 40 trang (621-660) dành cho
những từ ngữ chuyên môn về thực vật học, về cây cối, hoa quả, rau cỏ ở
Đàng Trong (Hortus floridus Cocincinae). Như ta biết, phép phân loại,
dùng trong thực vật học, và sau này dùng trong động vật học, đã được
định hình do Carl von Linné (1707-1778), đặt tiêu chuẩn khoa học để
thống nhất cách chia loại trên loại dưới, chia hạng trên hạng dưới, đồng
thời dùng tiếng La tinh, chứ không dùng từ ngữ thường nhật của học giả
các nước khác nhau, để thống nhất cách gọi tên các loại thảo mộc. Cho
nên chỉ có người am tường khoa thực vật học mới biết nhiều tên bằng
tiếng Latinh như thế. Đây là một truyện tình cờ: năm 1972 tôi có đưa một
cây rau răm cho một giáo sư đồng nghiệp, người Bỉ, dạy thực vật học ở
đại học Kinshasa (Congo), nhờ xếp loại và gọi tên khoa học; sau khi khám
nghiệm, ông ta xếp nó vào loại polygonacae, và gọi tên nó là polygonum
(verisimile) odoratum Loureiro; bây giờ tra tự vị Taberd, xuất bản năm
1838, tôi thấy đã gọi tên nó là Polygonum odoratum. Thế mới biết soạn
giả không phải là những người vô học. Thiết tưởng các nhà thực vật học
nước ta cũng nên so sánh cách gọi tên thảo mộc bên ta và tên các vị
thuốc bắc trong tự vị đó với các tên dùng trong khoa học ngày nay xem
sao.
Sau cùng còn một phần phụ lục dành cho những từ
ngữ Hán Việt (chữ Hán đọc theo giọng Việt), vừa xếp theo thứ tự của
mẫu tự Latinh (trang 1-107), vừa xếp theo bộ chữ Hán (trang 108-126).
Các trang, như ta thấy, được ghi lại từ 1 đến 126, như là một cuốn sách
mới.
Như thế cũng đủ thấy là tự vị Taberd thật là tiện lợi: tra
cứu theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ đều được dễ dàng cả. Dĩ
nhiên việc biên soạn này là một công trình rất có phương pháp, và tốn
nhiều công phu. Nếu không tha thiết với tiếng Việt, với chữ nôm, thì
chắc không ai làm. Và hơn nữa, nếu không có nhiều người cùng làm chung
thì không ai một mình mà làm nổi.
2.2. Tự vị và nền quốc học Vấn đề quốc học Xét
cho cùng thì có lẽ nền quốc học của người Việt đã không phát triển theo
cùng một nhịp với truyền thống quốc gia và ý thức dân tộc.
Vấn đề chữ Nôm Chắc
hẳn là vì đã ý thức được cái thiếu sót ấy cho nên trong nước độc lập
thời nhà Trần, hay có lẽ còn sớm hơn nữa, đã có những nhà Nho nghĩ đến
việc chế biến chữ Hán để viết ra tiếng nói của người dân Việt: chữ nôm
bắt đầu thành hình, và ngay thời đó đã có những văn kiện như bài văn tế
cá sấu: “Ngạc ngư kia hỡi mày có hay...’’. Theo như sử gia Ngô Sĩ Liên
thì người ta bắt đầu làm thơ phú bằng tiếng Việt vào khoảng đầu thế kỷ
XIV. Văn chương chữ nôm không phải là không phong phú, nhưng các nhà Nho
vẫn tiếp tục làm thơ văn bằng chữ Hán, nhà cầm quyền vẫn ra sắc lệnh
cai trị dân bằng chữ Hán, viết quốc sử bằng chữ Hán.
Tự vị tiếng Việt Khi
các giáo sĩ Âu châu vào Việt Nam truyền giáo, thì họ có đem theo một số
sách giáo lý đã soạn bằng Hán văn ở Trung Quốc để cho các nho sĩ đọc.
Nhưng họ đã học tiếng Việt để giảng đạo thẳng bằng tiếng Việt cho dân
chúng. Có lẽ vì thế mà giới nho sĩ cho rằng đó là tả đạo, giảng cho “ngu
phu ngu phụ’’. Chữ nôm khó học, thì họ chịu khó học, chứ không dám
coi thường, càng không dám cho là mách qué, như các nho sĩ chỉ biết
chịu phục có người Tàu.
Làm tự vị tức là làm sổ tất cả các
từ ngữ được dùng trong một dân tộc. Người ta thường căn cứ vào sách vở
của các nhà văn, căn cứ vào cách ăn nói của người dân, để xác định các
ý nghĩa khác nhau của từng từ ngữ. Muốn cho tự vị thành ra hữu dụng, thì
sau công việc thu thập tài liệu như thế, phải tìm ra cách thức xếp đặt
các từ ngữ cho có thứ tự, để ai nấy biết cách tra cứu. Các tự vị do các
giáo sĩ Âu châu biên soạn đều được xếp đặt theo thứ tự của các mẫu tự
Latinh, nhưng cũng có bảng xếp đặt theo thứ tự các bộ chữ Hán và theo
số các nét chữ. Tự vị Taberd cũng theo qui tắc như thế, cho nên muốn
tra cứu chữ quốc ngữ theo thứ tự mẫu tự Latinh, hay là tra cứu chữ nôm
theo kiểu Tàu (theo bộ chữ và số nét chữ) cũng được cả.
Soạn giả
có thể giới hạn tự vị vào những từ ngữ thông dụng mà thôi. Nhưng tự vị
cũng còn có thể bị giới hạn, vì soạn giả chưa sao lục ra được hết mọi
từ ngữ, hết mọi cách viết chữ nôm đã dùng trong các sách nôm ở Việt Nam,
hay là chưa tìm ra được tất cả các ý nghĩa của từ ngữ. Cho nên những
người đi sau thường lấy lại của người đi trước, và đôi khi cũng căn cứ
được vào các tác phẩm đã có, để khám phá thêm được một ít từ ngữ hay
ý nghĩa mới. Từ ngữ được viết vào tự vị tức là được công nhận. Cũng như
các tự vị khác, tự vị Taberd đã ghi lấy những từ ngữ và những chữ viết
(chữ Nôm) đã dùng trong một thời kỳ, trong một địa phương nhất định. Cái
sở trường và cái sở đoản của nó là ở chỗ đó,
Xin đan cử ra đây
một vài ví dụ, gọi là để đề nghị một vài phương hướng nghiên cứu về chữ
nôm Công giáo: a) có một số từ ngữ chuyên môn của Công giáo, như:
“dòng’’ (hội những người đi tu), “rỗi’’ (được cứu độ, được sống muôn
đời), “kinh’’ (lời cầu khấn, “oratio’’, chứ không phải là “sách’’,
như thỉnh thoảng có người hiểu lầm), b) có một số từ ngữ chuyển âm từ
tiếng Latinh hay Bồ Đào Nha, như: “vít-vồ’’ (giám mục, chuyển âm từ
tiếng Bồ Đào Nha “bispo’’, chữ nôm thì dùng hai chữ Hán “viết vô’’,
nhưng phải đọc là ‘’vít-vồ’’), ‘’pha-pha’’ (vị giáo tông ở Roma, cũng
gọi là giáo hoàng, Latinh và Bồ Đào Nha là “papa’’). c) có những chữ
vẫn thông dụng, nhưng lại không có trong tự vị như “Giê-su’’ là tên vị
giáo tổ (Chữ Hán-Việt là “Gia-tô’’, người Tàu đọc là “Giê-xu’’; viết
chữ nôm thì dùng hai chữ “Chi-thu’’, nhưng phải đọc trại đi là “Giê-su’’
thì mới là đúng, chứ không đọc là “Chi-thu’’, như đôi khi có
người đọc sai. d) có những chữ nôm mà soạn giả chưa tìm ra tất cả các
cách viết, như: chữ “rỗi’’ (được cứu độ, “salus’’), thì soạn giả chỉ
ghi cách viết chữ “khẩu’’ bên trái chữ “lỗi’’, chứ không ghi cách viết
chữ “sinh’’ bên trái chữ “lỗi’’,...
2.3. Vấn đề Quốc ngữ
Trở lại vấn đề chữ Quốc ngữ Chữ
Nôm vì quá tuỳ thuộc vào chữ Hán, lại trước đó cũng chẳng được
trọng dụng như chữ Hán, cho nên cũng theo đó mà lu mờ đi, cho nên chỉ
còn có lối viết theo mẫu tự Latinh là được gọi là Quốc ngữ mà thôi. Đã
thế vào đầu thế kỷ XX lại có một số sĩ phu có tên tuổi đứng ra cổ võ cho
chữ Quốc ngữ ấy, vì thấy nó tiện lợi và dễ học hơn chữ Nôm. Và họ đã
thành công. Ngày nay là gần một thế kỷ sau đó, chúng ta đã quá quen dùng
chữ Quốc ngữ rồi, văn chương của tiền nhân hầu hết cũng đã chuyển sang
chữ Quốc ngữ, rồi các sáng tác văn học, khoa học, thư tín và giấy tờ
hành chính đều viết bằng chữ quốc ngữ cả. Cho nên có lẽ không còn ai
chủ trương phải trở về chữ Nôm nữa: nó thật là thần tình, nhưng vẫn còn
nhiều khuyết điểm và chưa được ấn định cho chính xác.
Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Chữ
Nôm và chữ Quốc ngữ là hai lối viết tiếng Việt, một lối theo mẫu người
Tàu, một lối theo mẫu người Tây. Thực ra cũng không phải người Tây sáng
chế ra lối viết theo mẫu tự như thế, nhưng họ cũng là học lại của người
miền Trung Đông thời Thượng Cổ. Và hiện nay cũng có nhiều dân tộc trên
thế giới dùng lối viết theo mẫu tự.
Chữ Nôm đã “vang bóng một
thời’’, nó kết tinh nỗ lực của ông cha ta trong mươi thế kỷ để thiết-lập
một nền văn hoá Việt Nam có bản sắc riêng, tuy có chịu ảnh hưởng của
văn hoá người Hán tộc, lại muốn có vốn để “đi ăn riêng’’, nhưng còn gặp
nhiều khó khăn. Chữ quốc ngữ là do ảnh hưởng của người Âu châu, nhưng đã
giúp cho người mình thực hiện được cái ý muốn độc lập đó.
Ngày
nay ta không dùng chữ Nôm trong đời sống thường nhật, và cũng không thấy
có dấu nào nói lên rằng dân ta muốn trở lại dùng chữ Nôm, vì thực ra
cũng có nhiều cái bất tiện, lại tốn công, tốn của, tốn thì giờ. Tuy vậy
đó vẫn là kho tàng văn hoá không thể bỏ qua, mà trái lại cần được
bảo tồn. Đó là chương trình của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm và của cơ quan
“Vietnamese Nôm Preservation Foundation’’. Trong việc sưu tầm sách vở
chữ Nôm thời xưa, xem chừng còn ít người biết và để ý đến số sách Nôm do
người Công giáo đã biên soạn trong hơn ba thế kỷ. Điểm quan trọng của
số sách này là ở chỗ nó cho ta biết khi bắt đầu tiếp xúc với tư tưởng
người Âu, thì các ý niệm và quan niệm của Tây phương được chuyển sang
tiếng Việt như thế nào.
Như đã nói trên đây, tự vị Taberd, cũng
như tự vị của Pigneaux de Béhaine, có cái sáng kiến hay của nó, là vừa
có đối chiếu chữ Quốc ngữ với chữ Nôm, vừa có cách thức thuận tiện để
chuyển từ loại chữ này sang loại chữ kia. Vì xếp theo thứ tự các mẫu tự
Latinh, nên ta biết đọc thế này thì phải viết làm sao. Ngược lại, muốn
biết chữ viết thế này phải đọc làm sao, thì đã có bảng xếp các chữ theo
các bộ chữ Hán. Cho nên từ sau đó các tự vị chữ Nôm đều tiếp nhận cái
sáng kiến ấy.
Tự vị Taberd đã góp phần vào việc định hình cho
chữ Quốc ngữ ta dùng bây giờ, và còn giúp ta trong việc nghiên cứu chữ
Nôm. Cho nên nó đáng được một chỗ đứng trong lịch sử phát triển văn hoá
Việt Nam.”
III. Tự vị “Dictionarium Latino-Anamiticum” của Đức cha Taberd[55] Chúng
tôi xin ghi lại một số phần chính trong tự điển quyển thứ hai của Đức cha
Taberd. Sau đó chúng tôi chuyển một số ghi chú về các tự vị của Đức cha
Taberd xuất bản ở Bengale năm 1838 của Louis Malleret.
“Khi
mô tả về quyển thứ hai, Đức Cha Taberd cho thấy Ngài đã nhớ đến những
nguyện vọng của Viên thơ ký phủ Toàn quyền Ấn Độ, ở hội nghị “Société
Asiatique du Bengale” ngày 3 tháng 8 năm 1836, nhằm làm cho sách dễ hiểu
đối với các thuỷ thủ và các thương nhân”, bằng cách đưa vào đấy những
chú thích bằng tiếng anh, cũng như bằng tiếng Latinh, và ngoài ra, một
tự vựng tiếng Anh thông dụng, bằng tiếng Nam Kỳ.
Tác giả đã chấp
nhận lời yêu cầu bằng cách thêm vào “một bản tóm lược đầy đủ về ngôn
ngữ các danh từ, các động từ, đối thoại, văn phạm… bằng tiếng Anh, Pháp,
Latinh và Annam”.
Chính là phần phụ đính dài 135 trang của
quyển thứ hai mà Abel des Michels đã cho tái bản vào năm 1871, kèm theo
chú giải sát theo nghĩa chữ của những bài đối thoại bằng tiếng Annam,
Pháp, Anh và Latinh và duyệt lại các khái niệm về cân lường, đo đếm và
phân chia thời gian, được ghép vào cuối tác phẩm của Đức Giám mục
Isauropolis.
Ở phần phụ đính của quyển Tự điển của mình, Đức cha
Taberd đã gắn thêm một bản đồ in theo mẫu của thư viện của chúng ta,
nhưng vẫn được nhiều người biết đến. Đó là bản đồ Vương quốc Annam,
bằng tiếng Latinh và tiếng Annam, mang tựa đề “Annam đất quốc địa đồ”
hay là “Tabula geographica imper anamitici, ab auctore Dictionarium
latino-anamitici disposita 1838. Nó được in ở Paris, năm 1863 theo lệnh
của Hầu tước Chasseloup Laubat, Bộ trưởng Bộ Hải quân, trên giấy rộng
khổ 1,06 x 0,75 mét. Bản đồ này là một tiến bộ quan trọng đối với các
bản đồ đã có trước, và do đó là một tư liệu cơ bản đã được các sĩ quan
Đạo quân Viễn chinh sử dụng từ năm 1859, và trước khi có bản đồ tạm thời
của kỷ sư Manen, năm 1862, rồi sau đó Bản đồ tổng quát của Nam Kỳ thuộc
Pháp, do Trung tá Hải quân Bigrel, 14 tờ, năm 1872-1873.
Ngoài
những công trình của tác giả Tự vị, cũng nên thêm vào hai bài viết bằng
tiếng Anh, đăng trên tờ báo “Journal” của Hội Á châu ở Bengale. Đó là
hai tiểu dẫn địa lý, in trong các quyển VI và VII, năm 1837 và 1838, mà
chúng tôi sẽ tái bản sau này. Ở Serampore, ngài cho xuất bản hai tác
phẩm khác bằng tiếng Latinh. Sau hết, theo A. Brébion, người mà thông
thường có cung cấp thông tin gì thì chúng ta không nên tin vội mà cần
phải kiểm tra lại, vị giám mục có thể cho xuất bản thêm, năm 1833 do nhà
in J. Marshman, một quyển văn phạm bằng tiếng Latinh và Annam.”
Ngoài khía cạnh văn từ, Tự điển thứ hai này của Đức Giám mục Taberd nói lên những mặt tích cực như sau:
1-
Khả năng diễn đạt tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ đã thể hiện rõ nét trong
Tự vị của A. D. Rhodes. Xin xem phần Appendix trong cuốn Tự điển thứ
nhất thì rõ.
2- Ngoài khả năng diễn đạt tiếng Việt bằng chữ quốc
ngữ, quyển thứ hai này có “Khả năng diễn đạt của tiếng Việt Nam”: nghĩa
là tiếng Việt có thể diễn đạt tiếng Latinh, tiếng pháp, tiếng Anh…, mà
không cần vay mượn những tiếng ngoại quốc đó.
3- Tự điển thứ hai này có nhiều tiếng phổ thông, thông dụng đến đời sống hằng ngày và rất ít tiếng Nôm.
4- Nhiều từ ngữ có khả năng diễn tả nội dung giáo lý Công giáo.
5-
Có nhiều từ trong Tự điển của ngài diễn tả những phạm trù tích cực về
các lương dân. Ví dụ: từ “lương”, nghĩa là những “người tốt”.
6-
Tự
điển thứ hai này cũng đã sánh vai được với thế giới, nơi gặp gỡ thế giới
trong nhiều lĩnh vực: văn hoá, khoa học, địa lý, chính trị, tôn giáo…,
nói cách khác là bao gồm tinh hoa của nước Việt và khởi đầu sản
sinh ra nhiều nhân vật văn học làm rạng danh đất nước như Trương Vĩnh
Ký, Nguyễn Trường Tộ, Paulus Của…
7- Trong tự điển A. D, Rhodes
[56],
cũng như của Taberd chứa đựng nhiều chữ quốc ngữ diễn đạt được nội dung
tôn giáo và tạo nên văn học Công giáo Việt nam. Chữ Quốc ngữ đã được
ứng dụng vào đời sống tôn giáo như các kinh trong “sách mục lục” dùng
mấy trăm năm qua. Các lời kinh trong sách mục lục mang tính cách văn hoá
Việt Nam, với tiếng Việt thật gần gũi với người dân bình dị và có nội
dung Kinh Thánh, luân lý gia đình, thôn làng, luỹ tre, có sức nuôi dưỡng
đời sống đức tin, lối sống đạo tuyệt vời của tín hữu Việt Nam, dù sống
trong mọi thế cuộc thuận lợi hay nghịch cảnh.
B. Philipphê Phan Văn Minh
tham dự cách tích cực trong việc hình thành Tự vị của Đức cha Taberd
(năm 1838). Chúng tôi xin ghi phần sơ lược tiểu sử và sự nghiệp của
người sau đây.
I. Sơ lược tiểu sử và sự nghiêp của Philipphê Phan Văn Minh[57] 1. Hoàn cảnh gia đình Philipphê
sinh ra tại họ đạo Cái Mơn lối năm Ất Hợi (1815). Cha người là Đôminicô
Phan Văn Đức (cũng gọi là ông trại Phương, theo tên con đầu lòng), việc
đạo thì làm câu họ. Mẹ người là Anna Tiếu. Cả hai là đạo dòng và đức
đức. Chúa đã ban phúc lộc cho hai ông bà sinh được nhiều con, hết thảy
là 14 người, 5 trai, 9 gái. Nhưng Chúa đã gọi hai ông bà về với Người
sớm, khi Philipphê hãy còn nhỏ. Dầu phải mồ côi, nhưng chẳng có bơ vơ,
vì người chị khôn ngoan biết tính toán lo liệu cho các em và cũng được
cô bác giúp đỡ, bàn bạc chỉ bảo. Trong nhà tương đó có cái ăn cái mặc,
nên Philipphê khỏi lao lực cực khổ, rảnh việc nặng nề. Người Chị đảm
đang mọi việc trang nhà, lo cho em Minh đi theo anh là Phêrô Tú, để học
hành chữ nghĩa. Bỡi vì sáng dạ nên học mau và thuộc hết chữ nho khá
khá.
Người chăm chỉ đèn sách, kinh nghĩa. Lên 13 tuổi, người dọn
mình rước lễ lần đầu. Khi Đức cha Từ (Taberd) xuống ban phép thêm sức
tại Cái Mơn, cậu Philipphe tới chào Đức cha và xin theo Người. Đức cha
bằng lòng, nhưng chưa cho đi theo ngay.
Ít lâu sau, anh Phêrô Tú
được thư của Đức cha, và chở em lên tại họ Ba Giồng gặp Đức cha. Thấy
con trẻ có trí thông minh, Đức cha thương đem về nuôi làm học trò cùng
dạy dỗ tại nhà trường Lái Thiêu, cho tới khi cơn bắt đạo làm cho người
phải ra khỏi đất Nam Kỳ.
2. Tình thế thời cuộc 2.1.
Sau khi ông Lê Văn Duyệt qua đời, nhà Vua Minh Mạng bắt đạo tàn bạo.
Chính cha Jean Louis Taberd (Đức cha Từ) đã phải bị bắt giam tại Nhà
trường Lái Thiêu (năm 1834). Quan tỉnh chờ dịp giải người về kinh, theo
lịnh vua. Trong tình thế nguy hiểm như vậy, chú Philipphê Minh cùng một
ít chú khác không nỡ bỏ mặc Đức cha, nên quyết sống chết với ngài, cho
trọn nghĩa thầy trò tìm cách cứu nguy ngài. Quan tính chưa kịp, người
thoát khỏi tay quan quân. Người đã cùng thế, vì quan quân tầm nã khắp
xứ, nhưng không bắt được người. Thoát thân sang Cao Miên, đến Xiêm và năm
1834, ngài cùng với các chú đến trú tại Pinăng (Mã Lai). Tháng 5 năm
1836, Đức cha Taberd sang tới thành Calcuta bên Ấn Độ đem hai người học
trò lý đoán (Thìn và Hiền) theo, để giúp việc in Tự Điển. Sau đó, khi
hai thầy ấy phải về Bình Định để giúp Đức cha Thể, Đức cha Từ đã xin nhà
trường gởi thầy Philipphê Minh qua giúp người hoàn thành quyển Tự điển
Dictionarium LATINO-ANAMITICUM Tự vị của ngài.
2.2. Tận dụng
thời gian này, ngài xếp đặt tư liệu quyển Tự điển Latinh-Bồ-Việt của cha
A. de Rhodes, đã được Đức cha Pigneau Béhaine duyệt xét lại ( bị cháy
vào năm 1778). Ngài cho in và xuất bản một phiên bản mới “Dictionarium
Anamitico-latinum & Latino-anamiticum” năm 1838 với sự giúp đỡ 2 đại
chủng sinh Việt Nam là Hiền và Thìn, sau đó được bổ sung của Philliphê
Minh. Để hoàn thành công việc này, ngài phải ở tại Serampore ròng rã 2
năm trời, và cho xuất bản ở nhà in của J. C. Marshman tại Serampore năm
1838.
2.3. Ngày 31 tháng 7 năm 1840, Đức cha Taberd qua đời tại
Bơbaza (Calcuta), thầy Philipphê Minh trở lại Đại Chủng viện Penang, học
cho hết các môn chú giải Kinh Thánh cần thiết. Sau đó, thầy trở về quê
nhà của thầy vùng Tam giác sông Mê Kông.
Đức cha Thể gởi thầy
Philipphê Minh về địa phận nguyên quán người, là Đàng Trong phía tây, để
giúp việc phía này. Năm 1844, Toà Thánh chia địa phận Đàng Trong thành 2
địa phận tông toà: Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong. Đức cha Ngãi
(Dominique LEFÈBVRE) cai quản Tây Đàng Trong.
Thầy Philipphê
Minh chưa kịp giáp mặt Đức cha Ngãi, thì đã nhận tin Đức cha Ngãi bị bắt
lần thứ hai (vào ngày 03/10/1844). Đang khi Đức cha phải giam giữ ngoài
kinh, cố chính Mịch (Miche) sai thầy phó tế Minh ra tìm thăm người, coi
người liệu như thế nào cho mình được lãnh chức linh mục, vì địa phận
Nam kỳ có ít linh mục lắm. Thầy phó tế Philipphê Minh không ngại đường
xa nguy hiểm đã lên đường đến thăm Đức cha đang bị giam giữ tại công
quán, và lãnh mọi điều Đức Cha ký thác cho, và sẵn lòng vâng phục. Cầm
bức thơ người gởi, đi tìm Đức cha Thể đang ẩn lánh tại họ Gia Hựu, Đức
cha Thể xem thơ, và phong chức linh mục cho Thầy. Khi ấy người được 31
tuổi (1846).
Sau khi được can thiệp giải cứu, Đức cha Ngãi mặc
dù về miền tông toà của ngài, nhưng phải trốn lánh rất vất vả. Cha
Philipphê Minh được Đức cha trao trách nhiệm đi ban bí tích thêm sức
thay cho Ngài. Cha Minh khiêm nhường, khôn ngoan, tận tụy trong trách vụ
mục tử.
Theo lệnh của vua Tự Đức bắt đạo, Cha Philipphê Minh bị
bắt ngày 26 tháng 2 năm 1853, và hành xử tại Đình Khao, tỉnh Vĩnh Long
ngày 3 tháng 7 cùng năm, lúc đó ngài 38 tuổi.
3 - Sự nghiệp về Văn học chữ Quốc ngữ Ngoài
công việc giúp Đức cha Taberd chỉnh sửa Từ điển của Đức cha Taberd (năm
1838), cha Philipphê Phan Văn Minh còn để lại những bài viết có nhiều
nội dung văn học tôn giáo đủ thứ loại, đặc biệt văn thơ được Phi-Năng
thi tập, 1842, Recueil de Penang trình bày trong “Văn Quốc ngữ”
Philipphê Phan Văn Minh 1815-1853, Phi Năng thi tập, 1842, Recueil de
Penang, Traduction, commentaires et notes de Marie Colombe BACH PHAN,
S3Bael. In tại Paris, mai 2015”.
A. Phi-Năng thi tập, 1842
Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853)
“Nước Trời” Họ hỏi : ở đâu?
Chẳng như đôi tượng làm sao mà nhìn?
Nói rằng ở đó chớ tin,
Ở đây, chớ vội đinh ninh mà lầm.
Nước trời ở tại chân tâm,
Luôn luôn thức tỉnh mà tầm đạo ngay.
Đời trước Thiên cơ bất khả lậu,
Đời nay Con Chúa đã ra đời.
Nho gia không còn chi ẩn giấu,
Mà khắp bốn phương thấy rạng ngời.
Phil. Phan Văn Minh
Thầy
Philipphê Phan Văn Minh về Ba Giồng, xướng hoạ cùng ông Đồ Ốc: dạy
học, bốc thuốc ở Giồng Găng Lâm Vồ, tỉnh Ba Tri (hiện nay là Bến Tre).
B. Đề tài xướng hoạ
Da-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời,
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi.
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng vương bá để xây đời.
Vâng lời thiên mệnh đàng thân diệt,
Gánh tội nhân gian chị máu rơi.
Dĩ nhược thắng cương, mệnh chứng tỏ,
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.
Phil. Phan Văn Minh
Hoạ
Thế gian vạn sự nói do Trời,
Nhưng sao vạn sự khổ khắp nơi ?
Cứ khổ đã nêu bên đạo Chúa,
Giải nguy chưa thấy phía người đời
Triều đình Nam Quốc xô không ngã,
Đạo Trưởng Tây phương bám chẳng rơi,
Đã đẩy giao nhơn vào thế khổ,
Vậy ai phải chịu bất tri thời.
Ông Đồ Ốc
Đáp HoaVận
Cai trị thế gian luật của Trời,
Có yên có khổ cũng tùy nơi.
Tranh danh oán hận do người thế,
Giàng lợi chiến tranh tại thới đời.
Thuốc bổ vào người sinh thuận nghịch,
Đạo ngay nhập thế có xuôi rơi.
Xưa nay đau khổ do tham vọng,
Lịch sử chứng minh kẻ thức thời.
Phil. Phan Văn Minh
Hoạ
Đau khổ xưa nay vốn tại Trời,
Thất mùa ôn dịch khắp nơi nơi.
Thủy tai chôn lấp bao nhiêu mạng,
Địa chấn nát tan mấy cuộc đời.
Khổ đó con người làm chẳng được,
Nạn này, Tạo Hóa trút đầy nơi.
Thiên tai, đại nạn, Trời làm cả,
Nhân loại chỉ gây giặc nhất thời.
Ông Đồ Ốc
Đáp Hoạ Vận
Sống ở thế gian chẳng khỏi Trời,
Khác nào loài cá khắp nơi nơi.
Sông sâu khỏe xác tha hồ lội,
Sông cạn, phơi thây há trách đời.
Cá có oán sông lên hoặc xuống,
Mình không biết nước lớn hay vơi.
Dĩ nhiên phải chịu vì không biết,
Thượng bất oán Thiên, lẽ tức thời.
Phil. Phan Văn Minh
C/ Khai hội thơ Vịnh Ê-vang Gia cang, đất nước với thân danh
Tô điểm Ê-vang tận gốc nhành
Cơ cấu nhân sinh theo Đạo Thánh
Đốc hành thế sự vơi tâm thành
Con đường bác ái khi chung sống
Đức độ công bằng lúc đấu tranh
Chúa đã hoằng khai nguồn cứu rỗi
Trời cao không bỏ kẻ ngay lành.
Phil. Phan Văn Minh (1815-1853)
Phi Năng thi tập – bài IV.
Philipphê
Phan Văn Minh còn làm nhiều bài thơ theo nguồn cảm hứng Tin Mừng, như :
Sự xét mình (Mt 3-3; Lc 4,41-42); Xem trái biết cây (Mt 7,16-20)… Tập
Văn “Quốc ngữ” của ông có ghi 25 bài thơ theo chủ đề Bài Thơ vịnh
Ê-vang.
----- *** ------
Chúng
tôi vừa trình bày khái quát NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO trong giai đoạn đầu,
qua một số Tự điển, sách tôn giáo bằng chữ Quốc ngữ và một vài tác giả
tiêu biểu người Công giáo. Chúng tôi chưa đi chuyên sâu vào những loại
hình văn học công giáo khác như thơ phú, nhạc, kịch tuồng, sách báo...
Kỷ niệm 400 năm Đạo Thánh Chúa có mặt trên quê hương đất Việt Nam, chắc
hẳn cần phải đào sâu hơn nữa những kho tàng văn học Công giáo phong phú
và đa dạng, hầu góp phần vào kho tàng Văn học Việt Nam.
Chúng
tôi xin một lần nữa cùng với nhà nghiên cứu: Hoàng Xuân Việt và Võ Long
Tê để kết luận bài tìm hiểu của chúng tôi với nội dung:
“MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ
CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES”
“Chẳng
hạn rất ít ai biết được rằng sự hoàn chỉnh của chữ Quốc ngữ ngày nay là
nhờ đã trải qua đến ba giai đoạn chỉnh lý. Giai đoạn đầu tiên được công
bố qua công trình của Alexandre de Rhodes vào năm 1651, giai đoạn thứ
hai được biết đến với Pigneau de Béhaine và Hồ Văn Nghi vào năm 1772, và
giai đoạn thứ ba đánh dấu bởi công trình Từ điển của Taberd và Phan Văn
Minh vào năm 1838. Chính trong giai đoạn cuối này, chữ Quốc ngữ đã được
chuẩn hoá đến mức như hoàn thiện và được sử dụng thống nhất trên toàn
quốc cho đến ngày nay (...).”
“Qua việc chuyên khảo về lịch sử chữ
quốc ngữ này, chúng tôi hy vọng có thể góp phần đính chính một số ngộ
nhận đáng tiếc về lai lịch chế tác chữ Quốc ngữ, xác định một cách công
bình vai trò và công sức của Alexandre de Rhodes trong sự nghiệp hình
thành chữ Quốc ngữ, cũng như làm rõ công nghiệp lớn lao của những người
như Pigneau de Béhaine, Hồ Văn Nghi, Taberd và Phan Văn Minh, trong việc
hoàn chỉnh thứ chữ viết mà ngày hôm nay dân tộc ta có thể xem là niềm
hảnh diện khi so với các dân tộc văn minh khác trên thế giới (…)”
[58].
“Với
ba tác phẩm này (Tự điển Viêt-Bồ-La, Ngữ Pháp và Phép Giảng Tám Ngày
của A.D. Rhodes), chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi
sáng tác. Một nền văn học Công giáo bằng chữ quốc ngữ chính thức bắt
đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.”
[59] --------------------------
[1] Võ Long Tê, “ Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam" , cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 236.
[2] Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”.
Có trích đoạn trong Dictionarium Anamitico Latinum, NXB Văn học,
trong tiểu mục: “Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam” trang il và
những trang kế tiếp.
[3] Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”.
[4] Xin xem Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”.
[5]
Xin đọc Phần Tựa của “Hán Tự Qui Giảng” của Đ. Hồ Ngọc Cẩn, in lần thứ
hai, Hồng Kong, Imprimerie de la Société des Missions Étrangères 1927.
[6] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 236.
[7] + Xin xem bài tham luận của ThS. Nguyễn Văn Biểu, “ĐẤT BÌNH ĐỊNH TRONG
TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ” (Hội thảo Khoa học “Bình Định với chữ
Quốc ngữ”, tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13/01/2016)
Trong
phần trích dẫn, chúng tôi in chữ đậm câu: “Một nền Văn học Công giáo
bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes”
như điểm khởi đầu cho việc nghiên cứu của chúng tôi.
+ Xin xem thêm bài tham luận của 2 tác giả Ths. Nguyễn Ngọc Oanh và PGS. TS. Nguyễn Công Đức:
“MỘT VÀI CHỈ DẤU CỦA PHƯƠNG NGỮ BÌNH ĐỊNH - NAM TRUNG BỘ TRONG TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA CỦA ALEXANDRE DE RHODES”.
(Xin trích đoạn):
“Để tiện cho người Âu châu học tiếng Việt, Đắc Lộ đã dụng công viết
riêng phần ngữ pháp tiếng Việt bằng tiếng Latinh đặt ở đầu sách. Đây là
phần dẫn giải về chữ và vần, trọng âm và các thanh điệu, về danh từ,
đại danh từ, động từ, đến cú pháp. Đây cũng là phần đã tốn nhiều công
sức của vị giáo sĩ này. “Với Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt và
Phép giảng tám ngày, chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm
vi sáng tác. Một nền Văn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt
đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes” - nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận
định.”
[8] Dựa trên tài liệu “Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên”, Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm. Tái bản trọn cuốn
Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes, do André Marillier sao
lục, chú thích và lập bảng tham chiếu. Tinh Việt Văn Đoàn, Ban Sử học:
232/19 Hiền Vương, Sài Gòn 961 (Kỷ niệm Tam Bách Chu Niên).
[9] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965.
[10] Xin xem Petrus Paulus Thống, “Chữ Quốc ngữ và Môi trường Bình Định”.
Xin trích đoạn: “Thật vậy, chữ Quốc ngữ (CQN) ở Việt Nam cũng do các
vị Thừa sai thuộc Dòng Tên Tỉnh Dòng Nhật Bản (lúc ấy tập trung ở Macao)
nghĩ ra, theo cùng một mô thức, nhắm cùng một mục đích, đã trường tồn
tốt đẹp mãi đến ngày nay do những yếu tố khách quan nhưng chủ yếu do
những yếu tố chủ quan. Chủ quan ở đây chúng tôi muốn hiểu theo chiều
hướng chủ động tích cực. Phải khẳng định CQN là một công trình tập thể.
Nói Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) là cha đẻ, là ông tổ của CQN, đó chỉ là
một cách nói thông dụng, phổ thông, tiện dụng. Đắc Lộ là người “tập đại
thành” CQN. Tuy nhiên cách thức này cũng khẳng định vai trò của Đắc Lộ.
Gần đây có ý kiến cho rằng Đắc Lộ chỉ có công “chép” lại những cuốn tự
vị, từ điển của hai vị thừa sai Dòng Tên khác là Gaspar d’Amaral
(1592-1645/1646), với cuốn “Diccionario da Lingua Annamitica” và cuốn
“Diccionario amanita-portugues-latim” và Antonio Barbosa (1594-1647),
với cuốn “Diccionario portugues-anamita”. Thực tế thì những cuốn trên đã
bị thất lạc mất rồi. Ngày nay chúng ta chỉ nghe nói thế hoặc biết qua
một tài liệu nào đó. Thật ra công việc soạn từ điển là một công việc tập
thể, thường người đi sau dựa theo công trình của người đi trước hoặc
người khác, hoặc là công việc của nhiều người cộng tác, người đứng tên
tác giả chẳng qua là người chủ biên mà thôi. Ngoài ra nếu đem so sánh
các cuốn trên, nếu có thể so sánh được, với cuốn “Dictionarium
Annamiticum Lusitanum Latinum” (năm 1651) của Đắc Lộ thì sẽ thấy cuốn từ
điển của Đắc Lộ đồ sộ hơn nhiều, hoàn chỉnh hơn. Đó là chưa nói đến
công sức của một người khi làm cuốn từ điển không ở Việt Nam, không có
sự góp công góp sức của các cộng tác viên người Việt. Phải công nhận
công sức và tài năng của Đắc Lộ thôi. Không gì bằng thực tế trước mắt!
Trước đó chưa ai làm được một cuốn từ điển CQN như vây. Và mãi 187 năm
sau mới có một cuốn từ điển khác vượt qua được. Đó là cuốn “Dictionarium
Anamitico-Latinum” (năm 1838) của J.L. Taberd.
[11] Trích dẫn
theo tài liệu tham luận của Đặng Thị Phượng (Viện Từ điển học và Bách
khoa thư), “LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC
NGỮ”, trang 38-39, trong tài liệu “Hội thảo Khoa học BÌNH ĐỊNH VỚI
CHỮ QUỐC NGỮ”, Bình Định, ngày 12-13/01/2016.
“Alexandre de Rhodes sinh năm 1593 tại Avignon, vào dòng Tên tại
Roma năm 1612. Ông được cử đi truyền giáo tại Đàng Trong năm 1624,
được cử đến thành lập vùng truyền giáo Đàng Ngoài năm 1627
và ở đây cho đến khi bị trục xuất năm 1630. Đến năm 1640, ông
lại được cử phụ trách vùng truyền giáo Đàng Trong (1640-1645),
1645 bị vĩnh viễn trục xuất tại Việt Nam. Có nhiều ý kiến
khác nhau về vai trò khai sinh các công trình có tính chất
quyết định sự hình thành chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes.
Nhưng vai trò của Alexandre de Rhodes về sự hình thành chữ quốc
ngữ được ghi nhận chính thức vào năm 1993. Ngày nay có nhiều
tài liệu coi ông được tôn vinh như “người khai sinh” ra chữ viết
Việt Nam.”
[12] Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm, tái bản
trọn cuốn “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY”, của ALEXANDRE DE RHODES, NXB Tinh
Việt Văn Đoàn (năm 1961), từ trang XIV.
Theo một tài
liệu riêng chúng tôi hiện có, thì tên ông nội Giáo sĩ Đắc Lộ là
Barthélémy de Rhodes. Điều ấy đúng hay là do sự sao chép lẫn chính tả
Bernadinus ra Bartholomeus?
[13] Sđd., Trong cuốn Người chứng thứ nhất, chúng tôi dự theo GAIDE, quelques renseignements sur la
famille de Rhodes (Bulletin des Amis du Vieux Huế, B.A.V.H., 1927, từ
tr. 225) nói gia đình Đắc Lộ đến ở Avignon từ cuối thế kỷ 15, xét ra
không đúng. Giáo sĩ sinh vào những năm chót thế kỷ 16, mà gia đình đến ở
Avignon mới từ đời Ông nội mà thôi, vậy thì chỉ độ 5,6 chục năm trước.
[14]
Sđd của Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm: Căn cứ theo bức thư dẫn ở
chú thích (1) trang XIV, Giáo sĩ Đức Lộ, hồi mùa thu năm 1617, đã “bước
vào năm thứ 25”. Căn cứ theo Voyages et Missions (1854) trang 5 thì
giáo sĩ rời quê hương vào nhà Tập Dòng Tên (năm 18 tuổi). Bút tích của
nhà Tập Dòng Tên “năm 18 tuổi”. Bút tích của Nhà Tập này (tài liệu văn
khố) ghi rõ thanh niên Đắc Lộ được gia nhập năm 1612 và “phỏng 19 tuổi”.
Vậy nếu giáo sĩ Đắc Lộ sinh năm 1591, thì năm 1612 Ông đã 21 tuổi, và
năm 1617: 26 tuổi, là sai. Căn cứ theo các điều chỉ dẫn trên đây về số
tuổi, thì năm sanh của giáo sĩ đúng hơn hết phải là năm 1593: sinh năm
này thì đến năm 1612, Ông được 18-19 tuổi, và năm 1617: chẵn 24 tuổi hay
là “bước sang năm 25 tuổi”. Do sự tra cứu hồ sơ gia đình Đắc Lộ tại
Avignon (tài liệu riêng của tác giả).
[15] Sđd., Chi tiết nầy do sự điều tra cứ hồ sơ gia đình Đắc Lộ tại Avignon (tài liệu riêng của tác giả).
[16] Sđd., Gaide: Sách dẫn thượng.
[17]
Sđd., Căn cứ theo một bức thư của Ông Hugues Jean de Dianoux, viên chức
cao cấp ngành ngoại giao Pháp. Ông này là dòng dõi gia tộc Đắc Lộ về
phía ngoại. (Tài liệu riêng do giáo sư Gustave Meillon gửi cho). Lại
theo tin tức từ Avignon, thì hiện nay không còn ai mang tên de Rhodes,
song có tộc danh du Roddr, có lẽ cùng một nguyên ủy. (Tài liệu riêng
nhận được do Cha Franchet, Viện trưởng học viện Dòng Tên ở Avignon).
[18] Xem H. Bernard-Maitre: Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident, tr. 123-125.
[19] Sđd của Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm, từ trang XIV-XVII.
[20]
(Thư này có đăng bằng tiếng Pháp trong Mission de la Cochinchine et du
Tonkin (1858), trang 381-382. Cha Mutius Vitelleschi Bề trên Cả Dòng Tên
đã đệ nạp thư này lên Đức Giáo hoàng.
[21] Xin xem Nguyễn
Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm, tái bản trọn cuốn “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY”,
của ALEXANDRE DE RHODES, Tinh Việt Văn Đoàn (năm 1961), từ trang XIV-XXVI.
[22] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 222-258.
[23]
Theo bản dịch của Thanh Lãng, Biểu nhất làm văn học cận đại, tập sđd,
trang. Cau Bang = Cao Bằng, bây giờ thuộc về nhà Mạc, Ciampa = Chiêm
Thành, Laorum = Lào, Siam = Thái Lan.
[24] Xem chương VI, tiểu mục Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa.
[25] Thanh Lãng trích dịch, sđd., trang 24. Về các điểm này, xin xem thêm chương VIII, tiểu mục 1 sau đây.
[26] André Marillier viết là xiêu nhiệm.
[27] Là công dân Đức Giáo hoàng như đã nói ở phần tiểu sử Giáo sĩ Alexandre
de Rhodes hoạt động vì sứ mạng truyền bá Phúc Âm. Công trình văn học của
giáo sĩ dù to tát đến đâu cũng là phụ thuộc sánh với sự nghiệp thành
lập Giáo hội Việt Nam mà giáo sĩ đã tích cực góp phần xây dựng. Trong
nhận định này, tôi xin đồng ý với Phạm Đình Khiêm khi tác giả này chỉ
trích luận điệu sai lầm của sử gia Iaboulet: Le père Alexandre de Rhodes
Introduisit le Christianisme et la France au Việt Nam (Giáo sĩ Đắc Lộ
đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam), La geste française en
Indochine, Tome I, trang 9. Xem chú thích 3, trang 204 – 205 trong sách
Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm, Tinh Việt xuất bản, Sài gòn, 1959.
[28] Võ Long Tê, “Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam”, cuốn 1, của NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 238-249.
[29] Võ Long Tê, “Lịch sử Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, xin xem phần thứ nhất, chương VI.
[30] Võ Long Tê, “Lịch sử Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, xin xem phần thứ nhất, chương IV.
[31] Võ Long Tê, “Lịch sử Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, xin xem phần Tiểu sử, chương VII.
[32]
Alexandre de Rhodes, Tự điển Việt-La-Bồ, cột 801. Nguyễn Khắc Xuyên
trích dịch trong Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, trang
LI.
[33] Alexandre de Rhodes Tự điển Việt-Bồ-La, cột 801.
Nguyễn Khắc Xuyên trích dịch trong Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, trong LI.
[34] Alexandre de Rhodes, Văn phạm
Việt ngữ. Thanh Lãng trích dịch, Biếu nhất làm văn học cận đại tập 9,
trang 25. Theo Thái Văn Kiểm, “trong cuộc Nam tiến, giọng nói của người
đã thay đổi rất nhiều theo với thời gian và không gian. Trong khi tiếp
xúc với dân Chàm, dân Miên, người Việt là bị ảnh hưởng trong cách phát
âm, ví dụ như ngoài Bắc nói đi về thì trong Nam nói đi dề hoặc đi bvề
hoặc đi bvìa, đi bgià, đi jyà, chính là chúng ta đã bị ảnh hưởng cách
phát âm của người Chiêm Thành, vì trong ngôn ngữ của họ có rất nhiều chữ
phát âm tương đương, ví dụ như chữ bia hoặc bja có nghĩa là công chúa,
cung phi, hoàng hậu. như Bia Tan Chan tức là Bà Chúa Ngọc vợ của vua Po
Romé, hiện còn thờ trong tháp Hậu sanh (Ninh Thuận) (Dẫn theo Gérard
Gagnon, Hồn Việt, Cần Thơ ẩn quân, 1959, tr. 315).
[35] Thanh Lãng trích dịch, sđd., trang 29 – 30.
[36] Thanh Lãng trích dịch, sđd., trang 27.
[37] Như trên, trang 27.
[38] Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ A-lich-sơn Đắc Lộ với chữ Quốc ngữ, bđd., trang 105.
[39] Võ Long Tê, “ Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam" , cuốn 1, của, nxb Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 249-258.
[40] Trương Bửu Lâm, Việt Nam khảo cổ, tập san số 2, trang 220.
[41]
Xem André Marillier, Le catéchisme du père Alexandre de Rhodes, bđd,
trang XXXIII –LI; Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong “Phép
giảng tám ngày” của Giáo sĩ Đắc Lộ, bđd., trang 37-57, và Tác phẩm Quốc
ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd., trang XXXVIX-LXVI; Le catéchisme en
langue vietnamiene romanisée du Père Alexandre de Rhodes, S 1, luận án
tại Đại học đường Rôma, 1958.
[42] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd., LVII.
[43] Alexandre de Rhodes, Histoire de Tunquin, trang 175-178 (…).
[44] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd, trang XLIV.
[45] Soeur Têrêsa Bùi Thị Minh Thuỳ, O.P., đã nhận định: Từ điển Việt-Bồ-La giúp hiểu rõ một số kinh đọc các dịp đặc biệt.
Xin
trích: “VRNs (19.06.2014) - Sài Gòn - Trong những ngày qua, tôi đã
dùng Từ điển Việt - Bồ - La để giải thích nghĩa các từ cổ trong các Kinh
đọc thường ngày, Chúa Nhật, Lễ Trọng và các Kinh cầu. Nhiều độc giả
khát khao được tôi giải thích thêm các Kinh nguyện giỗ (cầu cho linh hồn
nào đó mới qua đời, hoặc là trong những ngày giỗ), các Kinh phép ngắm
Rosa, các Kinh viếng Đàng Thánh Giá, các Kinh ngắm Bảy Sự Đức Mẹ (buồn -
vui), Bảy Sự Ông Thánh Giuse… Trong giới hạn của mình, với khát mong
đáp lại lòng yêu mến Chúa của giáo dân Việt Nam, tôi sẽ gởi đến quý vị
dần dần để quý vị kịp nguyện gẫm thật sâu, những tài sản quý giá các nhà
truyền giáo cũng như ông cha ta để lại. Nguyện Chúa chúc lành cho quý
vị.”
Xin xem tài liệu của soeur theo đường dẫn:
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.chuacuuthe.com/2014/06/tu-dien-viet-bo-la-giup-hieu-ro-mot-so-kinh-doc-cac-dip-dac-biet/
[46] Xin xem Võ Long Tê, sđd., trang 230. (Xem tái bản của Tinh Việt xuất bản, Sài Gòn, 1961.
[47]
Xin xem tài liệu “Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên”, Nguyễn
Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm. Tái bản trọn cuốn Phép Giảng Tám Ngày
của Alexandre de Rhodes, do André Marillier sao lục, chú thích và lập
bảng tham chiếu. Tinh Việt Văn Đoàn, Ban Sử học: 232/19 Hiền Vương,
Sài Gòn, 961 (Kỷ niệm Tam Bách Chu Niên). (Về Phép Giảng Tám Ngày, ngày
thứ nhất”, trang 3-4 và những trang kế tiếp).
[48] Xin xem Võ Long Tê, sđd., trang 229.
[49] Xin xem Võ Long Tê, sđd., trang 255-258.
[50] Huỳnh Văn Mỹ, “Khởi nguyên của chữ Quốc ngữ”, Hội thảo Khoa học, tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13/2016
[51] Nguyễn Văn Trung, Về sách báo của người Công giáo thế kỷ XVII-XIX, tr. 8.
[52] Xin xem “Hội thảo Khoa học, Bình Định với chữ Quốc ngữ” tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13, 2016 trang 39-40.
[53]
Xin xem tham luận của: TS. Đinh Bá Hoà, Hội Sử học Bình Định,
“PHILIPPHÊ BỈNH NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN GHI NHẬT KÝ VỀ VĂN HOÁ, LỊCH SỬ VIỆT
NAM VÀ BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ BẰNG CHỮ LA TINH”, trong “Hội thảo
Khoa học, Bình Định với chữ Quốc ngữ” tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13, 2016,
trang 481tt.
[54] J.L. Taberd, “Dictionarium
ANNAMITICO-LATINUM, NXB VĂN HỌC, TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC, trong
phần Lời nói đầu của Mai Quốc Liên, GSTS Văn Học, Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Quốc học (6-2004), có đề cập các tự điển “có giá trị nhiều
mặt. Từ điển A. de. Rhodes (Rome 16510, Từ điển J.S. Theurel (Ninh Phú,
1877), Từ điển J.F.M. Génibrel (Tân Định, 1898), Dictionarium Annamitico
- Latinum của J.L. Taberd (Serampore, 1838)… chính là những công trình
như thế. (…) Các vị ấy đã cung cấp tư liệu, ý kiến, tham gia làm sách
(như trường hợp chủng sinh Philiphê Phan Văn Vinh (*) (về sau được phong
làm linh mục) đối với Từ điển Taberd) (…).
Quí vị nào muốn đào
sâu về Từ điển này J.L. Taberd của ,và những bài viết của các tác giả
công giáo khác như P. Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, cuốn tự điển
Paulus Của (…), xin đọc trang LXII-LXVI.
(*) Theo Hoàng Xuân Việt, trong tác phẩm “Tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ” ghi “Phan Văn Minh”.
+ Xin đọc: Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd
và Di sản Văn hoá Việt Nam”, Lambersart, ngày 03/06/2004 (về tiểu mục:
thân thế sự nghiệp, nội dung cuốn tự điển tt).
[55] Xin
xem J.L. Taberd “Dictionarium ANAMITICO LATINUM”, NXB Văn Học, Trung tâm
Nghiên cứu Quốc học (1 9/04/2004). Phần Ghi chú về các Tự vị của Đứcc ha
Taberd xuất bản ở Bengale năm 1838, 1trang LXIII – LXIV, bài của
Louis Malleret.
[56] Soeur Têrêsa Bùi Thị Minh Thuỳ, O.P., đã nhận định: Từ điển Việt - Bồ - La giúp hiểu rõ một số kinh đọc các dịp đặc biệt.
Xin
trích: “VRNs (19.06.2014) – Sài Gòn - Trong những ngày qua, tôi đã
dùng Từ điển Việt - Bồ - La để giải thích nghĩa các từ cổ trong các Kinh
đọc thường ngày, Chúa Nhật, Lễ Trọng và các Kinh cầu. Nhiều độc giả
khát khao được tôi giải thích thêm các Kinh nguyện giỗ (cầu cho linh hồn
nào đó mới qua đời, hoặc là trong những ngày giỗ), các Kinh phép ngắm
Rosa, các Kinh viếng Đàng Thánh Giá, các Kinh ngắm Bảy Sự Đức Mẹ (buồn -
vui), Bảy Sự Ông Thánh Giuse… Trong giới hạn của mình, với khát mong
đáp lại lòng yêu mến Chúa của giáo dân Việt Nam, tôi sẽ gởi đến quý vị
dần dần để quý vị kịp nguyện gẫm thật sâu, những tài sản quý giá các nhà
truyền giáo cũng như ông cha ta để lại. Nguyện Chúa chúc lành cho quý
vị.”
Xin xem tài liệu của soeur theo đường dẫn:
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.chuacuuthe.com/2014/06/tu-dien-viet-bo-la-giup-hieu-ro-mot-so-kinh-doc-cac-dip-dac-biet/
[57]
Lm Mátthêu Đức, “Văn Quốc ngữ” về cuộc đời Cha Minh và ông lái Gẫm,
1840-1900, Imprimerie de la Mission à Sài Gòn,Tân Định, 1902.
[58]
“Văn Quốc ngữ” của Philiphȇ PHAN Văn Minh 1815-1853, Phi Năng thi tập,
1842, Recueil de Penang, Traduction, commentaires et notes de Marie
Colombe BACH PHAN, S3Bael. In tại Paris, mai 2015”, đã trích đoạn của
Hoàng Xuân Việt, trong “Tìm hiểu chữ Quốc ngữ”.
[59] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 236.
Là
công dân Đức Giáo hoàng như đã nói ở phần tiểu sử giáo sĩ Alexandre de
Rhodes hoạt động vì sứ mạng truyền bá Phúc Âm. Công trình văn học của
giáo sĩ dù to tát đến đâu cũng là phụ thuộc sánh với sự nghiệp thành lập
Giáo hội Việt Nam mà giáo sĩ đã tích cực góp phần xây dựng. Trong nhận
định này, tôi xin đồng ý với Phạm Đình Khiêm khi tác giả này chỉ trích
luận điệu sai lầm của sử gia Iaboulet: Le père Alexandre de Rhodes
Introduisit le Christianisme et la France au Việt Nam (Giáo sĩ Đắc Lộ
đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam), La geste française en
Indochine, Tome I, trang 9. Xem chú thích 3, trang 204 - 205 trong sách
Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm, Tinh Việt, NXB Sài Gòn, 1959.
Kontum ngày 15/02/2016