"Nhà tù tệ hại nhất đó là con tim khép kín - The worst prison would be a closed heart"

ĐGH Gioan Phaolô II
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15317
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
VĂN KIỆN » Công Đồng Vatican II
S  M  L
(Cập nhật: 13/03/2008 - 08:54:11)
 
Hiến chế về Phụng vụ Thánh: Chương III

Chương III

Các Bí Tích Khác Và Các Á Bí Tích

 

59. Bản tính các bí tích. Các Bí Tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phương Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí Tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí Tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các Bí Tích Ðức Tin. Thực ra các Bí Tích ban ân sủng, nhưng việc cử hành các Bí Tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng đó một cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái.

Do đó, việc rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các Bí Tích, và hết sức siêng năng lui tới đón nhận các Bí Tích, là những Bí Tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.

60. Các á bí tích. Ngoài ra, Giáo Hội Mẹ Thánh còn thiết lập những Á Bí Tích. Ðó là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những Bí Tích, nhờ đó biểu trưng những hậu quả - nhất là những hậu quả thiêng liêng - và thông ban hậu quả đó nhờ sự bầu cử của Giáo Hội. Nhờ các Á Bí Tích ấy, con người được chuẩn bị lãnh nhận hậu quả chính yếu của các Bí Tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.

61. Phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích. Vì thế, phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích mang lại những hiệu quả này là: đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, thì hầu hết mọi biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại, vì Người là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các Bí Tích và Á Bí Tích. Hầu như không có việc xử dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào lại không có thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.

62. Canh tân nghi thức. Tuy nhiên, trải qua các thời đại, có một số yếu tố đã len lỏi vào các nghi thức Bí Tích và Á Bí Tích khiến cho bản chất và mục đích kém phần rõ ràng đối với thời đại chúng ta. Vậy cần phải thích nghi vài yếu tố trong các nghi thức đó cho hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta; nên trong việc duyệt xét lại những nghi thức ấy, Thánh Công Ðồng quyết định các điều sau đây.

63. Ngôn ngữ. Bởi vì việc dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành Bí Tích và Á Bí Tích, nhiều lúc có thể rất hữu ích cho dân chúng, nên sẽ dành cho nó một địa vị rộng rãi hơn, theo những qui tắc sau đây:

a) Tiếng bản quốc có thể được xử dụng trong khi cử hành các Bí Tích và Á Bí Tích theo qui tắc khoản 36.

b) Theo ấn bản mới của Sách Nghi Lễ Roma, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương phải soạn thảo càng sớm càng hay các sách nghi lễ riêng biệt thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, như đã bàn trong khoản 22-2 của Hiến Chế này. Sau khi đã được Tông Tòa duyệt y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền đã soạn thảo. Trong việc soạn thảo các sách nghi lễ này, hay những sách đặc biệt thu tập các nghi lễ, không được bỏ quên những huấn thị ghi ở đầu từng nghi lễ trong Sách Nghi Lễ Roma, dù là huấn thị về mục vụ, về qui tắc chữ đỏ, hay những huấn thị có giá trị xã hội đặc biệt.

64. Lớp dự tòng. Phải cải tổ lớp dự tòng cho người lớn, theo nhiều giai đoạn, và việc thực hiện phải tùy theo phán quyết của Ðấng Bản Quyền địa phương. Nhờ đó, thời gian dự tòng ấn định cho việc huấn luyện tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh cử hành trong những thời gian kế tiếp nhau.

65. Canh tân nghi lễ rửa tội. Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng còn được phép công nhận những yếu tố nhập giáo khác vẫn thấy xử dụng nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo, theo qui tắc khoản 37-40 của Hiến Chế này.

66. Nghi lễ Rửa Tội người lớn. Phải duyệt lại hai nghi lễ Rửa Tội người lớn, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể tùy theo tổ chức dự tòng được cải tổ lại; và sẽ đem vào Sách Lễ Roma một lễ đặc biệt trong dịp "ban phép Rửa Tội".

67. Nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ. Phải duyệt lại nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ, và thích nghi với thực trạng của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu phải được nêu rõ hơn trong chính nghi thức đó.

68. Khi có đông người chịu phép Rửa Tội. Khi có đông người chịu phép Rửa Tội, thì trong nghi lễ nên có những thích ứng tùy theo phán quyết của Ðấng Bản Quyền địa phương. Ngoài ra còn phải soạn thảo một nghi thức ngắn hơn, để các thầy giảng, nhất là trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu có thể xử dụng trong trường hợp nguy tử khi vắng mặt linh mục hay các thầy phó tế.

69. Nghi thức bổ túc. Thay vì nghi lễ gọi là "nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã rửa tội", phải soạn thảo một nghi lễ mới, trong đó nói lên rõ ràng và thích hợp hơn về điểm này là đứa nhỏ được rửa tội theo nghi thức vắn tắt cũng được nhận vào Giáo Hội rồi.

Cũng thế, phải soạn thảo một nghi thức mới cho những người trước kia đã chịu phép Rửa Tội thành sự, mà nay trở lại đạo thánh Công Giáo, trong đó nêu lên ý nghĩa việc họ được chấp nhận, được hiệp thông với Giáo Hội.

70. Ngoài mùa Phục Sinh. Ngoài mùa phục sinh, có thể làm phép nước rửa tội ngay trong nghi lễ rửa tội, theo một công thức vắn tắt hơn đã được chuẩn nhận.

71. Canh tân nghi lễ thêm sức. Cũng phải duyệt lại nghi lễ Thêm Sức để làm sáng tỏ hơn mối dây liên lạc mật thiết của Bí Tích này với toàn thể nghi lễ nhập Kitô giáo. Vì thế, nên lập lại lời hứa rửa tội ngay trước khi nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức.

Nếu thấy tiện, thì Bí Tích Thêm Sức có thể cử hành trong Thánh Lễ. Còn khi cử hành ngoài Thánh Lễ, phải lo soạn thảo một công thức để mở đầu nghi lễ.

72. Canh tân nghi lễ Giải Tội. Nghi Lễ và công thức Bí Tích Giải Tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của Bí Tích này.

73. Canh tân nghi lễ Xức Dầu Bệnh Nhân. "Bí Tích Xức Dầu sau hết" hay đúng hơn còn có thể gọi "Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân" không phải là Bí Tích dành riêng cho những người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để nhận Bí Tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.

74. Nghi lễ liên tục. Ngoài hai nghi lễ tách biệt nhau là Xức Dầu Bệnh Nhân và Trao Của Ăn Ðàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó sẽ xức dầu bệnh nhân sau khi xưng tội và trước khi nhận của ăn đàng.

75. Các lời nguyện trong nghi lễ xức dầu bệnh nhân. Xức dầu mấy chỗ là việc tùy nghi, và các lời nguyện đọc trong nghi lễ xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh Bí Tích này.

76. Canh tân nghi lễ Truyền Chức Thánh. Các Nghi Lễ Phong Chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Những lời huấn dụ của Ðức Giám Mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản quốc.

Trong Nghi Lễ Tấn Phong Giám Mục, tất cả các Giám Mục hiện diện đều có thể đặt tay.

77. Canh tân nghi lễ Hôn Phối. Nghi lễ cử hành Hôn Phối, hiện có trong sách nghi lễ Roma, phải được duyệt lại và làm phong phú hơn, để ý nghĩa ân sủng của Bí Tích này được thêm rõ ràng và nhấn mạnh hơn nữa bổn phận của hai vợ chồng.

"Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, thì Thánh Công Ðồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó" 1.

Ngoài ra, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22?2 của Hiến Chế này, có quyền soạn thảo, theo qui tắc khoản 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc. Tuy nhiên, phải duy trì luật này là vị linh mục chủ tọa phải hỏi và nhận lời ưng thuận của đôi bên giao ước.

78. Thánh lễ cử hành Bí tích Hôn Phối. Theo thường lệ, Hôn Phối phải cử hành trong Thánh Lễ, sau bài Phúc Âm và bài giảng và trước "lời nguyện giáo dân". Lời nguyện cho người vợ phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau. Lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản quốc.

Nhưng nếu Bí Tích Hôn Phối cử hành không Thánh Lễ, thì phải đọc bài Thánh Thư và Phúc Âm của Lễ Hôn Phối trước khi bắt đầu nghi lễ và luôn luôn phải chúc lành cho đôi tân hôn.

79. Canh tân các á bí tích. Phải duyệt lại các Á Bí Tích, chú ý tới các qui tắc căn bản này, là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự một cách ý thức và linh động, lại cũng phải lưu tâm tới những nhu cầu của thời đại chúng ta. Trong khi duyệt lại các nghi thức theo qui tắc khoản 63, cũng có thể thêm các Á Bí Tích mới tùy theo nhu cầu đòi hỏi.

Sẽ có rất ít các nghi lễ làm phép dành riêng, và khi đó chỉ ưu tiên cho các Giám Mục và các Ðấng Bản Quyền thôi.

Phải dự liệu để những giáo dân nào có đủ các đức tính thích hợp, đều có thể cử hành một vài Á Bí Tích, ít là trong những hoàn cảnh đặc biệt và tùy theo phán đoán của Ðấng Bản Quyền. 7*

80. Canh tân nghi lễ Khấn Dòng. Nghi Lễ Thánh Hiến các Trinh Nữ, đã có trong Sách Nghi Lễ Giám Mục Roma, phải được duyệt lại.

Ngoài ra, phải soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn sao cho có tính cách duy nhất hơn, đơn giản hơn và trang nghiêm hơn. Những ai khấn dòng hay tuyên lại lời khấn trong Thánh Lễ, phải dùng nghi thức này, trừ khi có đặc quyền riêng.

Việc khấn dòng cử hành trong Thánh Lễ là một điều đáng khen ngợi.

81. Canh tân nghe lễ An Táng. Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách phục sinh của cái chết Kitô hữu, và phải đáp ứng hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu sắc phụng vụ.

82. Nghi lễ an táng nhi đồng. Phải duyệt lại nghi lễ an táng nhi đồng và lập một Thánh Lễ riêng.

 


Chú Thích:

1 CÐ Trentô, khóa XXIV, 11-11-1563, de reformatione, ch. 1: Conc. Trid., x.b. đã trích, IX. Actorum phần VI, Friburgi Brisgoviae 1924, trg 969. Xem Rituale Romanum, tiết VIII, ch II, số 6.

7* Một vài Nghị Phụ đã lấy ví dụ các bậc cha mẹ có thể ban phép lành cho con cái.

 
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 9-2024
Cầu nguyện cho tiếng kêu của trái đất
Chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi người trong chúng ta biết lắng nghe bằng con tim tiếng kêu của trái đất, tiếng kêu của những nạn nhân do những thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, biết dấn thân bảo vệ thế giới mình đang sống.
For the cry of the earth
“That each of us listens with our hearts to the cry of the earth” is the prayer intention for the month of September. Catholics are also asked to pray this month for victims of environmental disasters and the climate crisis.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@