Phẩm trật được hiểu theo nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Phẩm trật theo chức thánh bao gồm Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục và phó tế. Những người này lãnh nhận chức thánh để thi hành tác vụ mục vụ và bí tích của Giáo Hội. Phẩm trật theo quyền tài phán bao gồm Đức Thánh Cha, các giám mục hợp pháp và các vị khác được Giáo Hội uỷ nhiệm. Đây chính là Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo phẩm Công giáo Roma có ba quyền: giáo huấn, thánh hoá và cai quản. Ba quyền này tương ứng với ba nhiệm vụ được trao phó cho Đức Kitô để cứu độ thế giới. Đức Kitô đã chuyển giao 3 nhiệm vụ này và các quyền tương ứng cho các tông đồ và những người kế vị các ngài.
Đức Giáo hoàng (The Pope, do từ Hy Lạp Pappas: Cha)
Tên gọi này lúc đầu dành cho tất cả các vị giám mục, vì tính cách làm cha thiêng liêng của các ngài. Sau này, tên đó được dành riêng cho vị Giám mục Roma, với tư cách là người kế vị Thánh Petrus (Phêrô) và là thủ lĩnh của Giáo Hội toàn cầu. Giáo hoàng còn mang nhiều danh hiệu khác nữa như Đức Thánh Cha, Thủ lĩnh các tông đồ, Thượng phụ Giáo chủ Tây Phương, Trưởng giáo nước Ý, Tổng giám mục và Tổng Giáo chủ giáo tỉnh Roma, Quốc vương nước Vatican, Người Tôi tớ trong các tôi tớ của Thiên Chúa.
Hồng y (Cardinal)
Hồng y là một chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo Roma, xếp ngay dưới giáo hoàng. Các hồng y họp thành Hồng y đoàn. Các ngài được giáo hoàng chỉ định để trợ giúp và cố vấn trong việc quản trị Giáo Hội. Các ngài có áo khoác và mũ đỏ theo mẫu riêng. Hồng y được chia làm 3 cấp: giám mục, linh mục và phó tế. Các thượng phụ giáo chủ Đông Phương được nhận vào hồng y đoàn và lấy toà thượng phụ của mình làm tước hiệu. Hồng y Niên trưởng luôn giữ tước hiệu của giáo phận Ostia. Theo Giáo luật mới (x. GL 351), ai chưa làm giám mục thì phải được thụ phong giám mục trước. Các ngài có quyền bầu giáo hoàng và hợp thành Cơ Mật Hội thường lệ hay ngoại lệ.
Tính đến ngày 21-10-2003, Hồng y đoàn gồm 198 vị, trong đó có 140 vị còn quyền bầu giáo hoàng. Hiện nay, Giáo hội Việt Nam có 2 vị hồng y là ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn.
Thượng phụ Giáo chủ (Patriarch)
Đây là tước hiệu có từ thế kỷ thứ 6 và được dành cho các vị giám mục của 5 toà lớn trong cộng đoàn Kitô giáo: Roma, Constantinople, Antioch, Alexandria và Jerusalem. Sau đó, tước hiệu này phổ biến hơn và dùng cho các toà quan trọng khác ở Giáo hội Đông Phương như Lisbon, Đông Ấn Độ, Tây Ấn Độ và cả Venice. Vị thượng phụ là thủ lĩnh của các tín hữu thuộc nghi lễ của ngài ở mọi nơi trên thế giới. Ngài có thẩm quyền cao cấp nhất trong Giáo hội của mình chỉ sau giáo hoàng.
Theo Niên Giám 2003 của Toà Thánh, các thượng phụ hiện nay gồm: Đức Giáo hoàng Joannes Paulus II, Thượng phụ Giáo chủ Tây Phương; Đức Stephanos II Ghattas, miền Alexandria, cho người Coptic; Đức Hồng y Ignace Moussa I Daoud, Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông Phương, Đức Ignace Pierre VIII Abdel - Ahad cho miền Syri, Đức Grégoire III Laham cho người Hy Lạp Melkite và Đức Ignace Antoine II Hayek; Đức Hồng y N. Pierre Sfeir, miền Antioch, cho người Maronites; Đức Michael Sabbah, miền Jerusalem, cho người theo nghi lễ La Tinh; Đức Raphặl I Bidawid, miền Babylon, cho người Chaldé; Đức Nerses B. XIX Tarmouni, cho người Cicilia và Đức Jean Pierre XVIII Kasparian của miền Cilicia cho người Armenia; Đức Raul Nicolau Gonsalves, ở Đông Ấn Độ; Đức José da Cruz Policarpo, ở Lisbon và Đức Hồng y Angelo Scola ở Venice.
Tổng giám mục (Archbishop)
Trong Giáo hội La Tinh, lúc đầu, tước hiệu này dành cho một số giám mục coi các toà đặc biệt quan trọng. Ngày nay, tổng giám mục là tước hiệu dành cho vị giám mục cai quản một hay nhiều giáo phận trong một giáo tỉnh, vì tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, vị này chỉ có quyền tài phán trực tiếp trên giáo phận của mình. Những tổng giám mục hiệu toà không có quyền tài phán trên giáo phận thực tế, nhưng nhận tước hiệu danh dự này vì lý do lịch sử hoặc thuần tuý cá nhân.
Tổng giám mục chính toà có nhiệm vụ lo cho đức tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân giữ nghiêm chỉnh (GL., điều 436). Biểu tượng quyền của tổng giám mục là dây Pallium do giáo hoàng ban.
Trong Giáo hội Đông Phương, đây là tước hiệu của một giám mục có toà quan trọng, hoặc là có toà nằm ngoài chức thượng phụ, nên gọi là trưởng giáo chủ (metropolitan).
Trong Giáo hội Công giáo Roma, trước kia có một vài tổng giám mục có đặc ân hoặc quyền tài phán ưu tiên trên các tổng giám mục khác. Vị này được gọi là giáo trưởng (primate), vì là giáo phận được thành lập đầu tiên như Lyon, Baltimore. Ngày nay, tước hiệu này chỉ có tính cách danh dự gắn liền với toà giám mục theo truyền thống. Thí dụ: tổng giám mục Lyon là giáo trưởng xứ Gaul.
Giám mục (Bishop)
Giám mục là người kế vị các tông đồ, được đặt làm Mục Tử trong Giáo Hội, để thi hành nhiệm vụ thánh hoá, giảng dạy và lãnh đạo trong sự hiệp thông với vị thủ lĩnh là Giám mục Roma và các giám mục khác trong giám mục đoàn (x. GL. điều 375). Giám mục giáo phận (diocesan bishop) là người được trao nhiệm vụ cai quản một giáo phận thực tế. Các vị khác là giám mục hiệu toà (titular bishop): các vị này nhận tên một giáo phận trước kia đã có, nhưng thực tế hiện nay chỉ còn danh hiệu. Thí dụ: Cố Giám mục Aloisio Phạm Văn Nẫm có hiệu toà Acufida ở Mauritania. Các giám mục phó (coadjutor bishop) là phụ tá của giám mục giáo phận và có quyền kế vị. Giám mục phụ tá (auxiliary bishop) cũng giúp đỡ giám mục giáo phận nhưng không có quyền kế vị.
Trong Giáo hội Đông Phương, giám mục được gọi là giám quản (eparch) hay tổng giám quản (exarch). Vị này có địa vị thấp hơn thượng phụ, nhưng cai quản một giáo tỉnh (exarchate) hay một giáo hạt (eparchate) tương đương với một hay nhiều giáo phận trong Giáo hội La Tinh.
Giám mục đoàn là toàn thể các giám mục, hiệp thông với thủ lĩnh là giáo hoàng, liên đới, chịu trách nhiệm về đức tin và sứ mạng của Giáo Hội. Đây là chủ thể nắm quyền tối cao và trọn vẹn đối với Giáo Hội phổ quát (x. GL., điều 336). Giám mục đoàn thi hành quyền bính ấy cách long trọng trong công đồng chung (x. GL., điều 337).
Các vị khác có thường quyền tài phán
Ngoài giáo hoàng và giám mục giáo phận, các đấng bản quyền (ordinary) có thể là đại diện tông toà (apostolic vicar), phủ doãn tông toà (apostolic prefect) hay giám quản tông toà (apostolic administrator). Đại diện tông toà thường là một giám mục hiệu toà, có thường quyền tài phán trên một xứ truyền giáo. Phủ doãn tông toà có quyền trên một xứ truyền giáo nhưng thường không có chức giám mục. Giám quản tông toà thường là một giám mục được chỉ định để điều hành tạm thời một giáo phận khi toà giám mục của giáo phận này bị khuyết vị.
Đối với các tu sĩ, các người có thường quyền tài phán là bề trên tổng quyền (general superior), tu viện trưởng (primate abbot) chỉ là người điều hợp chứ không có quyền trên các tu viện khác, hoặc các bề trên khác. Các viện phụ (abbots) do cộng đoàn bầu lên hành xử một phụ quyền thiêng liêng, nhờ uy tín đạo đức và sự thánh thiện của các ngài. Các vị bề trên này thường không có chức giám mục, nhưng được dùng phẩm phục giám mục, được cử hành bí tích Thêm sức. Tu viện trưởng biệt hạt (abbot nullius) cai quản tu viện nhưng lại coi sóc một lãnh thổ như một giám mục và thường có chức giám mục.
Ngoài ra, còn có các vị có thường quyền tài phán và mục vụ đối với các quân nhân trong một khu vực đại diện tông toà (military vicariate). Các khu vực này do các vị đại diện tông toà cai quản, thường có chức giám mục. Hiện nay, có 33 khu vực như thế trên một số nước trong Giáo Hội toàn cầu như: Argentina, Australia, Bỉ, Bolivia, Brazil, Canada... (x. Annuario Pontificio 2002, tr. 1.114 - 1.122). Đặc biệt, giám chức đối nhân là vị có thường quyền tài phán đối với các người thuộc một cộng đoàn đặc biệt nào đó. Hiện nay, có một vị giám chức duy nhất dành cho tổ chức Opus Dei là giám mục Javier Echevarria Rodriguez. Ngài cai quản 1.709 trung tâm mục vụ với 1.819 linh mục, 366 chủng sinh và 82.765 tín hữu thuộc cộng đoàn đặc biệt này. (x. Annuario Pontificio 2003, tr. 969).
Cuộc kính viếng mộ hai thánh Tông đồ (Ad Limina Visit)
Các giám mục giáo phận và đại diện tông toà theo lệ thường buộc phải sang Roma, cứ 5 năm một lần, để viếng mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, yết kiến Đức Thánh Cha và tham kiến các viên chức Vatican về những vấn đề có liên quan. Các ngài phải gửi báo cáo về tình hình cai quản giáo phận cho Bộ Giám mục hoặc Bộ Truyền giáo trong khoảng 3-6 tháng trước chuyến đi.
|