Chương IV
Kinh Nhật Tụng
83. Kinh nhật tụng, lời nguyện của Ðức Kitô và Giáo Hội. Là Thượng Tế của Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này một bản thánh ca vẫn còn được hát lên qua mọi thời đại nơi ngai tòa thiên quốc. Chính Người kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và liên kết họ với Người để cùng hát bản thánh ca ngợi khen này.
Thực vậy, Người tiếp tục chức vị tư tế đó qua chính Giáo Hội của Người: Giáo Hội không những chỉ cử hành Lễ Tạ Ơn, mà còn bằng nhiều cách khác, nhất là việc chu toàn Kinh Nhật Tụng, không ngừng ca tụng Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới.
84. Kinh nhật tụng, để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì, thực ra, khi các linh mục chu toàn đúng nghi thức bài ca ngợi khen tuyệt diệu đó, cũng như những người khác được ủy nhiệm làm công việc đó theo sự thiết định của Giáo Hội, hoặc các Kitô hữu hợp cùng linh mục cầu nguyện theo thể thức đã được chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính Hiền Thê nói với Ðấng Phu Quân mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha.
85. Nhân danh Mẹ Giáo Hội chu toàn việc ca khen Thiên Chúa. Bởi vậy, tất cả những người thực thi các việc đó, thì vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của Hiền Thê Chúa Kitô, bởi vì họ đứng trước ngai Thiên Chúa, để nhân danh Giáo Hội là Mẹ mà chu toàn việc ca khen Người.
86. Giá trị mục vụ của kinh nhật tụng. Các Linh Mục miệt mài với công việc mục vụ thánh, càng sốt sắng chu toàn các Giờ ngợi khen nếu càng ý thức sống động hơn rằng mình phải tuân giữ lời căn dặn của Thánh Phaolô: "Hãy cầu nguyện không ngừng" (1Th 5,17); vì chưng, chỉ một mình Chúa mới có thể ban hiệu quả và sự tiến triển cho công việc họ làm, vì Chúa đã phán: "Không có Ta, các con không thể làm được việc gì" (Gio 15,5). Vì thế, khi thiết lập hàng Phó Tế, các Tông Ðồ đã nói: "Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên tâm đến việc cầu nguyện và giảng dạy" (CvTđ 6,4).
87. Công trình cải tổ. Nhưng để Kinh Nhật Tụng được các Linh Mục hay các phần tử khác trong Giáo Hội chu toàn một cách tốt đẹp và hoàn hảo hơn trong những hoàn cảnh hiện tại, Thánh Công Ðồng theo đuổi công trình cải tổ mà Tông Tòa đã khởi sự tốt đẹp, quyết ấn định những điều sau đây về Kinh Nhật Tụng theo nghi lễ Roma.
88. Cải tổ cách xếp đặt các giờ kinh. Vì mục đích của Kinh Nhật Tụng là thánh hóa ngày sống, nên chương trình cổ truyền của các Giờ phải được cải tổ cho phù hợp với giờ khắc thật được chừng nào hay chừng đó. Ðồng thời phải lưu ý đến những hoàn cảnh cuộc sống hiện tại nhất là của những người đảm trách công việc tông đồ.
89. Những qui tắc trong việc canh tân kinh nhật tụng. Bởi vậy, việc canh tân Kinh Nhật Tụng phải giữ những nguyên tắc sau đây:
a) Theo truyền thống khả kính của toàn thể Giáo Hội, lời Kinh Ca Ngợi là giờ kinh ban mai và Giờ Kinh Chiều là lời nguyện ban chiều như hai cột trụ của Kinh Nhật Tụng, phải được coi là hai giờ chính và phải cử hành như vậy.
b) Giờ Kinh Tối phải được xếp đặt thích hợp với cuối ngày.
c) Giờ Kinh gọi là Kinh Mai, mặc dù vẫn giữ được tính cách của lời ca tụng ban đêm trong kinh hội, nhưng cần phải thích nghi thế nào để có thể đọc bất cứ giờ nào trong ngày và giờ kinh này sẽ gồm ít ca vịnh hơn và các bài đọc sẽ dài hơn.
d) Giờ Kinh Nhất được bãi bỏ.
e) Trong kinh hội, sẽ giữ các Giờ Nhỏ: giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín. Ngoài kinh hội, được phép chọn một trong ba giờ: giờ nào thích hợp hơn với thời khắc mình đọc trong ngày.
90. Kinh nhật tụng khơi nguồn đạo đức. Ðàng khác, vì Kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, là nguồn đạo đức và của ăn cho kinh nguyện tư nhân, cho nên, vì danh Chúa, khẩn khoản nài xin các linh mục và tất cả những ai tham dự Kinh Nhật Tụng, khi thi hành Kinh Nhật Tụng, hãy hòa hợp tâm trí của mình với lời mình đọc. Ðể đạt được điều đó một cách tốt đẹp hơn, họ phải lo cho mình có kiến thức dồi dào hơn về Phụng Vụ và Thánh Kinh nhất là về các Thánh Vịnh.
Tuy nhiên, khi thi hành việc canh tân này, cần phải thích nghi kho tàng cổ kính của Kinh Nhật Tụng Rôma thế nào để tất cả những ai được ủy nhiệm điều đó có thể được hưởng nhờ cách phong phú và dễ dàng hơn.
91. Phân chia các thánh vịnh. Ðể chương trình các Giờ Kinh đề cập ở khoản 89 được thực sự tuân giữ, các Thánh Vịnh không còn được phân chia trong vòng một tuần lễ, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn.
Công việc tu chỉnh phần Thánh Vịnh, đã khởi sự tốt đẹp, phải được hoàn thành sớm hết sức, nhưng vẫn tôn trọng lối văn La tinh Kitô giáo, tôn trọng tập quán phụng vụ ngay cả trong khi hát, và tất cả truyền thống của Giáo Hội La tinh.
92. Xếp đặt các bài đọc. Về các bài đọc, phải giữ những điều sau đây:
a) Việc đọc Thánh Kinh, phải xếp đặt thế nào để người ta có thể dễ dàng đến với kho tàng lời Chúa một cách đầy đủ bao quát hơn.
b) Các bài đọc trích trong tác phẩm các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ và Văn Sĩ Giáo Hội phải được chọn lựa kỹ lưỡng hơn.
c) Truyện các Thánh Tử Ðạo hoặc hạnh các Thánh phải phù hợp với chứng cớ lịch sử.
93. Duyệt xét các thánh thi. Nếu thấy thích hợp thì các thánh ca phải được hoàn lại hình thức ban đầu, và phải gạt bỏ hay thay đổi những gì có tính cách thần thoại hay ít thích hợp với nền đạo đức Kitô giáo. Lại nữa, nếu cần, cũng chấp nhận thêm những bản khác tìm thấy trong kho tàng các thánh ca.
94. Thời gian đọc các giờ kinh. Ðể đích thực thánh hóa ngày sống hoặc để đọc chính các Giờ Kinh cho có hiệu quả thiêng liêng, trong khi chu tất các Giờ Kinh, cần phải giữ thời gian theo sát với thời gian thật của mỗi Giờ Kinh đã thiết định.
95. Buộc đọc kinh nhật tụng. Các cộng đoàn buộc giữ kinh hội, ngoài Thánh Lễ tu hội, còn buộc phải cử hành Kinh Nhật Tụng mỗi ngày trong kinh hội; đó là:
a) Các Hội Dòng Kinh Sĩ, Ðan Sĩ nam, nữ và các Tu Sĩ khác có bổn phận kinh hội, do Giáo Luật hay Hiến Pháp của Dòng, đều phải cử hành toàn Kinh Nhật Tụng.
b) Các Kinh Sĩ nhà thờ chánh tòa hoặc nhà thờ kinh sĩ sẽ đọc những phần Kinh Nhật Tụng nào mà luật chung hay luật riêng ấn định.
c) Tuy nhiên, mọi phần tử của các cộng đoàn đó hoặc đã nhận chức thánh hoặc đã khấn trọng thể, trừ các thầy trợ sĩ, buộc phải đọc riêng những Giờ Kinh đã thiết định, nếu họ đã không đọc trong kinh hội.
96. Các giáo sĩ không thuộc kinh hội. Các giáo sĩ không thuộc kinh hội, nếu đã nhận chức thánh, thì hằng ngày buộc phải đọc trọn Kinh Nhật Tụng, hoặc với cộng đoàn hoặc riêng một mình, theo khoản 89.
97. Qui tắc chữ đỏ. Qui tắc chữ đỏ sẽ minh định khi nào có thể thay thế Kinh Nhật Tụng bằng hoạt động phụng vụ.
Tùy theo từng trường hợp, và nếu có lý do chính đáng, các Ðấng Bản Quyền có thể chuẩn cho những người dưới quyền mình được bỏ tất cả hay một phần Kinh Nhật Tụng hoặc có thể thay thế hẳn Kinh Nhật Tụng.
98. Các hội viên của Tu Hội theo Hiến Pháp của Dòng. Các hội viên của bất cứ Tu Hội nào nhằm nên trọn lành mà theo Hiến Pháp của dòng chu toàn được đôi phần Kinh Nhật Tụng, thì đã thi hành được kinh nguyện công cộng của Giáo Hội.
Cũng thế, nếu theo Hiến Pháp mà họ đọc Kinh Nhật Tụng vắn tắt, thì họ cũng thi hành kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, miễn là kinh vắn tắt đó được soạn thảo theo kiểu Kinh Nhật Tụng và được phê chuẩn hợp lệ.
99. Ðọc kinh nhật tụng chung. Vì Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể công cộng ngợi khen Thiên Chúa, nên khuyên các giáo sĩ không thuộc kinh hội, và nhất là các linh mục đang sống chung hoặc tụ họp , hãy chu toàn chung với nhau, ít nữa là một phần Kinh Nhật Tụng.
Tuy nhiên, tất cả những ai chu toàn Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc chung với nhau, phải thi hành nhiệm vụ ủy thác đó một cách hết sức hoàn hảo cả về tâm hồn sùng kính bên trong cũng như cách cử hành bên ngoài.
Ðàng khác, nên tùy dịp thuận tiện mà hát Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc hát chung với nhau.
100. Giáo dân tham dự kinh nhật tụng. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải lo cho các Giờ Kinh chính yếu, nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ, vào những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng. Cũng khuyên cả các giáo dân hãy đọc Kinh Nhật Tụng, hoặc cùng với các linh mục hoặc khi tụ họp chung với nhau hoặc riêng một mình.
101. Ngôn ngữ trong kinh nhật tụng.
1 Theo truyền thống ngàn đời của nghi lễ La tinh, các giáo sĩ phải duy trì tiếng La tinh trong Kinh Nhật Tụng. Tuy nhiên, tùy trường hợp riêng biệt, Ðấng Bản Quyền có quyền cho dùng bản dịch tiếng bản quốc, chiếu theo qui tắc khoản 36, cho những giáo sĩ mà việc dùng tiếng La tinh là một ngăn trở lớn lao khiến không thể chu toàn Kinh Nhật Tụng cho đúng mức đòi hỏi được.
2 Bề Trên Thẩm Quyền có thể cho phép các nữ đan sĩ, các nam tu sĩ không phải là giáo sĩ và các nữ tu thuộc các tu hội, được dùng tiếng bản quốc trong Kinh Nhật Tụng cả khi cử hành trong kinh hội, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
3 Giáo sĩ nào buộc đọc Kinh Nhật Tụng, mà cử hành Kinh Nhật Tụng bằng tiếng bản quốc chung với cộng đoàn tín hữu, hoặc với những người đã nói ở số 2, thì cũng đã chu toàn bổn phận rồi, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
|