1. Đại kết Đông Phương
Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum, đã nêu bật vai trò đặc biệt mà các giáo hội này phải đảm nhận “trong việc thăng tiến sự hợp nhất giữa mọi Kitô hữu”.
Giáo hội Đông Phương thông hảo với Toà Thánh Roma có trọng trách đặc biệt phải xúc tiến việc hợp nhất các Kitô hữu, nhất là các Kitô hữu Đông Phương, dựa theo các nguyên tắc mà Công đồng Vatican II bàn tới trong Sắc lệnh “Về hợp nhất”, nhất là họ phải cầu nguyện và làm gương sáng trong đời sống, trung thành với những truyền thống đạo giáo Đông Phương thời xưa, tìm hiểu lẫn nhau sâu xa hơn, cộng tác và đánh giá con người và sự vật trong tình huynh đệ (Số 24).
Các anh em ly khai Đông Phương, khi trở về hợp nhất với Công giáo theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, sẽ không đòi phải làm gì hơn là chỉ tuyên xưng đức tin Công giáo. Lại nữa, vì chức vụ linh mục đã thành sự nơi họ vẫn được bảo tồn, nên các giáo sĩ Đông Phương, khi trở về hợp nhất với Giáo hội Công giáo, vẫn còn quyền thi hành chức vụ riêng theo những quy luật do Đấng có thẩm quyền chỉ định (số 25).
“Luật Chúa cấm thông dự vào sự thánh có phương hại đến vấn đề hợp nhất của Giáo Hội, hoặc đưa đến sai lầm hay nguy cơ lạc hướng đức tin, sinh ra gương mù gương xấu và tạo nên thái độ lãnh đạm. Việc thực hành mục vụ chứng tỏ rằng: đối với những vấn đề liên quan đến anh em Đông Phương, người ta có thể và phải xét tới hoàn cảnh cá biệt của từng người, trong đó có những hoàn cảnh không phương hại đến sự hợp nhất của Giáo Hội, cũng không đưa tới những hiểm nguy phải tránh, nhưng chỉ thấy sự cần thiết của ơn cứu rỗi và lợi ích thiêng liêng của các linh hồn thúc bách” (số 26).
Trước mọi hoàn cảnh, thời gian, nơi chốn và nhân sự, Giáo hội Công giáo vẫn đang còn chủ trương một phương thức hành động mềm dẻo, đề ra những phương thế cứu rỗi và biểu dương tình bác ái của Kitô hữu cho hết mọi người qua việc tham dự vào các bí tích, cũng như các cuộc cử hành phụng vụ khác. Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, Công đồng Vatican II đã ấn định nguyên lý hành động sau đây:
“Chiếu theo các nguyên tắc vừa được nhắc trên đây, có thể ban các bí tích Rửa tội, Hoà giải, và Xức dầu bệnh nhân cho những tín hữu Đông Phương vì lòng ngay lành đã ly khai với Giáo hội Công giáo, nếu tự ý họ xin và đã chuẩn bị tâm hồn một cách thích đáng. Hơn nữa, người Công giáo cũng được quyền xin chịu những bí tích này nơi các thừa tác viên thuộc các giáo hội ngoài Công giáo có những bí tích ấy thành sự, mỗi khi cần thiết hay ích lợi thiêng liêng đòi hỏi, trong trường hợp ngăn trở thể lý cũng như luân lý, không thể tìm tới linh mục Công giáo được” (số 27).
“Cũng theo các nguyên tắc trên, khi có lý do chính đáng, người Công giáo và anh em ly khai Đông Phương có thể cùng nhau thông dự vào những cuộc cử hành phụng tự, dùng chung những đồ vật thánh và nơi thánh” (số 28). Các giám mục sẽ quyết định cụ thể về việc thực hành này.
Những văn kiện quan trọng gần đây liên quan tới các mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Đông Phương ly khai là Tông thư Ánh sáng từ Đông Phương (Orientate Lumen), công bố ngày 5-5-1995; Thông điệp Để họ nên một (Ut Unum Sint), công bố ngày 30-5-1995, Tuyên ngôn Kitô học, được ký kết ngày 11-11-1994 giữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Thượng phụ Giáo chủ Mar Dinkha IV của Giáo hội Assyria Đông Phương; và Tuyên ngôn của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ sự Hợp nhất Kitô hữu, ngày 25-10-2001, về việc đón nhận Thánh Thể giữa Giáo hội Chaldea và Assyria.
2. Phong trào Đại kết Kitô giáo
Phong trào Đại kết hiện nay, phát xuất từ các học giả và nhiều người khác trong thế kỷ XIX, đã hình thành cơ cấu tổ chức từ năm 1910 nơi các anh em Tin Lành và Chính Thống, và đã dẫn tới việc thành lập Hội đồng các Giáo hội Thế giới vào năm 1948. Phong trào này phát triển bên ngoài mối quan tâm chính của Giáo hội Công giáo trong nhiều năm. Hiện nay, ngay cả đối với người Công giáo, Phong trào Đại kết đã trở thành một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất của thời đại chúng ta.
Đối với người Công giáo, cương lĩnh cho hoạt động đại kết bao gồm nhiều văn kiện khác nhau, trong đó đáng kể nhất là Sắc lệnh về Hợp nhất Unitatis Redintegratio, được Công đồng Vatican II ban hành ngày 21-11-1964. Những tài liệu khác, có tính nhấn mạnh hay mở rộng Sắc lệnh nói trên, bao gồm Lumen Gentium (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội), Orientalium Ecclesiarum (Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông Phương), và Gaudium et Spes (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay).
Gần đây hơn, Toà Thánh đã thể hiện mối quan tâm hàng đầu của phía Công giáo về đại kết qua các tài liệu như Chỉ nam cho việc áp dụng những nguyên tắc và những chuẩn mực về đại kết (1993), và Chiều hướng đại kết trong việc huấn luyện những người làm công tác mục vụ (1998). Các tài liệu ấy, cùng với Thông điệp Ut Unum Sint (1995) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã hướng dẫn cho các sáng kiến của phía Công giáo về đại kết. Bộ Giáo lý Đức tin cũng công bố một bản tuyên ngôn gồm 23 số, 6 chương, mang tựa đề Dominus Jesus, liên quan đến “tính chất độc đáo và phổ quát” của ơn cứu độ qua Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội. Tuyên ngôn đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 6-8-2000 và được ấn ký bởi Hồng y Ratzinger ngày 16-6-2000.
Sắc lệnh về Đại kết của Công đồng Chung Vatican II
Những trích dẫn sau đây từ Unitatis Redintegratio cho thấy bối cảnh và những nguyên tắc thần học rộng rãi cũng như hướng dẫn các nỗ lực của Giáo Hội trong Phong trào Đại kết.
Những người tin vào Đức Kitô và đã lãnh nhận phép Rửa cách đúng đắn đều được đưa vào trong một mối hiệp thông, dù rằng chưa hoàn toàn, với Giáo hội Công giáo. Rõ ràng, những dị biệt tồn tại trong những cấp độ khác nhau giữa họ và Giáo hội Công giáo, hoặc trong giáo thuyết, hoặc đôi khi trong các quy luật, hay trong liên quan đến cơ cấu Giáo Hội, thật sự có tạo ra nhiều cản trở, đôi khi rất nghiêm trọng, cho sự hiệp thông hoàn toàn. Phong trào Đại kết đang cố gắng vượt qua những cản trở đó (Số 3).
Các yếu tố chung của mọi Kitô hữu
“Hơn nữa, một số, hay thậm chí rất nhiều, những yếu tố quan trọng nhất hoặc những tài sản được trao ban góp phần xây dựng và làm sống động Giáo Hội, có thể không nằm trong bình diện hữu hình của Giáo Hội như: Lời Chúa ghi chép trong Thánh Kinh, đời sống trong ơn thánh, đức tin, cậy, mến và các ơn nội tâm do Thánh Thần ban, cùng những yếu tố hữu hình. Tất cả phát sinh từ Chúa Kitô và dẫn đưa về chính Người, thì đương nhiên cũng thuộc quyền Giáo Hội duy nhất của Người.
Các anh em ly khai với chúng ta cũng cử hành nhiều lễ nghi phụng vụ của Kitô giáo. Những lễ nghi ấy, chắc chắn có thể thật sự phát sinh đời sống ơn thánh và phải được công nhận là đường đưa đến sự thông hiệp vào ơn cứu rỗi, tuy cách thức có khác nhau tuỳ hoàn cảnh của mỗi Giáo hội hay cộng đoàn.
Do đó, dù chúng ta tin là họ còn khiếm khuyết, nhưng chính các giáo hội và các cộng đoàn ly khai ấy vẫn chưa trở thành vô nghĩa và vô giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi. Thật vậy, Thánh Thần của Chúa Kitô không khước từ sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý đã được uỷ thác cho Giáo hội Công giáo” (Số 3).
Tình trạng thiếu hợp nhất
“Nhưng các anh em ly khai với chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, các giáo hội của họ, không được hưởng sự hợp nhất, mà Chúa Kitô đã rộng ban cho những kẻ Người đã tái sinh và cho sống chung trong một thân thể duy nhất và trong đời sống mới, sự hợp nhất mà Thánh Kinh và truyền thống đáng kính của Giáo Hội đều tuyên xưng. Chỉ nhờ Giáo hội Công giáo của Chúa Kitô là “phương thế cứu rỗi chung” mới có thể đạt được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi. Chúng tôi tin Chúa đã uỷ thác cho cộng đoàn tông đồ, mà Phêrô lãnh đạo, tất cả sản nghiệp Tân Ước để tạo thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô ở trần gian. Tất cả những ai thuộc về Dân Chúa, một cách nào đó, đều phải sáp nhập vào thân thể ấy” (Số 3).
Phong trào Đại kết bao gồm những gì?
Ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Thánh Thần thúc đẩy, vô số các cố gắng đang được thực hiện bằng cầu nguyện, lời nói và việc làm nhằm đạt được sự hợp nhất hoàn toàn như Đức Giêsu Kitô mong ước. Vì thế, Công đồng mời gọi mọi tín hữu Công giáo nhận ra các dấu chỉ của thời đại và tham dự một cách hữu hiệu vào công cuộc đại kết.
Căn cứ vào các nhu cầu và các cơ hội khác nhau của Giáo Hội, “phong trào đại kết” bao gồm những hoạt động tập thể và cá nhân được khởi sự và tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp nhất giữa các Kitô hữu. Đáng kể là:
Thứ nhất, phải cố gắng để loại bỏ những lời nói, mọi sự xét đoán và mọi hành động không phản ánh sự thật và không công bằng đối với hoàn cảnh của các anh em ly khai, điều đó làm cho các mối quan hệ trở nên khó khăn hơn.
Tiếp đến là công cuộc “đối thoại” giữa các chuyên viên của các giáo hội và các cộng đoàn khác nhau (đại kết về mặt học thuật).
Ngoài ra, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn trong mọi công cuộc thiện ích chung mà lương tâm Kitô giáo đòi hỏi (đại kết về mặt xã hội).
Các nhóm cũng đến với nhau để cùng cầu nguyện mỗi khi có cơ hội thuận tiện (đại kết về mặt linh đạo).
Sau cùng, tất cả cùng hướng đến việc kiểm điểm xem mình có trung thành với ý muốn của Đức Kitô về Giáo Hội không. Trong trường hợp cần thiết, tất cả sẽ mạnh dạn bắt tay vào việc cải cách và canh tân.
Rõ ràng, công việc sửa soạn và hoà giải những cá nhân muốn đi vào mối hiệp thông Công giáo trọn vẹn, tự bản chất của nó phân biệt hẳn với hoạt động đại kết. Nhưng không có sự đối lập nào giữa hai bên, bởi vì cả hai đều thuộc về sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa (Số 4).
Bổn phận hàng đầu của người Công giáo
Trong công cuộc đại kết, người Công giáo phải hết sức quan tâm đến các anh em ly khai, cầu nguyện cho họ, chia sẻ với họ về Giáo Hội, đi bước trước để đến với họ. Nhưng bổn phận trước tiên là phải đánh giá kỹ lưỡng và trung thực về những gì cần phải được nắm bắt và đổi mới ngay trong chính bản thân Giáo hội Công giáo, để đời sống của Giáo Hội có thể nên chứng tá sắc nét và trung thực hơn về những giáo huấn và những định chế đã được truyền lại từ Chúa Kitô qua các Tông đồ.
Mọi người Công giáo phải nhắm đến sự hoàn thiện Kitô giáo (x. Gc 1,4; Rm 12,1-2) và mỗi người, tuỳ hoàn cảnh mình, phải góp phần giúp Giáo Hội ngày càng được tinh luyện và mới mẻ hơn, hướng đến ngày được trình diện với Đức Kitô trong tất cả vinh quang rạng ngời, không tì vết của Giáo Hội (x. Ep 5,27).
Người Công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận, tôn trọng những giá trị thật sự được trao ban cho Kitô giáo, xuất phát từ cùng một di sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai.
Cũng đừng quên rằng những gì ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi các anh em ly khai cũng có thể góp phần xây dựng chúng ta. Bất cứ những gì thật sự thuộc về Đức Kitô đều không bao giờ đối lập với những chân giá trị của đức tin, trái lại, còn luôn luôn có thể giúp chúng ta đi sâu hơn vào chính mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội (Số 4).
Tham gia vào phụng tự
Các chuẩn mực liên quan đến việc người Công giáo tham gia vào phụng tự của các Giáo hội Kitô giáo khác được phác thảo trong sắc lệnh này của Công đồng và được chi tiết hoá trong các văn kiện khác như: Sắc lệnh của Công đồng Vatican II công bố năm 1964 về các Giáo hội Công giáo Đông Phương, Chỉ thị về Đại kết của Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến sự Hợp nhất Kitô hữu, xuất bản năm 1967, 1970, 1993.
Các chuẩn mực ấy cổ vũ việc cầu nguyện chung cho sự hợp nhất Kitô hữu và cho các ý chỉ khác. Xa hơn nữa, các chuẩn mực ấy vạch ra sự phân biệt giữa các giáo hội ly khai của truyền thống Cải Cách, của Liên hiệp Anh giáo và của các Giáo hội Đông Phương ly khai, dựa theo quan điểm chung về giáo thuyết và thực hành của Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Đông Phương, liên quan đến sự kế tục liên tiếp có tính tông truyền của các giám mục, đến các chức thánh, phụng vụ và các vấn đề khác về tín điều.
Người Công giáo không được phép tham dự đầy đủ các phụng vụ chính thức của anh em Tin Lành, vì việc này, bao hàm việc tuyên xưng đức tin được diễn tả trong phụng vụ.
3. Các cơ quan Đại Kết
Hội đồng Giáo hoàng: cơ quan cao nhất của những nỗ lực đại kết về phía Giáo hội Công giáo là Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ sự Hợp nhất Kitô hữu, được khai sinh năm 1960 trong tư cách là một Uỷ ban trù bị cho Công đồng Vatican II. Mục đích của cơ quan này là cung cấp những hướng dẫn và, khi cần, cung cấp sự hợp tác cho những cố gắng đại kết của những người Công giáo. Cơ quan cũng thiết lập và duy trì các mối quan hệ với những đại diện của các Giáo hội Kitô khác nhằm phục vụ cho công cuộc đối thoại và hoạt động đại kết.
Dưới sự lãnh đạo của Hồng y Walter Kasper, Hội đồng này đã thiết lập những mối liên hệ làm việc chặt chẽ với các cơ quan đại diện của các giáo hội khác và với Hội đồng các Giáo hội Thế giới. Hội đồng này đã tham gia vào cuộc đối thoại với các Giáo hội Chính Thống, với Liên hiệp Giáo hội Anh, với Liên hiệp Giáo hội Lutheran Thế giới, với Liên minh Thế giới các Giáo hội Cải Cách, với Hội đồng Thế giới Methodist,… Trong những năm gần đây, các thành viên và các đại diện của Hội đồng này đã tham dự cách này hoặc cách khác vào hầu hết các công cuộc đại kết trên khắp thế giới.
Hội đồng này và các cơ quan tương ứng, thuộc các giáo hội khác, đã tập trung chú ý ưu tiên đến những vấn đề thần học và những vấn đề liên quan đến sự hợp nhất Kitô hữu. Đồng thời các bên cũng đã bắt đầu ngày càng nhấn mạnh nhiều hơn đến trách nhiệm của các giáo hội trong việc nêu chứng tá hợp nhất và nỗ lực cộng tác trong những lĩnh vực nhân đạo.
Hội đồng các Giáo hội Thế giới (World Council of Churches)
Hội đồng các Giáo hội Thế giới là một nhóm các giáo hội nhìn nhận “Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ”. Tổ chức thường trực này là đại diện của 330 giáo hội với 450 triệu thành viên có mặt tại 100 quốc gia, có nhiệm vụ tiến hành những cuộc gặp gỡ, trao đổi, hợp tác liên quan đến những vấn đề về tín lý, phụng tự, công tác xã hội, rao giảng Tin Mừng, và những vấn đề khác mà các bên cùng quan tâm.
Hội đồng các Giáo hội Thế giới được chính thức thành lập ngày 23-8-1948 tại Amsterdam với một hiến pháp được thông qua bởi 147 nhóm khác nhau. Kể từ 1948, đã có những đại hội ở Evanston (1954); New Delhi (Ấn Độ, 1961), Uppsala (Thuỵ Điển, 1968), Nairobi (Kenya, 1975), Vancouver (Canada, 1983), Canberra (Australia, 1991) và Harare (Zimbabwe, 1998).
Mối liên lạc giữa Hội đồng các Giáo hội Thế giới và Vatican đã được duy trì kể từ năm 1966 qua một nhóm cộng tác viên. Giáo hội Công giáo Roma chưa phải là thành viên chính thức của Hội đồng.
Trụ sở chính của Hội đồng các Giáo hội Thế giới đặt tại Genève, Thuỵ Sĩ. Hội đồng này cũng duy trì các mối quan hệ huynh đệ với các hội đồng Giáo hội cấp địa phương, cấp quốc gia và cấp khu vực trên khắp thế giới.
|