Đức cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI (1909–1988)
Chứng nhân của đức vâng phục
Khuôn mặt vị mục tử
Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988), được xếp vị trí thứ
6 trong bảng danh sách 100 vị giám mục Việt Nam (tính từ Đức cha G.B. Nguyễn Bá
Tòng, người Việt Nam đầu tiên được phong chức giám mục) và cũng là vị giám mục
tiên khởi của giáo phận Đà Nẵng (được thành lập ngày 18-01-1963, tách từ Giáo phận
Quy Nhơn). Thực sự, thế hệ giáo dân Công giáo thuộc các thập niên 1940, 1950 và
1960 có thể biết danh ngài, đặc biệt là anh chị em giáo dân di cư từ Bắc vào
Nam năm 1954; còn các thế hệ sau này có thể chỉ nghe biết đến ngài một cách
tình cờ, dẫu là những giáo dân, linh mục, tu sĩ trẻ của giáo phận Đà Nẵng và
Quy Nhơn. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi vì trong suốt 13 năm cuối đời, từ
1975 đến 1988, Đức cha Phêrô Maria hầu như không còn xuất hiện công khai, kể cả
trong những lần hội họp chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Con người và hành trạng là thế, nhưng sự hiện diện vô hình của Ngài
thực sự đã ghi một dấu ấn rõ ràng trong lịch sử giáo hội Việt Nam, cách riêng
với giáo phận Đà Nẵng mà ngài là vị mục tử tiên khởi, với những đóng góp tích
cực trong thời gian từ khi khởi đầu thánh vụ giám mục cho đến lúc từ trần. Đó
là những giáo xứ toàn tòng Công giáo được gọi là “Bắc di cư” và những ngôi
thánh đường đầu tiên tại các vùng đất vắng (Gò Vấp, Hóc Môn… của Giáo phận Sài Gòn,
những xứ đạo dọc kênh của vùng Cái Sắn, Giáo phận Long Xuyên, các xứ đạo nội
thành của Giáo phận Đà Nẵng…). Đó cũng là các đoàn thể Công giáo Tiến hành được
tổ chức quy củ từ những năm 1960 trong các giáo phận phía Nam. Đó cũng là Trung
tâm Công giáo hiện nay, là cơ ngơi mà chính Đức cha Phêrô Maria đã tạo lập cho
Giáo hội Việt Nam và là vị giám đốc đầu tiên khi được đặc cử phụ trách Công
giáo Tiến hành Việt Nam. Riêng tại Giáo phận Đà Nẵng, vốn đã được chính Đức cha
Phêrô Maria định danh là “Giáo phận của Công đồng” vì được thành lập ngay chính
trong thời gian Công đồng Vatican II nhóm họp, và được tổ chức theo đường hướng
của Công đồng, sự nghiệp của Đức cha Phêrô Maria đã ghi khắc một dấu ấn đặc
biệt và vững bền.
Bởi đó, việc ghi nhớ, nhắc nhở và tiếp nối công việc của vị giám
mục tiên khởi của giáo phận Đà Nẵng như mẫu gương mục tử nhân lành, là điều hợp
tình và hợp lý, nhất là trong thời điểm chuẩn bị mừng 50 năm của Giáo hội Việt
Nam và xem như cũng là của giáo phận Đà Nẵng.
Một đời sống theo gương Chúa Kitô
Đức Giêsu Kitô, trước khi bước vào cuộc khổ nạn thập giá, đã thân
thưa với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”, và Ngài đã hoàn
tất công trình cứu độ với cái chết trên thập giá. Đức cha Phêrô Maria, khi nhận
sứ vụ giám mục (năm 1950), đã chọn câu nói của Thánh Phêrô với Thầy Chí Thánh
Giêsu, làm khẩu hiệu đời Giám mục của mình: “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.
Và với quyết tâm đó, Đức cha Phêrô Maria đã tiếp tục hiến đời mình cho việc
“thả lưới” vì “vâng lời Thầy”, cho đến giây phút cuối đời.
Vâng lời từ tuổi thanh xuân
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức truyền thống tại Giáo
xứ Tôn Đạo (Giáo phận Phát Diệm), năm lên 11 tuổi, cậu bé Phêrô đã sẵn sàng
nghe lời Cha sở Pleneau Kim để “dâng mình cho Chúa” nhập trường Thử Ba Làng
(Thanh Hoá) rồi Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc (Phát Diệm). 6 năm sau, khi chỉ mới
17 tuổi và đang học Trung học, cậu thanh niên Phêrô lại một lần nữa vâng lệnh
Bề trên là ĐGM Marcou Thành, rời Việt Nam sang nước Ý du học tại Trường Truyền giáo
Rôma. 7 năm sau (ngày 23-12-1933), ở tuổi 24, thầy Phêrô can đảm và quyết tâm
nhận chức linh mục tại Đại Thánh đường Thánh Phêrô (Vatican) rồi tiếp tục hoàn
tất các học vị tiến sĩ triết học, cử nhân thần học và giáo luật tại Đại học Apollinaire,
sau đó (năm 1935) lại qua Pháp theo học văn khoa tại Đại học Công giáo Paris.
Nhưng chỉ một năm sau, ở tuổi 27, ngài vâng lời Đức Giám mục giáo phận hồi
hương để làm giáo sư Đại Chủng viện Phát Diệm, dạy chính các bạn đồng song ở
quê nhà. Các trách vụ lại tiếp nối được đặt lên vai vị linh mục trẻ trung, năng
động và tận tụy với việc huấn giáo tại chính giáo phận bản quán: Phó Giám đốc
Đại Chủng viện (1944), Chánh án Toà án Hôn phối giáo phận và thành viên của Hội
đồng giáo phận (1946), Cố vấn về luật và các vấn đề xã hội của Đức cha Lê hữu
Từ (1945-1950), Giám đốc Đại Chủng viện Phát Diệm (1946). Trong mọi công việc
và trách nhiệm được giao phó, vị linh mục trẻ Phêrô đã hết lòng chu toàn với
một ý thức vâng lời phục vụ vì lòng yêu Chúa và Giáo hội Chúa.
Tuân phục đến phút cuối đời
Sách Lão Tử (Đạo Đức kinh, LXIV, 2) viết: “Cửu tầng chi đài,
khởi ư lũy thổ. Thiên lý chi hành, thỉ ư túc hạ” [Đài cao chín tầng phát khởi
từ mô đất. Cuộc viễn hành ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân] để đề cao tầm quan
trọng của một nền tảng cần thiết phải có cho những công trình, những cuộc hành
trình. Với Đức cố Giám mục Phêrô Maria, những bước tiếp theo của đời vị linh
mục vẫn luôn được tín nhiệm để giao phó nhiều trọng trách, đã thêm một bước cao
và dài hơn: chức vụ giám mục. Khởi đầu là Giám mục Chính toà Bùi Chu
(1950-1954), rồi đến một biến cố đầy thử thách cho đời giám mục của ngài: Phụ
trách giáo dân di cư (1954-1957). Vì đức vâng lời và theo sự uỷ thác của Vị
Khâm sứ Toà Thánh Dooley, Đức cha Phêrô Maria chấp nhận phải rời xa giáo phận
và đàn chiên đang chăn dắt với nhiều dự tính và thành quả tốt đẹp, nhận trọng
trách lo lắng phần tinh thần cho những người di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định
Genève, cả giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ. Chắc chắn rằng, cùng với đức vâng lời là
khả năng điều hành hữu hiệu và khôn ngoan, Đức cha Phêrô Maria, chỉ trong 3 năm
đã tích cực giúp ổn định cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất cho một số rất
lớn những người di cư tại các trại định cư mà nay là những xứ đạo sầm uất, vững
vàng từ miền Trung, Nam đến Tây nguyên.
Có lẽ cao điểm của đức vâng phục và nhiệt tâm mục vụ của Đức cố GM
Phêrô Maria là quyết định đầy can đảm và mẫu mực của ngài khi nhận làm Giám mục
Chính Tòa của giáo phận tân lập Đà Nẵng, được tách ra từ chính giáo phận mẹ Quy
Nhơn mà ngài đang là Giám mục Chính Tòa (1957-1963). Chính quyết định này của
vị Giám mục của một Giáo hội Việt Nam với hàng giáo phẩm mới được thành lập,
cũng đã khiến nhiều giới chức ở Toà Thánh cảm kích và thán phục. Làm chủ chăn
một giáo phận mới suốt 25 năm (1963-1988), những gian truân thử thách thuở ban
đầu tưởng như sẽ vơi bớt và hanh thông theo thời gian; thế nhưng, như đường
thánh giá vẫn luôn có những biến đổi theo từng chặng để dẫn tới đồi Canvê, cuộc
hành trình “vâng lời Thầy, con thả lưới” trên biển đời của Đức cố Giám mục
Phêrô Maria cũng luôn ẩn hiện những sóng gió ba đào. Có thể nói, 13 năm cuối
đời của Đức cha Phêrô Maria trên cương vị chủ chăn giáo phận đã được chuyển qua
một hướng khác, đặc biệt và khác lạ, khởi đi từ một quyết định vâng phục mới
của ngài. Sự vâng phục dựa trên Thánh ý Chúa và lòng yêu thương của vị mục tử
để quyết định chọn một vị giám mục phó cho mình và giáo phó cho người kế vị
những trọng trách tương ứng. Sự vâng phục tiếp theo chắc chắn phát xuất từ lòng
phó thác vào Chúa và sự khiêm nhường sâu thẳm để chấp nhận một đời sống ẩn dật
tại vùng đất của những chứng nhân đức tin: linh địa Đức Mẹ Trà Kiệu.
Trong bản “Chúc thư tinh thần”, Đức cha Phêrô Maria đã
viết môt cách rất xác tín: “… Cả đời tôi là một chuỗi tình thương của Chúa,
tôi ca ngợi không bao giờ cùng!... Cùng với các hồng ân, Chúa đã gửi đến cho
tôi nhiều đau khổ, nhiều thử thách. Đau khổ và thử thách cũng là những hồng ân
Chúa ban… Đọc Phúc Âm Thánh Gioan (21,18) tôi thấy Chúa đã định trước cả chi
tiết đời sống tôi: “Khi con còn trẻ, thì con tự thắt lưng cho mình, và con muốn
đi đâu thì đi. Nhưng khi con về già, thì người ta thắt lưng cho con và đem con
đến nơi con không muốn”…
Cuộc đời của vị chủ chăn tiên khởi của Giáo phận Đà Nẵng, Đức cố
Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, còn có thể được nhắc tới và tham khảo về
nhiều phương diện, đặc biệt là tầm nhìn mục vụ và khả năng đào tạo và dụng nhân
của ngài. Nhưng trước hết và trên hết, vẫn là một khởi nguồn từ đức vâng phục
để có thể luôn là người mục tử tốt lành cho “chiên được sống và sống dồi dào”,
như lòng Chúa mong ước.
GP. Đà Nẵng