Đức cha Phaolô BÙI CHU TẠO (1909–2001)
Người mục tử hiền lành, chủ chăn can đảm
1. Tiểu sử
Đức cha
Phaolô Bùi Chu Tạo sinh ngày 21-01-1909 tại Tam Châu, là con ông bà cố Liên,
nghĩa tử của Cha già Phaolô Dương Đức Liêm. Năm 1921-1923, ngài theo học tại
trường thử Ba Làng, sau đó về học tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, rồi Đại Chủng viện
Thượng Kiệm (1931-1937). Ngài được Đức cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng phong chức
linh mục tại Phát Diệm ngày 13-03-1937. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư
tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc (1937-1940), linh hướng Đại Chủng viện Thượng
Kiệm (1945-1951). Từ 1951 đến 1954, ngài dưỡng bệnh tại đền Đức Mẹ Cứu Giúp ở
cạnh chợ Nam Dân.
Sau năm
1954, ngài về nhận nhiệm sở tại Tam Châu cho tới ngày được Toà Thánh bổ nhiệm
làm Giám quản Tông toà Phát Diệm (30-11-1956). Ngài chính thức về nhận giáo
phận ngày 25-01-1957. Ngày 26-04-1959, tại Hà Nội, ngài được tấn phong Giám mục
Giáo phận Phát Diệm. Ngài được gọi về nhà Cha ngày 05-05-2001, hưởng thọ 92
tuổi.
Suốt cuộc
đời 64 năm linh mục, 42 năm giám mục, ngài đã nên gương sáng trong đời
sống cầu nguyện, thực thi bác ái mục tử, đúng như khẩu hiệu giám mục của mình: “Yêu
thương không giả dối”.
2. Con người của Bí tích Thánh
Thể
Đức Giám
quản Phaolô Bùi Chu Tạo lên lãnh đạo giáo phận giữa lúc xã hội Việt Nam cũng
như Giáo phận Phát Diệm đầy biến cố phức tạp. Cuộc di cư 1954 để lại trong giáo
phận những khoảng trống khó lấp đầy; số linh mục di cư gần hết, giáo dân di cư
hơn một nửa; giáo phận xơ xác, tiêu điều. Chính Đức tân giám quản khi vừa nhận
trách nhiệm nặng nề này, trong Thư Chung đầu tiên gửi toàn giáo phận đề ngày 25-1-1957,
đã khiêm nhường xác tín: “… biết mình tài hèn sức yếu, tôi hết sức từ
chối, nhưng ‘Lamã đã phán’ tôi nhận là thánh ý Chúa, cúi đầu vâng theo…”,
“… Con thuyền này vẫn chở Chúa Giêsu và đoàn chiên yêu dấu của Chúa, cũng
không khi nào Chúa để nó đắm chìm. Bất kỳ tay lái là ai, Gioan hay Phaolô, ta
cứ yên trí vì có Chúa ở bên tay lái”.
Nhờ đâu
mà ngài xác tín mạnh mẽ và cậy trông vững vàng như thế? Thưa, nhờ gắn bó
với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài là con người của Thánh Thể.
Chẳng
biết tự bao giờ, ngài có thói quen thức dậy từ 2 giờ sáng,
rồi lên nhà nguyện. Ngài quỳ cầu nguyện sốt sắng trước Thánh Thể đến 5 giờ rồi
dâng lễ. Khi có ai cần tìm gặp ngài, nếu không thấy ngài ở trong phòng riêng,
thì cứ đến nhà nguyện, chắc chắn gặp ngài ở đó. Ngài có thói quen rất đáng khâm
phục là đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ trước Thánh Thể.
Một linh
mục được ở bên ngài nhiều năm kể lại: “Năm 1975, tôi được vào học hàm thụ
tại Toà Giám mục. Nhà chung lặng ngắt giữa thời khó khăn, chỉ có Đức cha, cha
chính xứ và tôi là người giúp việc. Đêm đầu tiên trằn trọc khó ngủ, đến nửa đêm
về sáng lại ngủ quên, tới giờ lễ Đức cha phải từ tầng hai xuống gọi dậy giúp
lễ. Thái độ ôn tồn, bao dung của Đức cha khiến tôi quyết tâm từ đây tự điều
chỉnh để dậy đúng giờ. Ngày thứ hai, nghe tiếng chân Đức cha bước lên cầu
thang, tôi vội bật dậy lên theo. Đồng hồ nhà nguyện chỉ 2 giờ. Tôi hơi bỡ ngỡ.
Thì ra, ngày nào Đức cha cũng lên nhà nguyện vào giờ đó. Tôi hiểu ra sức sống
nội tâm của Đức cha và hiểu được bí quyết làm cho Đức cha vừa mềm dẻo lại luôn
cương quyết giữa bối cảnh xã hội đầy biến động lúc đó”.
Trong
thời kỳ giám mục của ngài, các linh mục thiếu hụt trầm trọng. Hầu hết các xứ,
họ vắng bóng các linh mục, giáo dân phải tự sống đức tin của mình. Để nâng đỡ
họ, Đức cha Phaolô đã tìm mọi cách để Bí tích Thánh Thể đến với đoàn chiên.
Ngài lựa chọn các ông trùm, ông quản, những người đạo đức, trao thừa tác vụ
ngoại lệ để họ kiệu Mình Thánh về cho giáo dân chầu buổi tối; buổi sáng có cử
hành Lời Chúa và Hiệp lễ, rồi trao Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Ngài mời gọi
những ai không hiệp lễ được thì hợp lòng rước lễ thiêng liêng. Nhờ vậy giáo dân
vẫn giữ vững được đức tin.
Ngay khi
về nhận giáo phận, ngài đã tận tâm xốc lại phong trào Hội Thánh
Thể nơi các giáo xứ, ban nhiều đặc ân cho những ai vào Hội Thánh Thể, cổ
vũ việc chầu Mình Thánh, đặc biệt trong ngày chầu lượt của các giáo xứ.
Ai
dự lễ Đức cha dâng đều nhận thấy rằng, ngài say mê Thánh Thể.
Trước và sau thánh lễ ngài quỳ cầu nguyện thật lâu giờ.
Như vậy,
ngài không chỉ đặt Bí tích Thánh Thể vào trung tâm đời sống
mục tử của mình, mà còn muốn mọi thành phần dân Chúa kín
múc đựợc nguồn mạch đức tin nơi đây để sống đạo giữa hoàn cảnh lịch
sử đầy biến động và nguy nan.
3. Con người từ tốn và khôn ngoan
Một linh
mục kể: “Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, con người hom hem ốm yếu, cân nặng
chừng 40 ký. Con người như thế, lẽ ra theo nhận xét loài người, với sức đè nặng
của nhiệm vụ Giám quản, giám mục trong suốt thời loạn ly bi đát (1954-1960), đã
phải kiệt sức và mất sớm. Tuy nhiên chương trình của Thiên Chúa thì khác hẳn:
hơn 40 năm trong chức vụ chủ chăn, ngài đã cầm cự với thời gian, với thời cuộc,
luôn luôn phấn đấu kiên cường, trí khôn vẫn minh mẫn sáng suốt, và tuy sức khoẻ
đã giảm nhiều, nhưng ngài vẫn minh chứng phong độ khí khái, dẻo dai! Con người
thầm lặng, ít nói, nhưng nếu nói ra thì câu nào cũng như đinh đóng cột, và thế
đứng của ngài lúc nào cũng bình chân như vại!”
Dù gặp
hoàn cảnh nào ngài cũng luôn bình tĩnh, từ tốn và khôn ngoan. Cũng
một linh mục Phát Diệm kể lại: Một hôm, sau khi dâng lễ ngoài nhà thờ lớn,
ngài trở về Nhà Chung theo lối Núi Sọ. Có một anh công an y phục chỉnh tề đứng
bên cạnh đường lên giọng hỏi ngài: Ông đi đâu? Ngài vẫn bình thản, thinh lặng
bước đi. Anh ta đi theo, tới cổng vào nhà, anh ta lại hỏi lớn hơn: Ông đi đâu?
Trước khi khép cổng, ngài dừng lại một chút và nhỏ nhẹ trả lời: “Nhà tôi đây”,
rồi tiếp tục về phòng không chút bực bội hay khiển trách. Sau khi thay lễ phục,
ngài chỉ nói như để bào chữa cho người công an: “Hình như anh này mới đến
đây”.
Đối diện
với biết bao khó khăn, bị hạn chế đi lại, bị những lời la mắng của chính
những giáo dân mà ngài yêu thương, bị những người một thời được ngài coi là
thân thuộc quay lưng lại, ngài vẫn một thái độ điềm đạm, bao dung. Bởi
ngài biết họ chỉ làm theo yêu cầu nào đó. Quả thực, lời Chúa Giêsu đã thấm
nhuần nơi ngài: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” và “Ngài đã yêu thương
họ đến cùng”.
Hoàn cảnh
khó khăn đã cầm chân ngài tại Tòa giám mục. Không thể đến với
giáo dân, ngài viết thư luân lưu giáo huấn hàng giáo sĩ và giáo dân bằng những
lời tâm huyết được kín múc từ nguồn mạch khôn ngoan là Lời Chúa và Thánh Thể.
Từ năm 1959 đến năm 1988, ngài viết khá nhiều thư về các đề tài, vào các dịp
khác nhau, nhằm nâng đỡ đức tin và hướng dẫn đoàn chiên sống đức tin trong hoàn
cảnh mới.
Có thể nói,
Đức cha hiếm khi lớn tiếng. Ngài luôn nhỏ nhẹ, nhưng giọng nói âm trầm,
rành rọt và khúc chiết, thâm thuý pha chút hóm hỉnh. Dáng người nhỏ nhắn, yếu
ớt mà sự ung dung tự tại đến vĩ đại vẫn luôn toát lộ ra ngoài; ánh mắt luôn
nhân hậu, hiền lành không sắc sảo mà vẫn đọc được tâm can người đối diện, dù là
người thiện hay tà tâm.
4. Con người đơn sơ, thân thiện
và tận tình với đoàn chiên
Đức cha
sống đơn sơ, đạm bạc: từ tiện nghi trong phòng tới ăn mặc. Căn phòng của ngài
chỉ là chiếc giường chiếu đơn sơ với bộ bàn ghế mộc mạc. Bữa ăn thường ngày là
rau mắm đạm bạc. Ngài tự giặt giũ quần áo cho mình và tự tay thu dọn phòng riêng.
Cố linh mục Luca Trần Hùng Sĩ kể lại: “Có lần về Phát Diệm thăm hai Đức cha,
tôi bắt gặp cả hai vị đang tự mình ngồi giặt quần áo, và quét phòng riêng của
mình!” Ngài chẳng tích trữ gì riêng cho mình, sẵn sàng
chia sẻ, giúp đỡ những người túng thiếu, bệnh tật. Quả thật gương sống thanh
bần của ngài đã ảnh hưởng tới nhiều tâm hồn.
Cuộc đời
của ngài hoàn toàn xả thân cho giáo dân, liên tục sống đời trong suốt, chiếu
dọi một nếp sống thánh thiện. Đối với chính quyền địa phương, ngài đối xử lịch
thiệp, biết lui biết tới, mặc dù vẫn kiên trì trong phong độ cương nghị. Điều
mà ai ai cũng cảm phục và nhận thấy nơi Đức cha là lòng bác ái, bao giờ cũng
sẵn sàng tham gia với chính quyền chống nạn đói, chống bão lụt và mưu tìm lợi
ích cho dân chúng.
Ngài thật
là Kitô thứ hai, thành mẫu gương sáng cho mọi thế hệ. Chính vì thế, trong dịp
mừng Ngọc khánh linh mục của ngài, người ta đã không ngại tặng ngài danh hiệu: “Mục
tử hiền lành, chủ chăn can đảm”. Thật xứng đáng thay!
GP. Phát Diệm