Kể từ sau năm 1975, tuy công cuộc truyền giáo cũng như tổ chức sinh hoạt cho đồng bào dân tộc gặp ít nhiều khó khăn, nhưng số người vào đạo vẫn không ngừng gia tăng. Ngay trong ngày được tấn phong, giám mục đương kim đã nói lên hai mối quan tâm mục vụ ưu tiên của ngài mà một trong hai là đồng bào dân tộc. Mối quan tâm ấy đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu làm giám mục, nhất là từ khi lãnh đạo giáo phận, qua những cuộc thăm viếng, những kế hoạch thăng tiến đồng bào dân tộc cả về tôn giáo lẫn văn hoá, những cuộc hội họp thường xuyên của các linh mục phụ trách, những sự giúp đỡ cụ thể, những vận động để có được giáo sĩ và tu sĩ người dân tộc.
Đồng bào dân tộc hoạt động tôn giáo hoặc trong các giáo xứ dành riêng, hoặc trong các xứ khác xen lẫn với người Kinh. Tại Đà Lạt, trung tâm Cam Ly không còn được hoạt động như trước. Bù lại, giáo xứ Lang Biang, một giáo xứ hầu như gồm toàn người dân tộc, trở thành trọng điểm truyền giáo. Các giáo hạt Di Linh và Bảo Lộc cũng có những giáo xứ, giáo họ toàn đồng bào dân tộc (Kala, Tam Bố, Kaming, B’Deur). Tại các huyện, rất nhiều giáo xứ tổ chức những sinh hoạt tôn giáo riêng cho đồng bào dân tộc sống trong phạm vi hay lân cận với giáo xứ, với những thánh lễ và lớp giáo lý riêng.
Cũng nằm trong chiều hướng truyền giáo và phát triển văn hoá người dân tộc, có hai công trình không thể không nhắc đến: công trình dịch thuật và công trình bảo tồn chứng tích văn minh. Công trình dịch thuật do một số cha phụ trách đồng bào dân tộc thực hiện: dịch kinh lễ và nghi thức bí tích sang tiếng dân tộc (Cơ Ho), biên soạn tự điển. Còn công trình bảo tồn chứng tích văn minh do chính Đức cha đề xướng: thu góp các dụng cụ sinh hoạt đủ loại, những sách vở và hình ảnh về đồng bào dân tộc, và sắp xếp thứ tự trong một căn phòng khang trang rộng rãi ở toà giám mục.
|