Chương V
Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh
Trong Giáo Hội 50*
39. Sự thánh thiện trong Giáo Hội. Chúng tôi tin Giáo Hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Ðồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là "Ðấng thánh duy nhất" 1, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (x. Eph 5,25-26). Người kết hiệp với Giáo Hội như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội - hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt - đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa" (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo Hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Ðức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Ðặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được GiáoHội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội. 51*
40. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện. Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất: "Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời" (Mt 5,48) 2. Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống "xứng đáng như những vị thánh" (Eph 5,3) và mặc lấy "lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa và yêu thương" (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện "xin Chúa tha nợ chúng tôi" (Mt 6,12) 3.
Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái 4. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Ðể đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh. 52*
41. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất. Những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.
Các chủ chăn lo cho đoàn chiên Chúa Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ mình cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vị Chủ Chăn và Giám Mục chăm sóc linh hồn chúng ta: làm như thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ mình một phương thế tuyệt diệu để thánh hóa. Ðược chọn để lãnh nhận trọn vẹn chức linh mục, các ngài hưởng nhờ ơn bí tích để thi hành nhiệm vụ bác ái cao cả của vị chủ chăn 5, trong lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh, giảng dạy và bằng mọi hình thức chăm sóc và phục vụ khác thuộc bổn phận của Giám Mục; các ngài đừng ngại hy sinh mạng sống vì con chiên và trở nên mẫu mực cho đoàn chiên (x. 1P 5,3); sau cùng, các ngài làm cho Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng gương lành của các ngài.
Các linh mục kết thành vòng hoa thiêng liêng của hàng Giám Mục 6 và thông phần vào ân sủng thuộc chức vụ Giám Mục, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian vĩnh cửu duy nhất; cũng như hàng Giám Mục, các linh mục phải gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hàng ngày; các ngài phải gìn giữ mối dây liên lạc giữa hàng linh mục, phải được dư đầy của cải thiêng liêng, phải là những chứng nhân sống động của Thiên Chúa trước mặt mọi người 7, và thi đua với những vị linh mục mà qua các thế hệ, đã để lại những chứng tá thánh thiện sáng ngời trong những việc phục vụ thường khiêm tốn và kín đáo. Các vị linh mục ấy được ca tụng trong Giáo Hội Chúa. Linh mục có bổn phận dâng kinh nguyện và lễ vật cho dân ngài và toàn thể Dân Thiên Chúa, các ngài phải ý thức điều các ngài làm và sống xứng đáng hợp với những điều các ngài cử hành 8. Các linh mục phải vượt qua những lo lắng tông đồ, những nguy hiểm và thử thách mà không để chúng trở thành những chướng ngại, hầu tiến xa hơn trên đường thánh thiện nhờ biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm dồi dào. Như thế, các ngài sẽ mang lại niềm hoan hỷ cho toàn thể Giáo Hội Chúa. Tất cả các linh mục, nhất là những vị đặc biệt thụ phong để thành linh mục giáo phận, hãy nhớ rằng việc trung thành kết hợp và quảng đại cộng tác với Giám Mục là phương tiện rất tốt để thánh hóa chính mình.
Dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của chức linh mục thượng phẩm, còn có những thừa tác viên ở bậc thấp hơn, trước hết là những vị Phó Tế; các Phó Tế khi phục vụ các nhiệm tích của Chúa Kitô và Giáo Hội 9, phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, làm đẹp lòng Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích cho nhân loại (x. 1Tm 3,8-10 và 12-13). Những giáo sĩ được Chúa kêu gọi để thuộc riêng về Chúa, và đang sửa soạn để lãnh nhận nhiệm vụ thừa tác viên, dưới sự coi sóc của vị chủ chăn, các vị ấy phải để lòng trí xứng hợp với ơn gọi hết sức cao cả của mình bằng cách cầu nguyện liên lỉ, yêu thương nhiệt thành, chỉ tưởng đến những điều chân thật, chính đáng và lành thánh, và chu toàn mọi sự để làm vinh danh Thiên Chúa. Thêm vào số người đó, còn có những giáo dân được Thiên Chúa chọn; họ được Giám Mục gọi để dấn thân trọn vẹn vào việc tông đồ, và họ làm việc rất hữu hiệu trong cánh đồng của Chúa 10.
Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê 11. Dưới một hình thức khác, bậc quả phụ và độc thân cũng nêu lên một gương tương tự: họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội. Còn những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ.
Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị bách hại vì sự công chính cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Ðấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là người có phúc, và vì "Thiên Chúa của mọi ân phúc, Ðấng đã gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu đau khổ trong một thời gian ngắn, chính người sẽ làm cho chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ" (1P 5,10).
Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nêᵠhọ biết tin tưởng lãnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên Trời và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế. 53*
42. Ðường lối và phương tiện nên thánh. "Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy" (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn đức ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Ðức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức. Thực thế, đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích 12. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.
Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tỏ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em (x. 1Gio 3,16; Gio 15,13). Một số Kitô hữu ngay từ thời sơ khai đã được gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo Hội coi việc tử đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dầu chỉ một số ít được phúc tử đạo, nhưng tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội.
Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc Âm cho môn đệ noi theo 13. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1Cor 7,7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1Cor 7,32-34) 14. Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quí trọng và coi như dấu chỉ và động lực của đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn ích thiêng liêng trong thế giới.
Giáo Hội cũng nhớ lời khuyên nhủ của Thánh Tông Ðồ thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ phải có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô "Ðấng tự diệt mình, nhận lấy hình hài tôi tớ..., và vâng lời cho đến chết" (Ph 2,7-8), và vì chúng ta, "Người đã trở nên nghèo nàn, tuy Người vốn giàu sang" (2Cor 8,9). Việc noi theo và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người. Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: hơn cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con người, tùng phục vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống Chúa Kitô vâng lời cách hoàn toàn hơn 15.
Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình mình cho đúng đắn, để việc xử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo, như lời Thánh Tông Ðồ cảnh giác: ai xử dụng thế gian này, xin chớ dừng lại đó, vì cuộc diện đời này sẽ qua đi (x. 1Cor 7,31, bản Hy lạp) 16. 54*
Chú Thích:
50* Trong lược đồ trình lên Công Ðồng khi khai mạc kỳ họp thứ hai, cả hai chương V và VI như chúng ta thấy hiện nay đều nằm chung trong một chương. Sự phân chia hai chương đó đặt ra hai câu hỏi:
1) Soạn một chương đặc biệt nói về tu sĩ phải chăng không thích hợp: (x. cuộc tranh luận trong chương kế tiếp).
2) Phải chăng tốt hơn là sắp đặt chương V này của lược đồ vào trong các chương I và II? Bởi vì việc nên thánh gắn liền với đời sống và mầu nhiệm Giáo Hội nên không thể bàn riêng được. Như vậy đáng lẽ Hiến Chế được kết cấu cân xứng và mạch lạc hơn: sau những chương đề cập đến mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Thiên Chúa (bao gồm cả khía cạnh thánh thiện và cánh chung) là những chương nói về các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội: giáo phẩm, giáo dân cách tổng quát, tu sĩ và những người có gia đình. Kết thúc là chương về Ðức Mẹ. Việc sắp xếp như vậy không thực hiện được vì thiếu thời giờ.
Chương V được kết cấu như sau: Công Ðồng xác định sự thánh thiện bản thể và luân lý của Giáo Hội (số 39), rồi kêu gọi mọi phần tử trong Giáo Hội phải nên thánh và hướng về sự nên thánh (số 40). Phải nên thánh thực sự trong bất cứ địa vị, điều kiện hay nghề nghiệp nào (số 41) bởi vì mọi phần tử trong Giáo Hội đều có những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên giúp cho họ không những nên thánh mà còn có được sự hoàn hảo trong bậc sống riêng của mình (số 42).
1 Sách lễ Roma, Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Xem Lc 1,35; Mc 1,24; Lc 4,34; Gio 6,69 (ho hagios tou Theou); CvTđ 3,14; 4,27 và 30; Dth 7,26; 1Gio 2,20; Kh 3,7.
51* Số 39: Nhập đề.
Ðiều quả quyết chủ yếu của số này là: Giáo Hội thánh thiện. Những ý tưởng khác trong số này đều phụ thuộc vào điều quả quyết chủ yếu đó. Giáo Hội thánh thiện vì tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, mới có lời kêu gọi nên thánh trong trật tự luân lý, vì trong trật tự đó mà Giáo Hội phải thực hiện sự thánh thiện bản thể Chúa Kitô ban cho. Sự thánh thiện này biểu lộ trong những hoa trái ân sủng nơi mỗi người, dưới nhiều hình thức, và đặc biệt trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm với tính cách riêng hoặc chung. Tóm lại, số này nhấn mạnh đến khía cạnh bản thể và luân lý của sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần; và chỉ mới trình bày nền tảng theo lời Thánh Phaolô: "Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa".
2 Xem Origenê, Comm. Rom. 7,7 : PG 14, 1122B Macariô Giả, De oratione, 11 : PG 34, 861 AB. T. Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 3.
3 Xem T. Augustinô, Retract. II, 18 : PL 32, 637t. Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943 : AAS 35 (1943), trg 225.
4 Xem Piô XI, Tđ. Rerum omnium, 26-1-1923 : AAS 15 (1923), trg 50 và 59-60. n.t. Tđ. Casti connubii, 31-12-1930 : AAS 22 (1930), trg 548. Piô XII, Tông hiến Provida Mater, 2-2-1947: AAS 39 (1947), trg 117. Diễn từ Annus sacer, 8-12-1950: AAS 43 (1951), trg 27-28. Diễn từ Nel darvi, 1-7-1956 : AAS 48 (1956), trg 574t.
52* Số 40: Mọi người đều được kêu gọi nên thánh.
Số này xét đến sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu nằm trong văn mạch về sự thánh thiện của Giáo Hội. Công Ðồng đưa ra những yếu tố gắn liền với lời kêu gọi mỗi người nên thánh. Ðoạn nhất bày tỏ sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu, và vì Kitô hữu được công chính hóa nhờ đức tin và phép Thánh Tẩy, tự bản thể và căn nguyên họ trở nên thánh thiện trong chân lý, nên họ có nhiệm vụ phải sống xứng hợp với điều ấy. Nền tảng thánh thiện vẫn tồn tại sau khi phạm tội. Ðề cập đến tội lỗi là để tránh một hình thức duy tâm nguy hại và để có thể lưu ý đến thực tại. Ðoạn hai kêu gọi mọi người nên thánh hoàn toàn. Ðây là phần kết luận cho cả số, rút ra từ nền tảng đã đặt định: Kitô hữu không chỉ nên thánh mà thôi, nhưng còn phải thực hiện sự thánh thiện trong đời sống cụ thể. Kitô hữu được kêu gọi làm việc đó.
5 Xem Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 5 và 6; De Perfect. Vitae spir., ch. 18. Originê, In Is. bài giảng 6,1 : PG 13, 239.
6 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Magn. 13,1 : x.b. Funk I, trg 241.
7 Xem T. Piô X, huấn từ Haerent animo, 4-8-1908: AAS 41 (1908), trg 560t. Giáo luật kh. 124. Piô XI, Tđ. Ad Catholici sacerdoti I, 20-12-1935 : AAS 28 (1936), trg 22.
8 Xem Pontificale Romanum, lễ truyền chức linh mục, lời huấn từ đầu.
9 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Trall. 2,3 : x.b. Funk I, trg 244.
10 Xem Piô XII, diễn từ Sous la maternelle protection, 9-12-1957 : AAS 50 (1958), trg 26.
11 Xem Piô XI, Tđ. Casti connubi I, 31-12-1930: AAS 22 (1930), trg 548. T. Gioan Kim Khẩu, In Ephes. Bài giảng 20,2 : PG 62,136 tt.
53* Số 41: Thực hành sự thánh thiện.
Ðộng lực trong đời sống Kitô giáo hướng dẫn mọi tín hữu đến đức ái hoàn hảo. Việc đó được thực hành theo nhiều mức độ, cũng như tùy theo các hồng ân và trạng huống khác nhau, hoặc trên bình diện đời sống Kitô giáo nói chung, hoặc mỗi bậc sống nói riêng. Theo văn mạch chúng ta thấy rằng nếu sự thánh thiện chỉ là một xét theo bản thể của nó, nó lại có nhiều cấp độ, vì sự tự do cộng tác vào ân sủng khác nhau, vì các bậc sống khác nhau và cuối cùng vì ân sủng được trao ban theo nhiều cách thức và mỗi người có hồng ân riêng biệt của mình.
Phần còn lại là một lời khuyên nhủ đặc biệt, có tính cách mục vụ, nhằm gởi đến những hạng người và những bậc sống khác nhau trong Giáo Hội (giám mục, linh mục, giáo sĩ, giáo dân, vợ chồng, công nhân, người chuyên nghiệp nói chung), để họ sống và có thể thăng tiến trên đường thánh thiện, phù hợp với địa vị và điều kiện riêng của họ. Như vậy là đi từ lời kêu gọi nên thánh tới nhiệm vụ phải tự thánh hóa trong địa vị và điều kiện riêng của mình. Và đó là nhiệm vụ của mỗi người.
12 Xem T. Augustinô, Enchir. 121, 32 : PL 40, 288. T. Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a.1. Piô XII, huấn từ Menti nostrae, 23-9-1950 : AAS 42 (1950), trg 660.
13 Về các lời khuyên nói chung, xem Origenê, Comm. Rom. X,14: PG 14, 1275B. T. Augustinô, De S. Virginitate, 15,15 : PL 40,403. T. Tôma, Summa Theol. I-II, q. 100, a.2, C đoạn cuối; II-II, q. 44, a. 4,3.
14 Về sự cao vời của đức khiết tịnh thánh hiến, xem Tertullianô, Exhort. Cast. 10 : PL 2,925C. T. Cyprianô, Hab. Virg. 3 và 22 : PL 4,443B và 461At. T. Athanasiô (?), De Virg. PG 28,252tt. T. Gioan Kim Khẩu, De Virg. : PG 48,533tt.
15 Về sự khó nghèo, xem Mt 5,3 và 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22; gương vâng lời của Chúa Kitô trong Gio 4,34 và 6,38; Ph 2,8-10; Dth 10,5-7. Các Giáo Phụ và các Ðấng sáng lập dòng thường đề cập rất nhiều đến các nhân đức này.
16 Về sự thực hành công hiệu những lời khuyên mà không bắt buộc tất cả mọi người, xem T. Gioan Kim Khẩu, In Mt. bài giảng 7,7 : PG 57,81t. T. Ambrosiô, De Viduis, 4, 23 : PL 16, 241t.
54* Số 42 : Những phương tiện thánh hóa.
Số này trình
|